| Hotline: 0983.970.780

Nước giải khát mùa hè

Thứ Tư 08/06/2011 , 13:52 (GMT+7)

Dưới đây là những loại nước giải khát lý tưởng cho mùa hè mà mọi người nên dùng.

Dưới nhiệt độ nóng bức của mùa hè, cơ thể chúng ta mất đi một lượng nước khá lớn. Bởi vậy nhu cầu uống nước trở nên thiết thực hơn nhu cầu ăn. Uống không chỉ để giúp cơ thể giải khát mà còn giúp cơ thể tích nước, giữ năng lượng và làm cho chúng ta tỉnh táo, năng động hơn. Để chống mệt mỏi trong mùa hè, biện pháp tốt nhất là giải khát bằng những loại nước trái cây.

Dưới đây là những loại nước giải khát lý tưởng cho mùa hè mà mọi người nên dùng.

Nước ép bí đao: Bí đao còn gọi là bí xanh, theo Y học cổ truyền bí đao vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng giải nhiệt làm tan đàm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc, giảm béo. Nước ép bí đao giúp giải nhiệt, tiêu độc, lợi niệu, trừ phù, dùng giải khát trong mùa hè rất tốt, có tác dụng chống cảm nắng, cảm nóng, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy…

Bí đao có hàm lượng natri rất thấp nên tốt cho người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, huyết áp cao, viêm thận, phù nề. Hạt bí đao chứa uroenzim, calabasinin, có tác dụng thanh phế nhiệt, loại mủ, tiêu đàm, rất thích hợp cho việc điều trị các bệnh lý đường hô hấp.

Cách chế biến nước bí đao thật đơn giản: 500g bí đao, gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch, thái miếng, ép lấy nước, cho thêm chút muối, uống 2 – 3 lần trong ngày, có tác dụng chống cảm nắng, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy. Hoặc ép chung 500g bí đao, 500g dưa hấu bỏ hạt, thêm chút đường trắng, uống 2 – 3 lần trong ngày, có tác dụng giải nhiệt, phòng say nắng, say sóng.

Nước chanh và dưa hấu: Dưa hấu vị ngọt, tính mát có nhiều khoáng sắt và vitamin. Có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Phối hợp dưa hấu với chanh sẽ được nước giải khát tuyệt vời.

1 quả chanh, 2 thìa mật ong, 30g dưa hấu bỏ hạt. Cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay sinh tố, xay mịn rồi đổ ra cốc để uống.

Nước dừa: Nước dừa là chất lỏng được lấy từ dừa chưa chín. Nếu dừa chín các chất lỏng bên trong sẽ cứng lại và trở thành một phần của thịt trắng của dừa. Vì vậy, việc chọn dừa khi nó chưa chín sẽ đảm bảo được nguồn nước dừa đầy dưỡng chất. Nước dừa có nhiều khoáng chất như canxi, magiê, kali, natri…là những cần thiết cho cơ thể.

Nước dừa có thể uống trực tiếp hoặc cho thêm chanh, đường.

Nước ép cà chua: So với các loại hoa quả có sắc tố hồng và đỏ khác, cà chua có hàm lượng lycopene cao nhất. Theo các nhà khoa học, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người có lượng lycopene trong máu cao thường thấp hơn đến 50% so với những người có lượng lycpene trong máu thấp. Thêm nữa, do có tác dụng chống oxy hoá nên lycopene còn được đánh giá là chất có khả năng giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư tiền liệt tuyến, da, cổ tử cung, bàng quang, vú, phổi…

Mỗi ngày, người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên hấp thu khoảng 10 milligram lycopene và người bình thường khoảng 3,6 milligram (một quả cà chua vừa chứa từ 4 đến 5 milligram lycopene).

Chọn cà chua chín gọt bỏ vỏ, cắt đôi loại bỏ hạt rồi cho vào máy xay sinh tố, cho thêm đường xay thật nhuyễn rồi đổ ra cốc uống. Cứ 500g cà chua cho 100g đường.

 Nước vối: Nước vối sử dụng giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát, dùng thích hợp cho mùa hè. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu chỉ uống nước lọc, nước trắng thì sau một thời gian ngắn (3 – 40 phút) cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối sau thời gian ấy, cơ thể chỉ thải loại 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ thải ra từ từ sau đó. Tác dụng giải khát của nước vối rất lớn.

Nấu nước vối rất đơn giản: Lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nụ vối cũng được đun đến khi sôi có thể hãm trong nước sôi như cách hãm trà.

 Chè xanh: Trong lá chè có nhiều tanin, caffein, glucosid, một ít tinh dầu, các vitamin và muối khoáng. Vị chát của tanin trong chè có tác dụng tốt đối với niêm mạc đường tiêu hoá. Trong chè còn có các chất khoáng kể cả các yếu tố vi lượng như sắt, iod, đồng, fluor…dưới dạng các hợp chất dễ hoà tan, rất cần cho cơ thể.

Cách pha chè xanh thật đơn giản: Lấy lá chè xanh rửa sạch cho vào ấm hoặc nồi nhôm đun sôi trong 15 phút bắc ra, uống ấm hoặc để nguội. Cũng có thể hãm như hãm chè khô. Tuỳ theo sở thích mà cho nhiều hay ít chè.

Dùng rất tốt trong mùa hè để phòng chống các chứng viêm nhiệt có biểu hiện miệng khô họng khát, sốt cao mất nước, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo.

 Nước gạo rang: Có tác dụng giải khát, sinh tân, chống say nắng và tiêu chảy mùa hè rất tốt. Lấy 100g gạo cho vào chảo rang vàng. Sau đó đổ vào 1,5 lít nước đun sôi trong 20 phút. Chắt nước uống, ăn cái. Có thể cho thêm chút muối ăn hoặc đường trắng để ăn.

 Nước bột sắn: Sắn dây là một vị thuốc, theo Đông y sắn dây có vị ngọt, tính bình, đi vào kinh tỳ, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, giải cơ. Có tác dụng giải khát, trị cảm nắng, tiêu chảy, đầy bụng…Mùa hè uống nước sắn dây thật tuyệt vời.

Lấy 15g sắn dây (2 muỗng cà phê) cho vào cốc, thêm 30g đường trắng rồi đổ 300ml nước sôi để nguội khuấy cho tan sẽ được một cốc nước sắn dây.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất