Ngày 16/1, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Tây Ninh) phối hợp với Ðội quản lý thị trường số 3 (huyện Hoà Thành) bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh nước mắm Cường Thông (do ông Ð.C.C làm chủ) và Ðại Dương (do bà Ð.T.N làm chủ). Cả 2 hộ này cùng thuộc KP 4, TT Hoà Thành.
Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 hộ kinh doanh nói trên chứa khoảng 9.000 lít nước mắm đựng trong các can nhựa (loại đựng hoá chất đã qua sử dụng) không có nhãn mác, tên cơ sở, không bảo đảm vệ sinh, không xuất trình được hồ sơ giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hoá đơn nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, phụ gia.
Đường hóa học dùng trong chế biến nước mắm “đểu” |
Ngoài ra, tại hiện trường đoàn kiểm tra còn phát hiện có 600kg muối hột, nhiều thùng chứa dung dịch caramel (đây là loại đường thắng có màu nâu thu được sau khi đun các loại đường -PV); Hydrochloric acid; 1.200 tờ nhãn hàng hoá ghi tên nước mắm H.L chưa sử dụng và nhiều dụng cụ khác có liên quan việc sản xuất nước mắm “đểu”.
Chủ cơ sở Cường Thông thừa nhận nước mắm tại đây được sản xuất bằng công thức pha chế như sau: 40kg muối pha với 160 lít nước lã (giếng) rồi đưa vào lu đựng tro trấu để lọc lấy nước, tiếp đó pha thêm caramel cùng 0,5 lít chất bảo quản gốc clo và pha thêm một ít nước mắm nhĩ (y).
Với cách làm này, Cường Thông cho ra lò 100 lít nước mắm/ngày, mang đi bán với giá 7.000 đồng/lít tại các tiệm tạp hoá, quán cơm, chợ “cóc ổi”, “chồm hỗm” trong và ngoài địa phương.
Tại đây, đoàn đã thu và phát hiện nhiều bột chua, bột chống mốc, phẩm màu, đường hoá học sodium cyclamate, bột lạ (không rõ nguồn gốc, có nhiều dòng chữ Trung Quốc), hương liệu. Điều đáng nói, cơ sở nói trên không đăng ký kinh doanh sản xuất theo quy định, chưa được cấp phép hoặc giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Toàn bộ hoá chất, muối, chai nhựa, decan nhẵn... đều mua tại chợ Kim Biên (quận 5, TP. HCM).
Theo tìm hiểu chúng tôi, trong khi nước mắm thương hiệu đóng chai nhãn mác có nguồn gốc rõ ràng thì giá bán lẻ trên thị trường thấp nhất cũng là 80 ngàn đồng/lít, còn nước mắm “đểu” do chủ yếu là nước, muối hột và hóa chất nên giá cao lắm cũng chỉ có 10 ngàn đồng/lít.
Hương liệu nước mắm có mùi thơm như mùi nước mắm ủ chượp thật |
Theo đó, sau khi nước mắm “đểu” sản xuất thì đưa ra thị trường theo hai hình thức, một là đóng can nhựa từ 10-20 lít không nhãn hiệu; hai là vô chai đóng gói “nhái” nhãn hiệu của một số thương hiệu nước mắm có tiếng trên thị trường (Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Định) với qui cách đóng chai từ 0,5-1 lít bán giá 7.000 -10.000 đồng/lít.
Đặc biệt, để bán được hàng, chủ cơ sở khuyến khích “buộc boa” (hoa hồng) cho người mang đi bán (tiếp thị) rất cao, thông thường 40-50%, tức bán 1 lít 10.000 đồng, người bán hưởng gần 5.000 đồng. Còn nếu giao trực tiếp cho các các chợ, quán cơm hủ tíu thì giá “cưa đôi”.
Bà V., chủ cơ sở sản xuất nước mắm “đểu” ở TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nay đã giải nghệ tiết lộ thêm, muốn sản xuất nước mắm “đểu” thì khu vực pha chế phải riêng biệt và chỉ có chủ (cơ sở, hộ gia đình) mới biết, người lao động tuyệt đối không được vào.
Nếu sản xuất 500 lít nước mắm, cần phải dùng bồn nhựa loại 1m3, bơm nước lã và đổ vào 200kg muối, ngâm chừng 10 ngày. Sau đó rút nước muối ra bồn khác, pha theo “công thức”: 200 gr bột chua, 100gr phẩm màu, 200gr chống mốc, đường hoá học và 2 kg bột lạ, sau đó khuấy đều. Hỗn hợp này sau đó bơm vào bình chứa khác để lọc cặn, rồi đưa ra đường ống cho dây chuyền đóng chai. Tất cả thao tác làm việc đều phải diễn vào buổi chiều tối, thời gian này lực lượng chức năng nghỉ làm.
Công an kiểm tra 2 hộ kinh doanh nước mắm Cường Thông và Đại Dương (ảnh do Công an cung cấp) |
“Cứ mỗi chai, mỗi can nhựa nước mắm mình “chế” đem bỏ mối cho tiệm tạp hoá, các chợ giá 6-7.000 đồng/lít, còn các chợ, tiệm bán lại cho các chủ tiệm cơm, hủ tíu, nhà hàng giá có thể lên đến 10-15.000 đồng/lít là tùy họ. Vào thời điểm gần tết thì tiêu thụ mạnh hơn do sức mua tăng”, bà V. chia sẻ.