| Hotline: 0983.970.780

Nữ Chủ tịch xã ngay thẳng

Thứ Sáu 28/12/2012 , 10:19 (GMT+7)

Giữa lúc tình hình của địa phương mất đoàn kết, rối ren, đang làm thôn trưởng, chị “liều” vận động tranh cử để được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã với câu nói khảng khái: “Mằn (làm) cong thì dễ, mằn thẳng thì có chi không mằn được. Để đó tôi lên mằn chủ tịch cho".

Giữa lúc tình hình của địa phương mất đoàn kết, rối ren, đang làm thôn trưởng, chị “liều” vận động tranh cử để được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã với câu nói khảng khái: “Mằn (làm) cong thì dễ, mằn thẳng thì có chi không mằn được. Để đó tôi lên mằn chủ tịch cho".

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Chị là Hoàng Thị Toan, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong (huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa). Chị để lại ấn tượng mạnh mẽ với người đối diện từ vóc dáng (nặng hơn 70kg) cho đến cử chỉ, lối nói chuyện thẳng thắn, thật thà đến mức “chẳng giống ai, chẳng lẫn với ai được” (người đồng nghiệp đi cùng tôi sau khi tiếp xúc với chị đã có nhận xét về nữ chủ tịch xã đặc biệt này như vậy).

Năm 1997, từ vị trí trưởng thôn, chị được tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch hội phụ nữ xã. Công việc của thôn, của hội hầu như chiếm hết thời gian của chị. Tiền phụ cấp hơn hai trăm nghìn không đủ chi phí tối thiểu cho gia đình. Cũng như bao gia đình ở làng Dừa, vợ chồng chị vỏn vẹn chỉ có 2 sào ruộng khoán. Vì vậy, làm ruộng không đủ ăn. Với sức vóc to khỏe, lại ham làm, chị làm đủ mọi việc, từ cấy cày thuê, đi cắt cỏ nuôi cá... Hỏi “chị làm vào lúc nào”? Chị cười lớn, chân chất tiếng địa phương đặc sệt khiến chúng tôi cũng không nhịn được cười: "Thì mằn (làm) buổi tối. Ai thuê mằn chi cũng mằn hết, miễn là việc lương thiện”. Lại hỏi: “Chị là thôn trưởng, lại giữ chức phó chủ tịch hội phụ nữ xã mà đi làm thuê làm mướn không thấy xấu hổ sao?". Chị ngay thẳng: “Lười nhác, nghèo đói, mằn việc bất minh... mới xấu hổ. Tôi lo mằn nuôi con, lo tròn việc xã hội có chi phải xấu hổ...”.


Chủ tịch Hoàng Thị Toan

Năm 2000, tức chí vì bị chê không có trình độ, chị đi học bổ túc THPT. 35 tuổi, chị là học sinh đặc biệt của lớp bổ túc ngày ấy. Học sinh trong lớp, ngoài lớp, thầy cô cả trường đều biết tiếng cô Toan vì lớn tuổi mới đi học, lại học rất chăm chỉ. Và bởi chị ở nơi nào, nơi ấy rộn rã tiếng cười lạc quan, yêu đời... Chị vừa nuôi con, lo việc xã hội, ngày lại 2 buổi đến trường. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng không dừng lại ở đó, chị đi học tiếp lớp Trung cấp văn phòng...

Liều ứng cử chủ tịch xã

Chuyện bắt đầu từ Hội nghị bầu Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2005 – 2010. Nhiệm kỳ 2000 – 2005, Xuân Phong là xã có phong trào yếu kém của huyện Thọ Xuân. Kinh tế địa phương kém phát triển, tình hình mất đoàn kết trong Đảng bộ kéo dài. Nhân dân không tin tưởng vào đảng viên, cán bộ… Vì vậy, khâu chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới ở đây khiến cấp trên đau đầu.

Bản thân là Đảng ủy viên, đại biểu HĐND, thôn trưởng…, chị Toan không khỏi băn khoăn suy nghĩ: “Có đúng địa phương mình gặp khó khăn riêng hay không? Cùng là xã thuần nông, cùng tưới tắm dòng nước sông Chu... mà các xã bạn phát triển, xã mình lại nghèo đói?”. Nội bộ chia bè phái, tình trạng khiếu kiện kéo dài, thu chi ngân sách thiếu cân đối, nợ công trình hàng tỷ đồng, nợ lương cán bộ hàng năm trời... là thực trạng Xuân Phong lúc bấy giờ. 10 năm công tác, nhiều đêm không ngủ vì những trăn trở, suy nghĩ về cái gốc của yếu kém. Chị nhận ra, đó là yếu tố con người.

Trước hôm diễn ra Hội nghị bầu Chủ tịch UBND xã một hôm, đang nửa đêm, chị gọi chồng dậy, nói cho anh biết quyết tâm nung nấu trong đầu. Trong sự thảng thốt, ngỡ ngàng của anh, chị cương quyết: nhất định phải tham gia ứng cử Chủ tịch xã lần này.

