| Hotline: 0983.970.780

Nước không được chia: Tết Độc lập đôi bờ sông Bến Hải

Thứ Năm 11/09/2014 , 09:09 (GMT+7)

Với người dân đôi bờ sông Bến Hải, ngày tết Độc lập 2/9 năm nào cũng là cuộc trùng phùng trong nước mắt./ Đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ngày 2/9, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió thu. Du khách Bắc - Nam qua cầu hình như ai cũng đi chậm lại để ngắm chiếc cầu và dòng sông in hình đất nước. 

Vạn niềm vui để tri ân một người

Ông Trần Công Chức ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị), vùng đất phía bờ Bắc, về thượng sông Bến Hải, thắp nén nhang lên bàn thờ Bác Hồ.

Sự chia cắt đất nước Việt Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 là một nỗi niềm đau đáu của cả dân tộc. Nhưng riêng với người dân ven bờ sông Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 nỗi đau hiện hữu ấy như nhân đôi mà bản thân và gia đình họ từng phải giằng xé, khắc khoải. Ngày 2/9 ở đôi bờ sông Hiền Lương vừa là giỗ Bác Hồ vừa ăn tết Độc lập.

Không riêng nhà ông Chức, bà Trần Thị Hạnh ở làng Lệ Xá, xã Vĩnh Sơn mổ heo cùng bà con chia nhau để cúng Bác và ăn tết. Họ đón tết Độc lập từ trong tâm thức của mình với tấm lòng thành kính nhất.

Trước đó một năm bà con đã nuôi heo chuẩn bị cho lễ 2/9. Còn bà Nguyễn Thị Hường ở xã Gio An (huyện Gio Linh), bờ Nam sông Hiền Lương thì mổ heo để chia thành từng phần nhỏ làm quà cho bà con chòm xóm mỗi nhà một kg thịt để họ cùng chung vui đón tết Độc lập.

Tiệc ở quê thật ấm áp, mọi người thành tâm thắp nén nhang lên bàn thờ Bác Hồ trước khi cùng nhau râm ran câu chuyện làm ăn, cuộc sống... Con cháu đi làm việc xa làng cũng nô nức về quê ăn tết Độc lập. Bà Hường nói những ngày này người dân ven bờ sông vĩ tuyến chúng tôi ít đi đâu xa nhà, muốn ngồi với nhau ôn lại chuyện cũ, để kể về câu chuyện mùa thu nhớ Người...

Trời thu như đang gói trọn yêu thương trong những làng quê ven bờ sông vĩ tuyến. Làng Hiền Lương bên bờ Bắc sông vĩ tuyến bình yên, hạnh phúc. Thấy tôi xuất hiện, bà Nguyễn Thị Thành (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh) vô cùng bất ngờ vì những cái hẹn trước khi gia đình bà mời tôi ra Hiền Lương giỗ Bác và ăn tết Độc lập, tôi chưa thực hiện được.

Tôi không thể để bà băn khoăn lâu vì sự có mặt đúng lúc của mình, mà phải nói thật hôm trước, ông Đinh, chồng bà, đã mời lần này nghĩ lễ, dứt khoát chú phải ra nhà tôi ăn tết Độc lập. Tất nhiên là tết có gà, vịt và xôi, bún.

Ông Đinh nói chắc rằng 100% gia đình ở Vĩnh Linh đều thờ Bác Hồ. Trong nhà nào ảnh Bác Hồ cũng được treo vị trí trang trọng nhất. Gia đình nào thờ ít nhất cũng có 1 ảnh Bác và có nhà thờ 3 đến 4 ảnh. Riêng nhà ông Đinh thờ đến 6 ảnh Bác Hồ.

Ông Đinh kể rằng với người dân huyện Vĩnh Linh, tết Độc lập có ý nghĩa rất lớn với họ. Sự sống, chết, độc lập, chia cắt, đoàn tụ ở đây chỉ cách nhau một dòng sống Bến Hải, bề rộng chưa đầy 100 m. Thế mà cả đất nước với cuộc trường chinh suốt 21 năm mới thực sự độc lập.

Những ngày đón tết Độc lập ở Vĩnh Linh tôi luôn bị cuốn hút từ bất ngờ này đến bất ngờ khác được người dân tạo ra.

Khát khao của vị Cha già

Ông Đinh kể khi còn sống, Bác Hồ rất nhiều lần mong muốn sớm được vào thăm đồng bào Vĩnh Linh. Chưa vào được, Bác gửi xà phòng thơm và gương tặng và 8 lần gửi thư thăm hỏi bà con. Dù bận rộn với việc nước nhưng hằng ngày Bác vẫn theo dõi mọi sinh hoạt của người dân, Bác luôn quan tâm đến việc học hành dưới mưa bom, bão đạn của học sinh.

Những năm 1964-1967, giặc Mỹ điên cuồng ném bom ở miền Bắc, Vĩnh Linh luỹ thép là toạ độ không thể thiếu. Bom vẫn rơi, học sinh vẫn lạc quan đội mũ rơm đến trường.

