| Hotline: 0983.970.780

NTM qua những câu vọng cổ

Chủ Nhật 05/01/2014 , 09:56 (GMT+7)

Tôi gặp nghệ sĩ Lâm Hoàng Anh (nghệ danh Lâm Nguyễn Anh, 65 tuổi) tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau vào một ngày cuối năm 2013.

Tôi gặp nghệ sĩ Lâm Hoàng Anh (nghệ danh Lâm Nguyễn Anh, 65 tuổi) tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau vào một ngày cuối năm 2013.

Ngồi bên tách trà nóng dưới những cơn gió mang theo không khí se lạnh càng làm cho tâm hồn người nghệ sĩ, đồng thời là tác giả của nhiều bài vọng cổ nổi tiếng viết về sự đổi thay của quê hương Cà Mau dâng trào cảm xúc.

“Nàng dịu dàng và thông minh

Hết lòng vì cô bác nông dân

Từ thủ tục đơn vay đến thẩm tra mô hình

Hương nè! Quần chúng tin yêu

Là thành công ban đầu của người cán bộ

Lời Bác Hồ thấm sâu trong dạ…”

Nghệ sĩ Hoàng Anh cất lên mấy câu trong điệu “Xan xừ líu” khiến những người có mặt vỗ tay tán thưởng. “Đối với tôi, niềm vui nhất là được chứng kiến nơi mình chôn nhau cắt rốn thay da đổi thịt hằng ngày, hằng giờ”, người nghệ sĩ già tâm sự.


Nghệ sĩ Hoàng Anh (phải) trò chuyện với đồng nghiệp về những tác phẩm mới ca ngợi nông thôn

Cảm xúc quê hương

Nghệ sĩ Hoàng Anh tâm sự: “Tôi là người con của quê hương Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Cuộc sống thơ ấu gắn liền với đồng quê, do đó khi viết về nông thôn mình đã có sẵn tư liệu. Cũng vì lẽ đó mà những bối cảnh trong cuộc sống đời thường ở nông thôn khi chuyển tải thành tác phẩm nghệ thuật nó đậm chất và có hồn nhiều hơn”.

Ông nhìn nhận thế nào về quê hương Cà Mau bây giờ? Tôi hỏi. “Tôi rất mừng vì sự đổi mới của nông thôn Cà Mau hiện tại. Sự đổi thay ấy có thể thấy rõ qua từng con đường, những ngôi trường mái ngói, những công trình phục vụ đời sống dân sinh…Những hình ảnh ngày xưa như xuồng ba lá, xuồng chèo, con đường đất lắm bùn bây giờ chỉ còn là hình ảnh trong ký ức của những thế hệ như tôi”, nghệ sĩ Hoàng Anh nở nụ cười khi nhận xét về quê hương.

Nói về tâm huyết của mình trong việc sáng tác, nghệ sĩ Hoàng Anh cho biết, với trách nhiệm một người con của quê hương Cà Mau, bản thân ông và giới nghệ sĩ trong tỉnh luôn mong muốn thông qua những tác phẩm để kêu gọi những người con của quê hương khi đã trang bị đủ cho mình kiến thức, trình độ thì hãy quay về bắt tay cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp thêm.

“Xuất phát từ ý nghĩ này mà tôi đã viết nên bài “Nặng tình quê ngoại”. Đây là bài vọng cổ mà tôi tâm đắc nhất. Ở đó người nghe có thể cảm nhận được tấm lòng của người con sau nhiều năm xa xứ lên Sài Gòn theo học”, nghệ sĩ Hoàng Anh kể.

Lấy bối cảnh quê hương huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, tác giả viết về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái thật đẹp tên Hương và Thắng. Cô sinh viên Hương đến từ vùng quê Sông Trẹm, huyện Thới Bình lên Sài Gòn theo học ngành ngân hàng, rồi gặp và yêu thương chàng trai cũng là sinh viên học cùng trường tên Thắng nhà ở gần trường. Sau ngày ra trường, cô sinh viên ngày nào từ bỏ phố thị nhộn nhịp để trở lại quê hương xin vào làm việc tại một ngân hàng ở huyện, với quyết tâm sát cánh cùng bà con nông dân làm giàu đẹp thêm cho quê hương Thới Bình.

Tình yêu của cô gái miệt thứ đã khiến cho Thắng, một kỹ sư trẻ từ bỏ ánh đèn đô thị tìm về quê người yêu để giúp nông dân phát triển nghề trồng lúa và nuôi tôm. Ngày gặp lại sau nhiều năm xa cách khiến cho tình yêu của hai người càng thắt chặt tình sâu:

“Ơi! Chinh chiến lâu dài quê ngoại lắm đau thương. Dòng nước đỏ có máu đào ai đổ xuống. Trí Phải, Kinh Tư bao nấm mồ ghi tội ác. Hình ảnh bảy mươi hai người giặc thảm sát vẫn còn đau…”.