Nói là làm, tại Hội nghị, nhiều ý kiến đưa ra nhưng vẫn không được sự đồng tình, thống nhất. Mặc dù không được dự nguồn, không trong “tầm ngắm”, chị vẫn mạnh dạn ứng cử Chủ tịch. Cả hội trường như nóng lên. Tất cả mọi ánh nhìn đều đổ dồn về chị. Tiếng xì xào bàn tán. Có đảng viên còn nói thẳng: “Mằn chủ tịch khó lắm, mi mằn răng được mà mằn”. Để không khí hội nghị tạm lắng trở lại, chị phát biểu tiếp: “Mằn cong thì khó, mằn thẳng thì có chi mà không mằn được. Để tôi mằn Chủ tịch cho. Nếu một năm tôi mằn không được, Xuân Phong không thay đổi, tôi xin nghỉ Chủ tịch, mằn việc khác”.

Sau Hội nghị, chị đi vận động đại biểu HĐND bỏ phiếu bầu cho mình. Đến đâu, chị cũng chỉ có mấy lời khúc triết, ngay thẳng và giản dị như chính con người chị: “Bác bỏ phiếu bầu cho em. Nếu bỏ phiếu cho em thì lá phiếu đó không bị bỏ nhầm mô mà lo”.

Kết quả, chị được 13\22 phiếu, trúng cử chức chủ tịch UBND xã. Không chỉ người Xuân Phong, mà những địa phương lân cận, khi biết tin thôn trưởng Hoàng Thị Toan trúng cử Chủ tịch, ai cũng ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi lâu nay họ chỉ biết đến một nữ thôn trưởng miệng nói tay làm, không biết sợ ai, không biết sợ điều gì, một người cán bộ tận tụy với công việc chung, không biết đến tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, chị mới chỉ học hết bổ túc THPT, chưa qua một lớp đào tạo quản lý, chính trị nào. Sẽ như thế nào khi chị điều hành một địa phương đang “rối như gà mắc tóc”?

Nghị lực phi thường

Nhận chức Chủ tịch, chị nhận luôn trên 3 tỷ nợ đọng không có khả năng thanh toán nhiệm kỳ trước để lại. Trong đó, nợ xây dựng trạm điện, nợ lương của cán bộ xã là hai khoản lớn nhất. Phải bắt đầu từ đâu với xã được cho là “nghèo rớt mông tơi” này? Mà Xuân Phong nghèo thật. Năm 2005, xã có 27,7% hộ nghèo, cả 3 cấp học, trạm y tế, công sở xã là những công trình được xây dựng cách đây 20 – 30 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Mùa nắng, những lỗ hổng toang hoác nắng xiên mái, những mảng tường bong tróc, nền nhà nham nhở. Mùa mưa, trường học phải nghỉ, công sở phải che chắn, chống đỡ để cán bộ làm việc... Đường đi lối lại sình lầy, ngập ngụa bùn đất...

Trước tiên, phải xử lý vấn đề công nợ. Chị đưa ra phương án khoanh nợ, tiền gốc trả trước, lãi trả sau, trả dần để tránh phát sinh tiền lãi. Muốn cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, tận tụy với công việc thì phải thanh toán lương đầy đủ, đúng thời gian. Muốn dân tin cán bộ thì trước tiên cán bộ phải liêm khiết, làm đúng chức trách, vì cái chung, không tư lợi cá nhân… Dần dần, những khó khăn ban đầu, đặc biệt là tư tưởng trong cán bộ, đảng viên được thông suốt, tạo được sự đồng thuận trong nội bộ.

Tháng 6/2005, chị bàn với Ban chấp hành Đảng ủy xin chủ trương xây dựng trường tiểu học. Được huyện chấp thuận và hỗ trợ 100 triệu. Dự toán kinh phí xây trường trên 1 tỷ là bài toán khó buộc chị phải giải quyết. Chủ trương là cùng với kinh phí huyện hỗ trợ, địa phương đổi đất lấy công trình cộng với kinh phí do nhân dân đóng góp. Chủ trương đưa ra lại bị phản đối. Lý do cũng vì nội bộ mất đoàn kết trong thời gian dài, dân mất lòng tin vào việc làm của cán bộ, dân chưa tin chị Toan có thể “làm được trò trống gì”...


Sau 1 nhiệm kỳ chị Toan làm Chủ tịch, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn khởi sắc

Có lẽ phải đến trăm cuộc họp diễn ra. Họp ngày không xong, phải tổ chức họp đêm để thống nhất phương án xây dựng trường. Trước cuộc họp chị cam kết: “Nếu năm nay không làm xong trường cho các cháu học tôi sẽ xin nghỉ”. Năm đó, Trường tiểu học xây 2 tầng khang trang với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng là minh chứng cho lời hứa của chị trước nhân dân.

