| Hotline: 0983.970.780

Nực cười những luận án 'tiến sĩ giấy' ở Đại học Y - Dược Thái Nguyên

Thứ Sáu 28/07/2017 , 08:46 (GMT+7)

Luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học, là một phát minh thực sự hữu ích với cuộc sống. Vậy nhưng, nhiều luận án tiến sĩ được viết ra như chỉ để kiếm lấy một mảnh bằng, ít có ý nghĩa đối với xã hội. 

09-27-05_dh_y_duoc_thi_nguyen
Trụ sở Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên)

Những luận án ấy hầu như không được mọi người biết đến, theo đó mảnh bằng ghi danh vị tiến sĩ kia cũng sẽ chỉ là… giấy!
 

Tiến sĩ giấy

Từ câu chuyện các nghiên cứu sinh (NCS) ở Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) được tiết lộ trước danh tính người phản biện độc lập, dấy lên lo ngại về chất lượng tiến sĩ y khoa. Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã lần tìm luận án của các NCS.

Theo tìm hiểu của PV về 2 trường hợp tiến sĩ y khoa chuyên ngành Vệ sinh xã hội học và Tổ chức Y tế được đào tạo tại Trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên. Trong đó, một NCS do đích thân GS.TS Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng hướng dẫn, NCS còn lại do PGS.TS Dương Hồng Thái - Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên hướng dẫn. Mặc dù, những người đứng tên hướng dẫn những NCS nói trên đều có học hàm, học vị và cả địa vị trong xã hội nhưng đáng tiếc là kết quả đào tạo tiến sĩ lại không được như xã hội mong đợi.

Trao đổi, một số chuyên gia trong ngành lắc đầu, cảm giác hụt hẫng khi đọc đề tài của NCS: “Thực trạng bệnh tai mũi họng ở người Mông và hiệu quả giải pháp can thiệp cộng đồng tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang”, do GS.TS Nguyễn Văn Sơn hướng dẫn. Luận án nêu tỉ lệ người Mông ở Hà Giang mắc bệnh tai mũi họng (TMH) khá cao và năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở về khám chữa bệnh TMH ở địa phương còn hạn chế. Giải pháp can thiệp, luận án đưa ra là tập huấn kiến thức chung về bệnh TMH cho cán bộ y tế cơ sở và trên thực tiễn, giải pháp can thiệp cộng đồng theo “định hướng” của Bộ Y tế đã đem lại hiệu quả tại huyện Mèo Vạc.

Thật vậy, phóng viên sau khi nhẫn nại đọc hết luận án này cũng không thể tìm thấy một điểm nhấn sáng tạo, tính phát minh… Trúc trắc của luận án ngay ở tính cần thiết của đề tài. Tại sao lại là “bệnh TMH của người Mông” ở Mèo Vạc mà không phải là bệnh TMH của những dân tộc cùng có chung môi trường sống như người Dao, người Giáy? Phải chăng đặc tính di truyền của người Mông ở Mèo Vạc có gì đặc biệt khác với các dân tộc khác? Vậy người Mông ở Sơn La, người Mông ở Nghệ An có mắc bệnh TMH giống người Mông ở Mèo Vạc hay không?

Tương tự, đối với luận án tiến sĩ được PGS.TS Dương Hồng Thái hướng dẫn: “Đặc điểm dịch tễ bệnh cao huyết áp của người Nùng trưởng thành ở tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp”, nội dung cũng không thể khá hơn. Tác giả nêu thói quen của người Nùng là ăn mặn, thích đồ xào nấu nhiều mỡ, hay hút thuốc, uống rượu… là nguyên nhân dẫn tới bệnh cao huyết áp.

Có thể khẳng định nghiên cứu này của tác giả là đúng vì không chỉ người Nùng mà cả loài người trên thế giới này nếu thường xuyên ăn mặn, uống rượu và ưa ăn chất béo thì đều có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Điểm đặc biệt khiến cho luận án này không thể trùng lặp với các luận án nghiên cứu về “đặc điểm dịch tễ bệnh cao huyết áp” khác, đó là tác giả chỉ tập trung nghiên cứu vào nhóm người Nùng ở Thái Nguyên. Mà chắc chắn người Nùng ở Thái nguyên sẽ khác với người Nùng ở Bắc Kạn hay khác bất cứ nhóm dân tộc Nùng nào trên thế giới về tỉ lệ già trẻ, tỉ lệ nam nữ, tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp. Và thế là đã có lý do để tổng hợp nghiên cứu, phát triển thành đề tài luận án tiến sĩ!
 

Miếng ngon đãi khách

Nhớ lại năm 2014, PGS.TS Đàm Khải Hoàn - Trưởng một bộ môn ở trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên đã từng tuyên bố sẽ lo “bằng tiến sĩ” với giá 200 triệu đồng. Xâu chuỗi với thực tế hoạt động đào tạo tiến sĩ hiện nay, tại trường này, có cảm giác như đây là một loại hình dịch vụ. Công việc hướng dẫn các NCS được coi là “béo bở” nên những GS hay PGS hướng dẫn phải là người có địa vị, quyền lực: Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo… Các thành viên trong hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đều được sắp xếp theo nhóm “lợi ích” mà bỏ qua mọi quy định của Bộ GD-ĐT cũng như quy định của ĐH Thái Nguyên.

Cụ thể, theo QĐ phê duyệt danh mục hướng dẫn nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ và danh sách các nhà khoa học tham gia hướng dẫn NCS của ĐH Thái Nguyên thì chuyên ngành Vệ sinh Xã hội học và Tổ chức Y tế, mã số 62720164, có 20 nhà khoa học được hướng dẫn NCS không có tên PGS.TS Dương Hồng Thái. Trong QĐ này, ông Thái chỉ được hướng dẫn chuyên ngành Nội tiêu hóa, mã: 62720163. Tuy nhiên, luận án tiến sĩ: “Đặc điểm dịch tễ bệnh cao huyết áp của người Nùng trưởng thành ở tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp” thuộc chuyên ngành Vệ sinh Xã hội học và Tổ chức Y tế lại được trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên giao cho ông Thái hướng dẫn.

Được biết, trước đó ông Thái cũng từng hướng dẫn luận án tiến sĩ “Thực trạng an toàn vệ sinh lao động, bệnh liên quan bệnh nghề nghiệp trong sản xuất gạch Tuynel tại Bắc Ninh và hiệu quả một số giải pháp can thiệp”. Rõ ràng việc để ông Dương Hồng Thái hướng dẫn luận án tiến sĩ chuyên ngành Vệ sinh Xã hội học và Tổ chức Y tế là trái với chuyên môn, trái với QĐ của Trường ĐH Thái Nguyên, trong khi danh sách các nhà khoa học đủ điều kiện hướng dẫn vẫn dài dằng dặc vậy tại sao lãnh đạo ĐH Y Dược Thái Nguyên vẫn cố tình vi phạm? Đây có phải là một cách “ngoại giao” của trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên với vị PGĐ bệnh viện đa khoa? Bản thân ông Thái cũng hiểu rất rõ việc này nhưng vẫn im lặng thụ hưởng?

Chưa hết, theo quy định các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án phải là người có trình độ chuyên môn cao và đặc biệt phải có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt. Vậy nhưng, Hội đồng đánh giá luận án “Đặc điểm dịch tễ tăng huyết áp ở người Nùng trưởng thành tại tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp” lại có ông Đàm Khải Hoàn - một cá nhân đã từng “tai tiếng” trong công tác đào tạo. Việc sử dụng PGS.TS chuyên môn Nội tiêu hóa để hướng dẫn chuyên ngành Vệ sinh Xã hội học và Tổ chức Y tế, cùng với sự góp mặt của PGS “nổi tiếng” Đàm Khải Hoàn trong Hội đồng đánh giá luận án đã đủ để bạn đọc tự đánh giá chất lượng tiến sĩ ở trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên là như thế nào?

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm