Thú chơi xưa
"Tôi tình cờ biết đến hoa thủy tiên qua Internet, lúc lên đại học ở Hà Nội. Thấy loài hoa đẹp, tao nhã, có sắc vị riêng, tôi mê lắm. Nhưng vào đầu thập niên 2000, giá một chậu thủy tiên tới gần nửa triệu đồng thì lúc ấy lấy đâu ra ngần ấy tiền mà mua, nên chỉ biết ngắm và ao ước thôi", anh Tống Hồng Cầm, thành viên một CLB chơi hoa thủy tiên tại Hà Nội kể.
Thủy tiên có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, sau đó được cải thiện thành giống tốt và đến Trung Quốc, Nhật Bản, rồi du nhập vào Việt Nam. Không rõ thú chơi hoa Thủy Tiên du nhập đến Việt Nam từ khi nào, nhưng theo những tư liệu cũ thì từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã thấy nói đến.
Do củ Thủy Tiên lúc ấy hiếm và giá thành đắt nên hầu hết chỉ những gia đình quyền quý mới có điều kiện chơi, nhưng cố lắm cũng chỉ được vài ba củ. Đền Bạch Mã ở Hà Nội khi xưa từng có cuộc thi thưởng hoa thủy tiên, nhưng từ thập niên 60, lễ hội này bị thất truyền. Tới tận những năm 90 củ Thủy Tiên mới được nhập về lại Việt Nam và chỉ một số ít người ở Hà Nội lưu giữ được thú chơi này.
Thủy tiên thời ấy rất đắt. Vài tư liệu cũ ghi lại rằng giá một củ hoa đẹp có thể lên tới cả chỉ vàng. Kinh tế khó khăn, người người nhà nhà bị nỗi lo vật chất cuốn đi và cùng với những biến cố xã hội khiến thú chơi xưa cũ bị mai một.
Đến tận những năm 2012 - 2013 anh Cầm mới có điều kiện gặp và bắt đầu với thú chơi hoa Thủy Tiên. Nhưng đi khắp hang cùng ngõ hẻm đất Hà thành, anh không có câu trả lời thỏa đáng về thủy tiên.
Tìm cây giống đã khó, tìm được người am tường và chịu chia sẻ kinh nghiệm về loài hoa này còn khó gấp bội bởi ngày xưa các cụ hầu như đều muốn "giấu nghề" - có lẽ đây cũng là một lý do quan trọng khiến thú chơi hoa Thủy Tiên cùng những bí quyết của nó bị mai một, thất truyền.
"Cơ duyên đưa tôi gặp cụ Nguyễn Phú Cường khoảng năm 2013. Cụ Cường là người bao năm khắc khoải, đau đáu về thú chơi hoa Thủy Tiên. Từ khi còn nhỏ, cụ đã thấy ông ngoại gọt, tỉa, chăm sóc loài hoa này, nhưng mọi thứ bị thất truyền sau đó. Cụ đã bỏ nhiều năm tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi để mong muốn khôi phục lại”, anh Cầm nói tiếp.
Từ những năm 90, khi củ Thủy Tiên xuất hiện trở lại Hà Nội, ông Cường đã lang thang khắp nơi tìm mua củ về tự mày mò gọt tỉa. Tuy nhiên, do không nắm được bí quyết nên dù tốn nhiều thời gian công sức gần 10 năm, kết quả không được như mong muốn.
Trong một lần tình cờ, ông Cường gặp một Việt kiều sành chơi thủy tiên và được vị này truyền lại những kỹ năng cơ bản về gọt tỉa, chăm sóc củ hoa Thủy Tiên. Từ đó, ông miệt mài lan tỏa, hướng dẫn cho những người khác có đam mê, tâm huyết để gây dựng lại nét văn hóa này.
"Gọt củ thủy tiên quan trọng nhất làm sao để cho lá phải uốn lượn mềm mại, đẹp mắt mà không vọt lên cao, các dò hoa cũng phải có dáng dấp, phân bố theo các hướng khác nhau tạo thành bố cục hài hòa chứ không cao ngổng lên như bó hành.
Kiểu gọt lá dưới, hoa trên này nhìn có vẻ đơn giản, nhưng yêu cầu tỉ mỉ và cần nhất là một con dao chuyên dụng. Chỉ một đường gọt sai, cả củ hoa có thể phải vứt bỏ", anh Cầm nhớ lại những lời ông Cường truyền dạy.
