| Hotline: 0983.970.780

Nữ Giáo sư cống hiến hết mình cho phát triển chăn nuôi

Thứ Sáu 06/03/2015 , 09:07 (GMT+7)

Đó là Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kim Lan, giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam - giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng vừa trao tặng giải thưởng năm 2014 cho 1 tập thể và 1 cá nhân.

Nhà khoa học vinh dự được nhận giải thưởng năm 2014 là Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kim Lan, giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Thành tích

Chính thức giảng dạy tại Khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) từ năm 1979, lòng say mê nghề nghiệp đã giúp chị đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thấy trình độ chăn nuôi của phần lớn người nông dân miền núi phía Bắc còn lạc hậu, manh mún, theo phương thức quảng canh và chưa có sự áp dụng kiến thức khoa học vào nhân giống, chọn giống đến phòng chống dịch bệnh, nữ giảng viên trẻ trường Đại học Nông lâm lúc ấy ngoài nhiệm vụ giảng dạy đã lặn lội đi hầu khắp các địa phương từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, đến Hòa Bình, Lai Châu… vừa phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, vừa tiến hành thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có các biện pháp điều trị hiệu quả...

Kinh nghiệm tích tụ đã được nữ giáo sư tổng kết và đưa vào thực tiễn giảng dạy khi làm quản lý của Khoa Chăn nuôi Thú y.

Từ Trưởng bộ môn, Phó trưởng khoa rồi Trưởng khoa, chị đã tổ chức rà soát, đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành của Khoa Chăn nuôi Thú y, mở thêm được 2 chuyên ngành mới cho khoa: Thú y và Nuôi trồng thủy sản.

Từ năm 2004 đến năm 2010, khi nhận trọng trách Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị đã tham gia xây dựng chương trình và kế hoạch cho 23 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 7 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 7 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.

Chị đã trực tiếp hướng dẫn gần 400 khóa luận tốt nghiệp đại học, hướng dẫn 34 luận văn thạc sĩ, 12 luận án tiến sĩ...

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Lan có tới 14 đề tài nghiên cứu khoa học đều được nghiệm thu đánh giá tốt hoặc xuất sắc và được đưa vào ứng dụng hiệu quả. Có thể kể đến Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu tình hình nhiễm giun, sán đường tiêu hóa ở dê cỏ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và biện pháp phòng trị” thực hiện từ những năm 1993 đến 1997.

Đề tài đã xác định được đặc điểm dịch tễ của các bệnh giun, sán trên các đàn dê địa phương của các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang.

Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu bệnh E.Coli dung huyết ở lợn con và biện pháp phòng trị tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang” thực hiện từ năm 2001 đến năm 2003; Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hội chứng tiêu chảy, xác định một số vi khuẩn và ký sinh trùng đường tiêu hóa trong hội chứng tiêu chảy ở lợn từ sau cai sữa tại tỉnh Thái Nguyên và biện pháp phòng trị” thực hiện từ năm 2003 đến 2006 đã được tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao và đạt giải Nhất “Giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2006”; Đề tài cấp tỉnh “Xác định đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma spp. (bệnh tiên mao trùng) cho đàn trâu tỉnh Tuyên Quang”, thực hiện năm 2013 - 2014.

Chị và các cộng sự đã xác định được các đặc điểm dịch tễ của bệnh trong điều kiện sinh thái và điều kiện chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang, xây dựng được bản đồ dịch tễ của bệnh; đã định danh được 3 loài côn trùng hút máu là môi giới truyền bệnh tiên mao trùng từ trâu bệnh sang trâu khỏe; đã xây dựng và ứng dụng phác đồ điều trị có hiệu lực cao và an toàn cho những trâu bị bệnh và dùng hóa dược dự phòng cho những trâu có nguy cơ nhiễm bệnh.

Đề tài đã được tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao, đồng thời chỉ đạo các địa phương nhất là các địa phương có trâu nhiễm bệnh áp dụng biện pháp phòng chống bệnh và phác đồ điều trị mà đề tài đã xác định. Vì vậy, sức khỏe đàn trâu đã ổn định, số trâu chết trong vụ đông xuân năm 2013-2014 đã giảm rõ rệt so với các năm trước.

Đặc biệt, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp phục vụ chế tạo các bộ Kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng Trypanosoma spp trên gia súc ở Việt Nam” thực hiện trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014, là đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao đối với việc phát triển chăn nuôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc khi phân lập được các chủng tiên mao trùng gây bệnh ký sinh trùng đường máu ở trâu, bò, ngựa, dê.

Việc GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan được nhận giải thưởng cao quý Kovalevskaia là một sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp của cô với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó cũng là niềm tự hào chung của đội ngũ cán bộ, giáo viên Đại học Thái Nguyên.

Qua thực hiện đề tài, bằng phương pháp sinh học phân tử và ứng dụng công nghệ cao, GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan và các cộng sự đã xác định được các chủng tiên mao trùng phân lập, nghiên cứu tách dòng và biểu hiện gen mã hóa kháng nguyên bề mặt của tiên mao trùng, sản xuất được kháng nguyên tái tổ hợp và chế tạo được các bộ KIT chẩn đoán bệnh.

Chị và cộng sự đã chuyển giao 3.500 KIT đã chế tạo và một phác đồ điều trị đặc hiệu bệnh tiên mao trùng cho Chi cục Thú y 4 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình và Lai Châu để ứng dụng trên đàn gia súc của các tỉnh có kết quả tốt...

Cống hiến hết mình cho khoa học

Vẻ bề ngoài là vóc dáng nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu của nữ Giáo sư nhưng bên trong là cả một niềm đam mê cháy bỏng, một nghị lực phi thường của nhà khoa học Nguyễn Thị Kim Lan. Nói về những kết quả đạt được, chị khiêm tốn, thành công đó là công sức của cả một tập thể những nhà khoa học của nhà trường, của Khoa Chăn nuôi Thú y và cả các thế hệ sinh viên nữa.

Hiện nay, GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Kim Lan không còn tham gia công tác quản lý, nhưng hàng ngày chị vẫn đến giảng đường, trực tiếp giảng dạy cho các thế hệ sinh viên đại học và sau đại học. Mặc dù đã ở tuổi 60, song chị vẫn giành thời gian cho những chuyến đi triển khai đề tài nghiên cứu, tổ chức tập huấn biện pháp phòng chống bệnh cho vật nuôi ở các tỉnh, các thôn bản vùng sâu, vùng xa...

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, nói: Tôi có may mắn được làm việc một thời gian với cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan. Cô là một người có thể nói là phát triển toàn diện, một phụ nữ tiêu biểu trong giáo giới cúa ĐH Thái Nguyên.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.