| Hotline: 0983.970.780

NTM nơi "địa đầu" Hà Nội

Thứ Hai 20/12/2010 , 10:30 (GMT+7)

Xã Yên Trung có 85% dân số là người Mường, 2/3 diện tích là đồi núi, trên 19% hộ nghèo. Xây dựng NTM ở đây nên bắt đầu từ đâu?

Tháng 8/2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất (trước thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình) trở thành cửa ngõ phía Tây của Thủ đô. Xã 85% dân số là người Mường, 2/3 diện tích là đồi núi, trên 19% hộ nghèo. Vậy, xây dựng NTM tại nơi "địa đầu" Hà Nội này nên bắt đầu từ đâu?

 Yên Trung bị đồi núi bao vây, cô lập tứ bề. Xen kẽ là những thửa ruộng trồng lúa nước nho nhỏ, là nguồn sống chủ yếu của bà con nơi đây. Ở Yên Trung nói riêng và miền núi vùng sâu vùng xa nói chung, bà con định cư rải rác nên việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch giao thông khi xây dựng NTM vô cùng khó khăn. Vì biết bao nhiêu tiền cho đủ để làm mỗi gia đình một con đường bê tông từ trục chính vào nhà?

Chương trình xây dựng NTM đang được triển khai thí điểm ở một số xã, vùng miền, sau đó sẽ được nhân rộng ra khắp cả nước. Về lâu dài, các địa phương sẽ phải chủ động nguồn vốn vì Nhà nước không thể chu cấp mãi. Nhưng với những xã khó khăn tiêu biểu như Yên Trung, nguồn vốn trong xây dựng NTM không thể huy động từ dân hay ngân sách.

Diện tích đất tự nhiên của Yên Trung rộng tới 1.500 ha. Trong đó, đường giao thông liên thôn, liên xã là hơn 10km hầu hết đã xuống cấp và cách xa chuẩn NTM. Địa hình của Yên Trung lại là đồi núi quanh co, phức tạp gây cản trở khi làm đường. Theo tính toán của Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Đinh Quang Tho thì với 10km đường giao thông sẽ cần tới 10 tỷ đồng để xây dựng đạt chuẩn đường NTM. Nhưng khổ một nỗi ngân sách của xã những năm qua chỉ lẹt đẹt ở ngưỡng 30 triệu đồng/năm. Nếu trông chờ vào ngân sách xã thì chẳng thế có đường đi.

Tôi tìm vào gia đình anh Nguyễn Tiến Lộc, dân tộc Mường ở thôn Đồng Tới hỏi dò xem nếu địa phương làm đường giao thông khang trang, anh có sẵn sàng đóng góp không? Câu trả lời của anh chỉ  là sự ngượng ngùng trong bế tắc. Qua đó cũng phần nào hiểu được hoàn cảnh khó khăn của anh Lộc cũng như đồng bào dân tộc thiểu số ở đây nói chung. Nếu bảo bà con đóng góp ngày công lao động họ sẵn sàng làm ngay. Nhưng bảo góp tiền thì rất khó vì bản thân họ không có tiền, nếu có góp cũng chẳng được bao nhiêu vì thu nhập bình quân đầu người của Yên Trung hiện chỉ là 9 triệu đồng/người/năm.

Nhiều người "hiến kế” cho xã Yên Trung bán đấu giá đất rừng và đất nông nghiệp để tạo vốn xây dựng đường giao thông. Đang rót nước mới khách, ông Tho lập tức dừng lại và chỉ tay về mảnh đất trước cổng ủy ban nói: “Đất mặt đường tỉnh lộ 446 đẹp nhất xã Yên Trung giá cũng chỉ vài trăm nghìn đồng/m2. Chủ trương của Nhà nước là không cho bán đất, giả sử được thành phố cho đem đấu giá thì chỉ làm được vài mét đường là hết nhẵn. Mà đấu giá chưa chắc đã có người mua, cái đó chúng tôi cũng tính rồi nhưng không ăn thua”.

Việt Nam rừng vàng biển bạc, Yên Trung nhiều rừng như vậy chẳng lẽ lại bó tay? Sau những trăn trở, cuối cùng ông Bí thư cũng đưa ra được lợi thế duy nhất của xã Yên Trung là trồng rừng và trồng sắn. Nếu Nhà nước không hỗ trợ thì chỉ còn cách thúc đẩy đẩy kinh tế địa phương phát triển để từ đó quay trở lại đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Liệu xây dựng một Nhà máy chế biến sắn và lâm sản tại xã miền núi Yên Trung có thúc đẩy kinh tế khu vực này phát triển, từ đó tạo ngân sách cho địa phương để có tiền làm đường? Cái này cũng rất khó bởi với diện tích rừng và sắn hiện có của Yên Trung cũng chỉ là hơn 500ha, một nhà máy công suất trung bình chạy vài ngày đã hết nguyên liệu nên đây không phải là phương án khả thi cho lắm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.