| Hotline: 0983.970.780

Nữ thứ trưởng đầu tiên trong chính phủ

Thứ Bảy 23/03/2019 , 09:15 (GMT+7)

Quốc hội trong phiên họp sáng ngày 20/9/1955, nhất trí thông qua đề nghị của Hồ Chủ tịch về việc mở rộng và bổ sung Chính phủ, trước nhu cầu công tác hiện tại. Cụ thể, “đặt thêm Bộ Cứu tế do ông Nguyễn Xiển làm Bộ trưởng, chức Thứ trưởng dành cho một phụ nữ”.

20-36-10_le_minh_hien_-_phn_ke_n
Bà Lê Minh Hiền (1917 – 2006).  Tranh của họa sĩ Phan Kế An

Người được lựa chọn sau đó là bà Lê Minh Hiền (1917-2006). Đó là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Thứ trưởng đồng thời là thành viên nữ đầu tiên trong Chính phủ.
 

Lịch sử sắp đặt vị trí

Trước đó 10 năm, theo Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ cách mạng lâm thời, Bộ Cứu tế xã hội được thành lập. Cụ Nguyễn Văn Tố, một trí thức uyên bác Tây học và Nho học, làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ, đồng thời là Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ, được cử làm Bộ trưởng đầu tiên. Nhiệm vụ thời kỳ này của Bộ Cứu tế xã hội là phát động toàn dân tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào nghèo, thực hiện cứu trợ xã hội... Tổ chức bộ máy đơn giản, số lượng cán bộ tuy ít nhưng làm việc hiệu quả. Khi Chính phủ liên hiệp ra đời (2/3/1946), trong tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ quyết định giải thể Bộ Cứu tế xã hội, nhập vào Bộ Lao động.

Mười năm sau đó, miền Bắc được giải phóng, công việc cứu trợ xã hội cho các đối tượng bị thiệt thòi do thiên tai, bão lụt, mất mùa, tàn tật do chiến tranh… đòi hỏi phải tái lập Bộ. Đến tháng 4/1959 Chính phủ ra quyết định giải thể Bộ Cứu tế xã hội và giao cho Bộ Lao động phụ trách công tác bảo hiểm xă hội, cứu tế xã hội, công tác an dưỡng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo và Thứ trưởng Lê Minh Hiền cùng điều hành công tác Bộ.

20-36-10_le_minh_hien_-_nguyen_kho_dieu_hong
Bà Lê Minh Hiền và các cán bộ Hội LHPN Việt Nam. Ảnh tư liệu gia đình

Trong ngôi biệt thự cũ ở Hà Nội, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Lê Thanh, con gái của bà Lê Minh Hiền, lần giở trong ký ức những kỷ niệm về mẹ.

Bà Lê Minh Hiền nghỉ hưu từ năm 1976 do điều kiện sức khỏe. Bà lại khiêm tốn, ít kể về mình, đôi khi con gái hỏi bà mới kể về quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi từ thuở đôi mươi. Bác sĩ Nguyễn Lê Thanh chia sẻ, khi Bộ Cứu tế xã hội được tái lập, Ban Tổ chức Trung ương và Chính phủ cân nhắc giữa hai thành viên. “Mẹ tôi kể, một người khác, thành tích hoạt động cách mạng và tên tuổi cũng nổi tiếng hơn mẹ, nhưng rồi, Chính phủ quyết định chọn mẹ tôi”. Người nổi danh “nữ tướng” huyền thoại có tài cưỡi ngựa, bắn súng hai tay, được tổ chức phân công nhiệm vụ khác. Bà Lê Minh Hiền trở thành thành viên Chính phủ như một sự sắp đặt của lịch sử là như vậy.

Qua đời ngày 20 tháng 12 năm 2006 hưởng thọ 90 tuổi, bà Lê Minh Hiền đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… Trong điếu văn đưa tiễn bà, Hội LHPN Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH đã ghi nhận: “Cuộc đời của bà đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng vì mọi người cũng như trong mối quan hệ đầy tình người với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, làng xóm và gia đình, họ hàng”.
 