Ở một góc khuất của xã Vĩnh Thuỷ có cô bé tên Việt bị tàn tật vì bom đạn đành gác lại giấc mơ đến trường. Hình ảnh cô bé tội nghiệp nhưng có ánh mắt luôn khát khao, thèm muốn được đi học ấy cứ hiện về trong suy nghĩ của thầy giáo làng Trần Quang Vinh mỗi lần lên lớp.

13-00-22_hien-luong-2
Bốn thầy trò trong câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Ngồi bên thầy Vinh là chị Việt. Hàng sau là chị Thuỷ (bên phải) và chị Phiến

Thầy mang chuyện của Việt ra kể với lớp thì rất nhiều bạn xung phong cõng Việt đi học. Thế là tình cờ hai em Lê Thị Hương Thuỷ và Hoàng Thị Phiến được thầy Vinh chọn gửi gắm giấc mơ đến trường của Việt.

Mỗi ngày, Thuỷ và Phiến thay nhau cõng Việt trên quãng đường hơn 2 km từ nhà đến trường học. Đằng đẵng bốn năm cõng bạn đi học dưới hàng trăm trận mưa bom, Việt học từ vỡ lòng rồi lên lớp một, hai, ba, Thuỷ và Phiến học lên lớp 7.

Thán phục trước nghĩa cử cao đẹp của hai em Thuỷ và Phiến, một thầy giáo ở trường cấp 1 Vĩnh Thuỷ ngày ấy viết bài báo ngắn gửi đăng ở Báo Thống Nhất của đặc khu Vĩnh Linh. Bài báo này chỉ mấy ngày sau đã đến tận tay Bác Hồ.

Bác gọi điện vào đặc khu Vĩnh Linh hỏi rõ sự việc và muốn được gặp hai cháu Thủy và Phiến. Tuổi đang còn nhỏ nhưng các cháu biết sống đẹp, làm một công việc rất có ý nghĩa cho đời. Bác mời Thủy và Phiến ra Hà Nội gặp mặt. Do hoàn cảnh chiến tranh nên sau đó chuyến đi này bị huỷ.

Không gặp được, Bác gửi thư và quà tặng hai em. Nhẹ nhàng lấy từ trong túi áo ra một chiếc Huy hiệu Bác Hồ, chị Thuỷ kể mấy chục năm nay đi đâu chị cũng mang theo kỷ vật của Bác tặng bên người. Với chị, đấy là quà tặng vô giá.

Chị Thuỷ nhớ mồn một từng chữ, từng câu trong thư Bác gửi. “Hà Nội... Thân ái gửi cháu từ tuyến lửa xa xôi. Bác ở Hà Nội vẫn biết tin của cháu qua báo đài. Được biết cháu học giỏi, chăm ngoan và có lòng thương yêu bạn bè. Bác rất cảm động. Bác gửi lời hỏi thăm và chúc sức khoẻ của bố mẹ cháu và cháu. Bác chúc cháu chăm học, chăm làm...”.

Đón nhận thư và quà của Bác, đặc khu Vĩnh Linh cùng trường Tiểu học Vĩnh Thuỷ đã long trọng làm lễ trao danh hiệu cao quý của Bác cho Thuỷ và Phiến trước sự chứng kiến của nhiều người.

Câu chuyện về Bác Hồ càng ấm áp hơn giữa không gian mừng ngày tết Độc lập của mọi người dân. Nhấp chén trà xanh, trung tá Trần Anh Don ở thị trấn Hồ Xá, nguyên là Trưởng phòng Hành quân - Giao liên của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559, bồi hồi nhớ lại vào tháng 5/1969, đoàn đại diện dũng sĩ miền Nam ra Hà Nội chúc thọ Bác Hồ.

13-00-22_hien-luong-3
Cầu Hiền Lương sơn hai màu in hình của nước

Mặc dù tuổi Bác đã cao, sức khoẻ không được tốt như trước, nhưng Bác Hồ vẫn dành cả một khoảng thời gian khá dài tiếp và thăm hỏi các cháu. Bác liên tục nhắc mọi người ăn kẹo, uống nước trong không khí ấm áp tình cha con, Bác cháu quây quần bên nhau.

Sau những lời thăm hỏi, động viên và tự tay mình gắn Huy hiệu của Bác cho từng người, Bác Hồ chia tay với đoàn. Khi ra đến cửa, Bác dừng bước, ngoảnh về phía dãy bàn còn nguyên các đĩa kẹo bánh, và bình nước trà rồi dặn kẹo bánh của nhân dân cho đó, các cháu ăn không hết thì chia nhau mang về. Còn nước thì không được chia!

Lời dặn từ đáy lòng đó chính là khát vọng thống nhất đất nước mà vị cha già dân tộc đau đáu suốt cả cuộc đời để hôm nay cả đất nước được sống trong hòa bình, yêu thương.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.