Không chỉ bà con phấn khởi, chị như có thêm động lực, càng quyết tâm vực dậy địa phương. Chị đưa chủ trương xây dựng nhà bia liệt sỹ ra bàn bạc. Được sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền, tiếp tục triển khai xuống đến từng đảng viên, quần chúng nhân dân. Do tạo được lòng tin từ việc xây dựng trường học, lần này nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ. Bằng sự đóng góp của nhân dân, hộ nhiều nhất là 3 triệu, hộ ít cũng vài chục nghìn, công trình nhà bia liệt sỹ trị giá 150 triệu đồng được khánh thành vào đúng ngày Thương binh liệt sỹ 27/7.

Tuy nhiên, chuyện xây dựng nhà bia cũng lắm gian nan. Ngày ấy, do thời gian gấp, đi xin giấy phép xây dựng hàng chục lần chưa xong, chị liều cho triển khai xây dựng. Nhà bia hoàn thành. Chưa kịp vui lại bị kiện. Cấp trên xuống kiểm tra thấy việc làm thực tế của địa phương nhưng sai quy trình, thiếu giấy phép xây dựng. Sau hơn một năm nhận chức, chị chịu án kỷ luật cảnh cáo.

Năm 2006, chủ trương chung của huyện là xây dựng trạm xá xã theo chuẩn quốc gia. Trạm xá Xuân Phong là mấy gian cũ kỹ dột nát, vào mùa mưa tưởng chừng chỉ một cơn gió nhẹ là đổ sập. Nhưng kinh phí xây dựng lấy từ đâu? Lại chủ trương, lấy ý kiến, bàn bạc… Sau đó đi đến thống nhất: trong xã có nhiều hộ lấn chiếm đất công xây dựng, cơi nới công trình, nhà cửa, hợp thức hóa phần diện tích đó để lấy kinh phí xây dựng công trình trạm xá xã. Tuy nhiên, nếu chờ trình, xin quyết định của huyện thì mất thời gian dài. Mùa mưa lại sắp đến, sẽ rất nguy hiểm cho cán bộ trạm và bà con đến khám chữa bệnh. Chị và tập thể quyết định: làm là cho tập thể, cho nhân dân, cứ “tiền trảm hậu tấu”, làm rồi sẽ trình, xin quyết định sau.

Công trình vừa xong, tháng 6/2007, chị đi mổ đẻ đứa thứ hai. Đang còn nằm tại phòng hồi sức cấp cứu, chị nhận được tin có đơn thư kiện chủ tịch xã tham ô 400 triệu đồng. Sau một ngày mổ đẻ, từ phòng hồi sức cấp cứu chuyển xuống phòng điều trị, chị đã phải nén những cơn đau, gượng dậy làm việc ngay tại giường bệnh với nhà thầu công trình, với các bộ phận liên quan. 10 ngày nằm viện, hầu như không ngày nào chị được nghỉ. Vết thương thịt da đau thì ít, trong lòng chị, nỗi đau bởi việc làm vì cái chung, vì bà con của chị lại bị kẻ xấu lợi dụng, bôi nhọ thì nhiều.

Chị xuất viện. Về nhà, sau hai tháng thanh kiểm tra, tháng 8/2007, chị nhận quyết định đình chỉ công tác. Buồn, chán nản, chị muốn bỏ hết. Nhưng rồi lại nghĩ: “Nếu mình bỏ cuộc là chấp nhận mình làm sai”. Chị lên văn phòng, đòi lại chìa khóa để làm việc với lý do: “Tôi sẽ không tham gia công tác điều hành theo đúng quyết định của trên, nhưng còn bao nhiêu việc tôi cần phải giải quyết. Và chỉ có tôi mới làm sáng tỏ được những việc liên quan…”. Có người ái ngại, khuyên chị: “Chị mới sinh, nên về với cháu nhỏ và nghỉ ngơi”. Chị cương quyết: “Cháu đã có bà, có bố, đói có sữa, tôi theo các anh để làm cho ra nhẽ”.

Giải trình, thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra kết luận: chủ tịch Hoàng Thị Toan không tham ô, chỉ là làm chưa đúng quy trình… Huyện thu hồi quyết định đình chỉ công tác. Chị thở phào, cán bộ, đảng viên bắt chặt tay chị tin cậy, bà con làng trên, xóm dưới nhìn chị với con mắt tin yêu…

Trước đây, nếu ai có dịp về Xuân Phong, bây giờ về lại sẽ không khỏi ngạc nhiên. Từ một xã con số không về xây dựng cơ sở hạ tầng, trong 5 năm, từ 2005 – 2010, tổng xây dựng của xã đạt trên 20 tỷ đồng: 3 cấp học trường tầng khang trang, riêng trường mầm non kinh phí xây dựng 5 tỷ đồng, đạt chuẩn quốc gia và là trường “đẹp nhất huyện”. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. 16km (đạt 100%) đường giao thông liên thôn được bê tông hóa…

Nhiệm kỳ 2011 – 2016, chị tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch xã. Nhiệm kỳ mới, trên nền tảng những kết quả đạt được, chị cùng Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trong xã bắt tay vào công cuộc xây dựng Xuân Phong trở thành xã NTM.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất