| Hotline: 0983.970.780

Núi tiền cũng…vứt

Thứ Năm 09/09/2010 , 09:26 (GMT+7)

Làng nghề làm miến Dương Liễu vẫn trù phú, đẹp đẽ như xưa, nhưng có vào trong làng mới tận mắt thấy ô nhiễm kinh khủng nơi đây.

Miến dong được phơi cạnh con mương đen kịt nước thải

Sau hai năm hợp nhất Thủ đô, Dương Liễu, làng nghề sản xuất miến dong của huyện Hoài Đức vẫn trù phú và đẹp đẽ như xưa. Nhưng chỉ cần đứng cách cổng làng 300m, nhiều người có thể ngất xỉu khi phải hứng chịu mùi xú uế. Đã hàng chục năm nay, không chỉ người dân Dương Liễu mà hai xã bên là Minh Khai, Cát Quế cũng ngậm ngùi hít thứ mùi ấy.

>> Quy hoạch làng nghề:Không có lối thoát?

Rửa miến bằng… nước mương

Khi được nghe chị Đinh Thị Mùi, xóm 2, xã Dương Liễu kể về các công đoạn làm miến, chúng tôi dựng tóc gáy: “Làm được mẻ miến mệt lắm. Chúng tôi phải lọc, tẩy bột qua 4-5 lần thì miến mới trắng được. Nghĩa là phải đổ nước vào bột, sau đó đổ thuốc tẩy vào ngâm rồi lại rửa, lại tẩy đến bao giờ bột trắng thì thôi”.

Vừa kể, chị Mùi vừa giơ hai bàn tay xương xẩu lên khoe, tất cả những móng tay của chị đều bị biến dạng vì nấm, bị thuốc tẩy ăn mòn. “Hầu hết những người làm nghề miến đều thế. Ở đây chẳng ai rửa miến bằng nước giếng vì một ngày dùng đến chục khối nước, giếng nào cho đủ. Nhà nào làm miến cũng dùng nước mương lọc qua bể cát để... rửa” (?!), chị Mùi nói.

Không hiểu chị Mùi có thêm thắt cho câu chuyện làm miến thêm phần “vất vả” hay không song chỉ nghe đến chuyện lọc nước mương bằng bể cát ở một vùng ô nhiễm thế này để rửa miến, quả thực có nhắm mắt lại chúng tôi cũng còn thấy... ớn lạnh! Ớn lạnh hơn nữa khi hầu hết những làng nghề này, sau khi thải độc chất xuống sông hồ, xuống nguồn nước ngầm lại đào giếng, khoan nước lên để ăn uống, sinh hoạt như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong đó có 11 làng nghề được cấp bằng công nhận. Trong số các làng nghề, có 3 làng chế biến nông sản, cụ thể là sản xuất miến dong, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do các làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, sản xuất theo quy mô gia đình, nhiều công đoạn sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên nguồn chất thải tồn đọng có mùi, phát tán trên diện rộng.

Theo thống kê của Phòng TN-MT huyện Hoài Đức, tổng lượng chất thải rắn do làng nghề thải ra khoảng 112.200 tấn/năm. Chất thải theo nước thải đã gây ứ đọng hệ thống cống rãnh, có nơi chất thải dày 0,2-0,3m, kéo dài cả cây số. Không những vậy, đặc thù của làng nghề là chế biến tinh bột nên lượng nước thải rất lớn khoảng 3.155.000m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước lấy từ 3 làng nghề cho thấy: Nguồn nước mặt có màu đen xám, cao hơn mức độ màu trung bình 2,12 lần, hàm lượng chất ô nhiễm cao Coliform (một nhóm vi khuẩn rất phổ biến) cao hơn vài nghìn lần so với mức trung bình… Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về mắt, đường hô hấp của người dân cao gấp 3-5 lần so với các địa phương khác.

Nhiều dự án cải tạo môi trường “phá sản”

Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc thì nhiều chương trình, dự án nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn lại không phát huy hiệu quả. Cụ thể, từ năm 1995-2001, huyện Hoài Đức đã đầu tư xây dựng công trình sản xuất phân hữu cơ từ bã sắn, đót và xử lý nước thải ở xã Dương Liễu trị giá gần 5 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả.

Theo UBND xã Dương Liễu, công trình được thiết kế xây dựng từ năm 1995, trên diện tích mặt bằng chỉ 5.000m2 nên công suất thiết kế, xử lý nước thải, chất thải nhỏ hơn nhiều so với lượng chất thải hiện nay. Hơn nữa, Công ty TNHH Mặt Trời Xanh cũng không tìm ra được thị trường cho sản phẩm phân bón hữu cơ nên sản xuất bị đình đốn.

Thời gian này, làng nghề Dương Liễu không phải là cao điểm sản xuất, nhưng người ta vẫn dễ nhận thấy sự ô nhiễm ngay từ hệ thống mương máng, cống rãnh hay những đống phế liệu chồng chất bốc mùi hôi thối. Dường như đây là chuyện đã quá quen thuộc ở Dương Liễu trong nhiều năm qua. Một người dân cho biết: “Đành chấp nhận chứ chúng tôi biết tính sao. Báo chí nói nhiều nhưng có thấy biến chuyển gì đâu. Chẳng lẽ vì thế mà không sản xuất nữa”?
Ngoài dự án trên, năm 2002, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), xã Minh Khai cũng hoàn thành công trình xử lý nước thải với công suất 120m3/ngày với tổng số tiền đầu tư 100 triệu đồng. Nhưng khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, công trình đã phải “đắp chiếu” do đặt sai vị trí. Vì nằm sát khu dân cư nên mỗi khi xử lý nước thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bay vào trường học và khu vực liền kề gây bức xúc trong dân.

Sự đổ vỡ của các dự án khiến công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề trên địa bàn trở nên bức xúc. Trong khi đó, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường của huyện hằng năm đều tăng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2006, kinh phí sự nghiệp môi trường của huyện chỉ 30 triệu đồng, thì đến năm 2007 đã tăng lên 700 triệu đồng, năm 2008 là 3,2 tỷ đồng; năm 2009, huyện tiếp tục bố trí 3,2 tỷ đồng, thành phố hỗ trợ 1,5 tỷ đồng và đến năm 2010, kinh phí sự nghiệp môi trường trích từ ngân sách huyện đã đạt trên 4 tỷ đồng.

Mới đây, UBND huyện Hoài Đức đã xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu đến 2015, tất cả các DN, cơ sở sản xuất chế biến, làng nghề có hệ thống thu gom nước thải, rác thải. Những cơ sở lớn phải có hệ thống xử lý nước, phân loại chất thải rắn; các khu chăn nuôi tập trung đều có hệ thống ủ biogas… Tuy nhiên, với những bước tiến chậm chạp, đặc biệt là quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề “dậm chân tại chỗ”, thì có đắp cả núi tiền, có hàng xấp những kế hoạch… thì ô nhiễm làng nghề vẫn sẽ hoàn… ô nhiễm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm