| Hotline: 0983.970.780

Nửa thế kỷ vác loa làng!

Thứ Sáu 22/06/2012 , 09:06 (GMT+7)

Đều đặn mỗi sáng, nông dân trong thôn Mai Động xã Trung Lương, huyện Bình Lục (Hà Nam) đều đã quen với chất giọng vang rền của ông “giám đốc” Đài thôn Lê Đình Vận.

"Alô, alô... Đây là Đài truyền thanh thôn Mai Động. Mời bà con chú ý đón nghe bản tin nông vụ…". Đều đặn mỗi sáng, nông dân trong thôn Mai Động xã Trung Lương, huyện Bình Lục (Hà Nam) đều đã quen với chất giọng vang rền của ông “giám đốc” Đài truyền thanh thôn Lê Đình Vận.

Suýt mù mắt, gãy tay vì... đài

“Nhà đài” của ông “giám đốc” tuổi thất thập Lê Đình Vận tọa lạc ngay tại nhà ông. Ông Vận bảo, mang thiết bị ra Nhà văn hóa thôn cũng được nhưng nó không tiện, bởi lẽ, Nhà văn hóa thôn ở đầu làng, mà nhà ông Vận ở cuối làng. Thế nên, đặt “trụ sở” ở nhà là hợp lý nhất, cứ rời giường lúc 5 giờ sáng là ông có thể “bắt tay vào công việc” được ngay.

Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, bên cạnh bộ âm ly, cái micro, “giám đốc” đài thôn cười bảo, hình như cái nghiệp “làm phát thanh” nó “vận” vào ông từ cách đây nửa thế kỷ rồi, thế nên không thể rời xa được. Làm nhiều nghề, có nghề cũng đủ sống, thậm chí dư dả, nhưng cuối cùng, ông Vận cũng vẫn phải quay lại với công việc quen thuộc: Cầm micro.

Năm 1959, sau khi trưởng thành, ông Lê Đình Vận bắt đầu làm ở Ban truyền thanh xã Trung Lương. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, ông được điều chuyển về Ban Chủ nhiệm hợp tác xã Trung Lương. 5 năm sau ông chuyển sang học trường cơ khí thủy lợi Bắc Bộ. Sau đó ông đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống như làm ở trạm bơm của hợp tác xã, rồi làm thợ điện với mức lương ổn định, đủ trang trải cho cả gia đình.

Nhưng thấy người dân trong vùng ham nghe đài quá, mà trong xã thì chỉ có một số loa phát mà địa bàn lại xa nên ông quyết định từ bỏ công việc thợ điện, xin xã nối loa phát thanh cho bà con trong thôn. “Nguyện vọng của tôi lúc đó cũng được xã đồng ý. Tuy nhiên, các anh ấy bảo rằng, làm thì làm chứ không có lương đâu. Nhưng vì đam mê, tôi vẫn thực hiện. Địa bàn thôn ngày ấy rộng quá, xã phát đài người dân trong thôn muốn nghe cũng chẳng có nên điều đó đã thôi thúc tôi quyết tâm làm bằng được”. Thế mà đã 50 năm trời trôi qua.

Ông Vận nhớ lại, lần đầu tiên nối hệ thống loa và dây điện ông đã gặp không ít khó khăn, khi ấy nhiều người bảo ông là không bình thường, là gàn. Đến ngay người vợ đầu gối tay ấp là bà Nguyễn Thị Gái cũng khuyên can mà rằng, ông phải suy nghĩ kỹ. Đi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, làm dâu trăm họ, lúc thuận thì chẳng sao, đến lúc trái ý người này, người khác, đâm ra mệt. “Tuy nhiên, thấy tôi quyết tâm, nên bà ấy cũng đành theo suy nghĩ của chồng”, ông Vận nhớ lại.



Ông Vận bên các thiết bị phát thanh của mình

Và lần đầu tiên “tổng đài” của ông Vận đã chính thức hoạt động, nhiều người dân trong thôn đã nghe và cổ vũ nhiệt tình việc làm của ông, từ đó không còn chê ông là lão nông gàn nữa.

Nhưng không phải việc nào của “nhà đài” này cũng thuận chèo mát mái. Bằng chứng là do “đặc thù công việc”, nhiều lần ông phải lụi cụi leo trèo, tháo, mắc các bộ phận loa và dây điện rất phức tạp. Có lần ông bị cành cây tre đâm vào giác mạc, suýt nữa thì phải mất một bên mắt, cũng từ đó bên mắt trái của ông rất kém, chỉ còn 3/10. Hoặc có hôm thanh niên trong làng đùa nghịch đã giật đứt dây loa khiến ông phải leo lên nối lại.