Với niềm đau đáu đó, ông Cường tận tình chia sẻ và gửi gắm lại cho thế hệ sau - những người được ông truyền dạy, và bày tỏ mong muốn hoàn thành tâm nguyện khôi phục bằng được thú chơi tao nhã ấy.
Sau khi được ông Nguyễn Phú Cường hướng dẫn và chia sẻ tâm nguyện, anh Cầm cùng một số người bạn chung đam mê lặng lẽ cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động nhằm chia sẻ, hướng dẫn nhiều người cùng chơi, để gây dựng lại phong trào chơi hoa thủy tiên.
Chỉ để tặng
Chơi thủy tiên đòi hỏi nhiều thời gian công sức. Chẳng hạn, sau khi gọt, mặt cắt của củ hoa sẽ chảy nhựa, nếu không xử lý thì nhựa đọng lại trong các lớp vỏ sẽ khiến củ hoa bị thối, hỏng nên người chơi phải xử lý bằng cách đem củ ngâm úp vào nước để nhựa tiết ra chảy hết xuống chứ không đọng lại, kỹ thuật ấy gọi là "ngâm cầu". Công đoạn này thực hiện trong khoảng 18-24 tiếng.
Trong khi ngâm cầu, cứ 6-8 tiếng lại rửa củ một lần cho sạch nhựa, đến khi sờ mặt cắt không thấy nhớt nữa thì đưa ra dưỡng trong bát dưỡng.
Củ sau khi ngâm cầu cho sạch nhựa, sẽ đặt ngửa trong bát dưỡng làm bằng đất nung. Bát dưỡng này có phần đề dài gần gang tay, có tác dụng giúp rễ thủy tiên phát triển tối đa. Công đoạn này kéo dài đến lúc nở hoa, khoảng 15 đến 20 ngày.
Trong thời gian này, hàng ngày phải thay nước mới và "tắm rửa" cho cây, tức làm vệ sinh quanh củ, rễ, lá, mỗi ngày một đến hai lần. Nếu trời nắng nóng thì thay nước và vệ sinh củ nhiều lần hơn để làm sạch nhựa và các cặn lắng do hoại tử từ vết cắt tạo ra, giúp củ hoa sạch sẽ và không bị thối, hỏng.
Khi những bông hoa đầu tiên nở trên bát dưỡng, anh Cầm sẽ lựa dụng cụ, phụ kiện để đưa hoa vào trưng bày, đồng thời sắp xếp lại lá, hoa và rễ sao cho tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh có tổng thể bố cục hài hòa, đẹp mắt.
Suốt quá trình dưỡng, người chơi cần tỉ mỉ uốn lá, nắn chỉnh hướng của cả cuống và cần hoa, để tạo hình, dáng, thế hoa theo đúng ý tưởng tạo hình đã dự định.
"Nếu làm quen, ngoài thời gian gọt tỉa thì một tác phẩm sẽ ngốn của tôi chừng 10 đến 15 phút mỗi ngày" - anh Cầm chia sẻ. Cầu kỳ thế và tỉ mỉ thế nên những người chơi hoa Thủy Tiên nghệ thuật không thể làm được nhiều. Mỗi đợt chỉ có thể gọt tỉa, chăm sóc đôi chục củ hoa một lúc.
"Như năm nay, tôi chỉ chọn và tạo hình 10 củ. Loanh quanh, cũng đem tặng và cho bạn bè, người thân cả", anh Cầm bày tỏ.
Hiện nay hoa Thủy Tiên được bán trên thị trường hoa Tết khá nhiều, giá thành cũng vừa túi tiền, nhưng hầu hết là làm theo kiểu công nghiệp. Chậu hoa nào cũng như nhau, với lá và hoa mọc thẳng, chứ không phải lối chơi hoa thủy tiên nghệ thuật.
Với những bát hoa thủy tiên nghệ thuật, vì sự công phu, tỉ mỉ trong chăm sóc nên thường không bán trên thị trường mà hầu hết chỉ lan truyền trong giới những người hiểu về cách chăm sóc và biết giá trị của nó.
"Một bộ thành phẩm hoa Thủy Tiên nghệ thuật có thể trên 1 triệu đến 2 triệu đồng nhưng tôi ít khi bán, phần vì không ai làm được nhiều, phần vì nếu hoa vào tay người không biết chăm sẽ rất dễ hỏng, uổng phí công sức bao nhiêu ngày tháng chăm sóc, tạo tác"...