Những năm tháng sôi động

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, trung nông, thạo nghề truyền thống chăn tằm dệt lụa của quê hương thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), Lê Minh Hiền được gia đình cho ăn học nên được tiếp xúc với sách báo và sớm được giác ngộ. Năm 1937, tròn tuổi đôi mươi, bà đã tham gia tích cực phong trào Bình dân, tổ chức phụ nữ tương tế ở xã Vạn Phúc, vận động nhân dân chống sưu thuế, vận động chị em phụ nữ thị xã Hà Đông bãi thị…

20-36-10_le_minh_hien_-_pn_huu_tri
Bà Lê Minh Hiền và cán bộ hưu trí Hội LHPN Việt Nam. Ảnh tư liệu gia đình

Những năm 1940, cơ sở cách mạng bị vỡ, cán bộ bị bắt nhiều nhưng Lê Minh Hiền vẫn kiên trung bám trụ cơ sở. Bà làm nhiệm vụ liên lạc với cấp trên, nắm tình hình và đưa tài liệu, liên hệ với các đồng chí ở nhà tù Sơn La, Hòa Bình về Vạn Phúc. Trong số những cán bộ vượt ngục Sơn La thành công, đặc biệt là các đồng chí Sao Đỏ (tức Nguyễn Lương Bằng), Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân và Lưu Quyên (tức Lưu Đức Hiểu) đã bổ sung ngay vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo toàn quốc của Đảng đêm trước cách mạng.

Những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 sôi động, bà Lê Minh Hiền tham gia chỉ đạo khởi nghĩa tại Tây Mỗ. Chiều ngày 17/8/1945, bà đứng ra tuyên bố xóa bỏ chính quyền Nhật, lập chính quyền của xã. Tiếp đó, với vai trò Chủ nhiệm Việt Minh huyện Hoài Đức, bà đã tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành được chính quyền tại huyện đường. Tri huyện Đinh Gia Trinh đã bàn giao ấn tín cho chính quyền cách mạng và về sau trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên Nhà nước dân chủ nhân dân, cán bộ nghiên cứu tư pháp.

Những ngày chính quyền mới về tay nhân dân, bà Lê Minh Hiền được cử làm Bí thư Ban cán sự huyện Hoài Đức. Cuối năm 1945 khi đồng chí Đỗ Mười được Trung ương Đảng cử về lập lại Tỉnh ủy Hà Đông, bà được chỉ định vào Tỉnh ủy.

Lại thêm hai năm tiếp theo, từ năm 1946 đến năm 1948, bà Lê Minh Hiền tham gia công tác Đội của Trung ương Đảng. Đồng chí Mười Hương (tức Trần Quốc Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đánh giá: Những người làm công tác Đội có thể ví như công tác cảnh vệ của Bộ Công an hiện nay. Đó là đội cận vệ ở sát Thường vụ Trung ương Đảng (nay gọi là Bộ Chính trị), được giao nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu tình hình, nắm mọi mặt của địa bàn hoạt động một cách chặt chẽ nhất và cũng bí mật nhất, để bảo vệ chu đáo mọi sinh hoạt và các cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương Đảng.

Bà Lê Minh Hiền làm Thứ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội rồi Thứ trưởng Bộ Lao động 7 năm. Dù trải qua nhiều lĩnh vực công tác nhưng ở cương vị nào, đảm nhiệm công việc gì, bà cũng đều tận tâm, tận lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thời gian này, với tinh thần tận tụy, tích cực và đầy trách nhiệm trong công tác, bà còn được cử tri tỉnh Hà Đông tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964).

“Qua tìm hiểu tôi được biết trong quá trình công tác, chị Hiền là người chân thực, khiêm tốn, giản dị… không chịu nhận công lao quá sự đóng góp của mình” (Nhà báo - Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Đỗ Thỉnh).

 

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.