Câu hát được chính tác giả ngân lên bên những bạn nghề khiến cho tôi cảm thấy quê hương Cà Mau thân thiết gắn bó làm sao. Lý giải câu hỏi của tôi, tại sao tác giả muốn tái hiện lại cảnh chiến tranh điêu tàn. Nghệ sĩ Hoàng Anh cười tươi, giải thích: “Thế hệ trẻ hôm nay không thể biết được nỗi đau của chiến tranh như thế nào. Quê hương Thới Bình đi qua hai cuộc kháng chiến đã bị tàn phá nặng nề.

Do đó, tôi muốn cho tất cả thế hệ hôm nay hãy nhớ về nỗi đau trong quá khứ để vững tin đi lên trong tương lai. Người ta là trai thị thành, mưa không thích còn nắng không mấy ưa, mà còn về lại Thới Bình giúp nông dân mình phát triển kinh tế, thì huống gì những đứa con quê hương”.


Những câu vọng cổ được ngân lên ngay trong lúc lao động

Không chỉ riêng bài vọng cổ “Nặng tình quê ngoại” của tác giả Hoàng Anh được người dân địa phương yêu thích, mà còn nhiều hơn nữa những bài hát như thế. Những câu vọng cổ trong trẻo, mang đậm tình quê được cất lên trong những ngày hội hè, những buổi sinh hoạt văn nghệ ở địa phương, từ lâu đã thấm vào lòng người dân bản xứ. Chính vì thế, khi Nhà nước vận động nhân dân góp công, góp sức xây dựng NTM, người dân Cà Mau rất nhiệt tình tham gia.

Trở lại quê hương Thới Bình hôm nay, những con đường trải nhựa láng bóng, những con lộ bê tông nối ấp liền ấp và những công trình dân sinh đã và đang mọc lên từng ngày.

Xây dựng quê hương từ bài ca vọng cổ

Người miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng, từ lâu đã xem những bài vọng cổ là món ăn tinh thần không thể thiếu. Cũng vì “thói quen khó bỏ” này mà khi giới nghệ nghĩ lồng ghép cách tuyên truyền vận động người dân chung tay xây dựng NTM đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Bởi lẽ lời ca, tiếng hát không sâu xa, kỳ bí mà nó chính là bức tranh của cuộc sống đời thường mà theo cách lý giải ví von của tác giả Hoàng Anh là “dân miền Tây có thể hát ở bất kỳ sân khấu nào. Từ tiệc tùng cho đến bờ ruộng, ao cá hay khi ngồi giải lao trong những ngày làm đồng áng”.

Nhận xét của nghệ sĩ Hoàng Anh quả không sai khi chúng tôi có dịp đến quê hương Cái Nước. Anh Nguyễn Văn Đảo là một thầy đờn có tiếng ở địa phương chia sẻ: “Mình cũng muốn đem văn nghệ để phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Mỗi khi gảy lên những phím đàn, lòng mình vui sướng không gì sánh được. Từ ngày các nghệ sĩ sáng tác những bài hát viết về quê hương, dân tài tử tụi mình mê lắm. Bọn mình còn tìm, sưu tầm những bài hát như thế rồi nhân ra cho nhiều người có máu văn nghệ tập dượt để hát trong các tiệc vui ở địa phương”.


Những con đường mới ở Cà Mau

Còn chị Nguyễn Thị Tiên, vợ anh Đảo, không giấu được niềm cảm xúc khi nghe bài “Nặng tình quê ngoại”: “Nói thiệt chứ mình mê ca cổ từ hồi mới lọt lòng mẹ. Nhưng đa phần các bài hát trước đây lấy chủ đề là tình yêu đôi lứa, ít người viết để kêu gọi toàn dân chung tay xây dựng quê hương. Đây là một cách tuyên truyền hết sức mới mẻ, vừa hay vừa thiết thực và gần gũi với người dân”.

Để chứng minh mình không nói suông, anh Đảo chỉ tay ra con lộ giao thông nông thôn mới xây dựng trước cửa nhà nói: “Nông dân mà, khi được vận động cùng Nhà nước xây dựng lộ, ít nhiều cũng phải tính toán đến chuyện tiền nong. Nhưng nói đi phải nói lại, mình làm là để phục vụ cho chính bà con quê mình thì có gì đâu mà phải e ngại”.

Ông Châu Ngọc Trọng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Mỹ (Cái Nước), cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ để tuyên truyền người dân tham gia xây dựng NTM thông qua các tác phẩm nghệ thuật.

“Chúng tôi rất vui khi bà con nông dân hưởng ứng rất mạnh với cách tuyên truyền này. Nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn ở xã Hưng Mỹ ngày càng được thay đổi. Hiện tại xã đã có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn”, ông Trọng cho biết.

Thực tế cho thấy, với cách làm hay của ngành chức năng các cấp ở Cà Mau trong việc vận động, tuyên truyền xây dựng NTM thông qua các bài vọng cổ, bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả đáng để nhân rộng.

“Hưởng ứng cuộc vận động toàn dân xây dựng NTM, giới nghệ sĩ ở Cà Mau chúng tôi đã lồng ghép những câu chuyện của đời thường vào những tác phẩm nghệ thuật mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền. Tại Hội thi liên quan VH-NT-TDTT khu vực phía Nam, tỉnh Cà Mau vinh dự đón nhận 3 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc”, nghệ sĩ Hoàng Anh nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.