“Hạn” lớn nhất đối với ông là cuối năm 2008, trên đường đi “lấy tin” làm chương trình tuyên truyền về dịch lở mồm long móng ở trâu, bò; do đường trơn trượt, ông Vận đã bị ngã gãy chân. Sau “tai nạn nghề nghiệp”, việc đi lại của ông trở nên vô cùng khó khăn. Tuy vậy, không nản chí, ngày ngày ông vẫn gắng gượng đứng dậy tập đi. Và, như ông nói, nhờ giời, cái chân bây giờ cơ bản đã hồi phục, và việc đi lại gần như bình thường. “Lại có thể tác nghiệp được”, ông cười bảo.

Không chỉ tiếp sóng đài truyền thanh huyện, tỉnh và trung ương, ông Vận còn tự mày mò “sản xuất chương trình” cho riêng đài của mình. Nhiều hôm ông cặm cụi đến tận đêm khuya, có hôm phải thức trắng để lên “kịch bản” chương trình do ông tự sáng tạo, trong đó có ca nhạc, thời sự, tin tức để thông tin kịp thời nên bà con rất thích thú và luôn đón nghe.

Ông Vận tâm sự: "Thời kỳ khó khăn nhất trong cuộc đời làm phát thanh của tôi là vào những năm 1965. Khi ấy, bom Mỹ đánh phá ác liệt, vừa lo phát thanh, vừa lo bảo vệ máy móc khỏi bị trúng bom, hỏng hóc. Trong lòng luôn hồ hởi báo cho bà con biết tin quân ta thắng trận nơi chiến trường miền Nam ruột thịt, hoặc có khi là chỉ đạo bà con trong sản xuất vụ mùa..."

Lương "giám đốc" 90 nghìn đồng

Thấu hiểu được những việc làm của chồng nên bà Nguyễn Thị Gái đã cáng đáng hết mọi chuyện gia đình, con cái để ông yên tâm công việc "vác tù và" của mình. Từ đó, bà con trong thôn đã hiểu công việc của “nhà đài” và càng thêm khâm phục tấm lòng của ông dành cho họ.

Mỗi ngày “nhà đài” phát sóng đều đặn hai buổi sáng, chiều với thời lượng từ 5 giờ sáng đến 6 giờ 30 phút. Nhờ đài truyền thanh của thôn, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương được chuyển tải đến người dân một cách kịp thời, chính xác.

Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân thôn Mai Động, tâm sự: “Cứ nghe thấy tiếng đài phát của ông mọi người dân lại dậy chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, mặc dù có tivi, loa đài nhưng cũng chẳng có thời gian ngồi nghe, mà người dân chúng tôi thì suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng thấy thoải mái khi làm được việc và vẫn tiếp nhận được thông tin từ báo đài qua loa phát thanh của ông”.

Còn chị Trần Thị Hồng, hàng xóm của ông Vận, tự hào chia sẻ: “Nếu như có kỷ lục về người phát thanh đài thôn lâu nhất thì có lẽ sẽ thuộc về ông Vận, nếu ngày nào không có tiếng đài, mọi người lại kéo đến tận nhà hỏi thăm, vì tưởng rằng ông ốm, nghe đài vào mỗi sáng sớm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với và con chúng tôi”.

Nhiều người dân trong thôn Mai Động nói rằng, “nhà đài" của ông Vận đã cung cấp cho họ rất nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt là lịch thời vụ, tình hình dịch bệnh và giá cả thị trường nông sản. Ông Lê Giao Quân, nguyên trưởng thôn Mai Động, cho biết: “Giờ đây, khi đã trong thời kỳ mới, phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhưng loa phát thanh ở thôn vẫn không thể thiếu được đối với người dân thôn quê nơi đây, nếu một ngày ông Vận không còn đủ sức làm công việc này nữa, thì thôn vẫn sẽ cử người đứng ra duy trì công việc này".

Thấy ông Vận làm việc thầm lặng trong nhiều năm mà không đòi hỏi bất cứ một khoản thù lao nào cho riêng mình, người dân trong thôn Mai Động đã kiến nghị với xã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho ông Vận. Do vậy, từ năm 2009, thu nhập của ông “giám đốc” được thêm mỗi tháng 90.000 đồng.

“Đã gần 50 năm sống cùng cái loa phát thanh của thôn, tuy tiền công mỗi ngày không mua nổi gói mỳ nhưng việc đưa thông tin đến với người nghe luôn thôi thúc tôi và chưa bao giờ tôi cảm thấy đó là việc làm vô ích cả", ông Vận cười nói.

Giờ đây, khi đã ở tuổi thất thập nhưng ông chưa một ngày nghĩ sẽ từ bỏ tình yêu với cái loa phát thanh ấy, với ông đó là  tình yêu mà ông đã dành trọn cho đến hết cuộc đời, để nét hồn quê vẫn mãi lưu giữ trong lòng mỗi người dân thôn Mai Động.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.