| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt biển: Những chuyện thừa sống thiếu chết

Thứ Hai 12/01/2015 , 07:43 (GMT+7)

Nhìn lại, những ngư phủ vùng biển Nam Thịnh (Tiền Hải, Thái Bình) bảo rằng, cuộc đời này chỉ toàn giông bão, tố lốc và vô số những lần chết sẩy mà thôi./ 23 năm, con đã ăn hết nắm cơm chưa?

Lên 9, 10, những người con của làng biển đã biết ra khơi kiếm con tôm, con cá. Ở cái tuổi đôi mươi, họ trở thành những người đàn ông rắn rỏi, ăn sóng nói gió, nước da sạm đen vì nắng gió. 

Ra vụng, nơi 6 người chết

Tôi ra bến thuyền, nơi xảy ra vụ chìm thuyền ngao làm 6 người chết hôm 16/12/2014. Vẫy một chiếc cồng cồng rồi đi nhờ ra bãi ngao. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ.

Chiếc cồng cồng đan bằng tre nứa, chỉ chở được hai người. Từ bờ ra khu vực bãi ngao mà lái thuyền Đặng Thanh Lịch trông thuê chừng 3-4 cây số đường chim bay. Đi một đoạn, ông Lịch chỉ tay: “Đấy, chỗ 6 người hôm trước chết đó. Cái bãi cạn chi chít vết chân kia là chỗ mọi người được vớt lên”.

Tôi rùng mình. Cơn gió từ mặt biển thoảng qua, cảm giác hơi rờn rợn. Chiếc cồng cồng đang đi thẳng, bất ngờ gặp một vụng xoáy. Tôi dang hai tay, bám chặt vào mép cồng cồng. Chao đảo, chao đảo. Chiếc cồng cồng nhỏ xoay tròn, va khực vào một bãi nổi. Ông Lịch trấn an: Chú cứ ngồi im, để thuyền nó xoay rồi đi tiếp, cố chèo mạnh ngược dòng nước là dễ lật lắm.

Trời rét căm căm, tôi vẫn cảm nhận được mồ hôi chảy rần rần nơi sống lưng. Gần tối, chiếc cồng cồng cũng đưa tôi và ông Lịch ra tới bãi ngao. Đêm hôm đó, tôi ăn bữa cơm và ngủ lại trên chòi canh ngao. Bữa cơm giữa biển có khúc cá kho, ngao, hà biển và một ít rau sống từ đất liền.

Trong bữa cơm, tôi được gặp ngư phủ Nguyễn Xuân Hà, người từng một thời đạp bằng ngọn sóng ra khơi, tung hoành vùng biển khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nay sức khỏe yếu, ông chuyển sang nuôi ngao ở bãi nổi của xã Nam Thịnh. Nhưng ký ức một thời đi biển với ông vẫn vẹn nguyên.

Tháng 2/1983, đúng đợt hội Hòn Dáu, ông Hà theo thuyền từ Thái Bình qua Hải Phòng đánh bắt tôm. Thuyền gần vào tới Hòn Dáu thì gặp một cơn sóng dữ.

“Thuyền đang đi bỗng nhiên nước biển rút cạn bất thường, mặt biển phẳng như sông. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì sóng to từ đâu ập tới, dìm mũi thuyền xuống, tất cả đồ đạc trên thuyền bị cuốn sạch. Mui làm kín, nước không vào được. Hôm đó, sóng đánh thẳng mũi thuyền chứ đánh ngang là đi rồi. Trận đó tôi sợ tới bây giờ”, ông Hà rùng mình nhớ lại. 6 người trên chiếc thuyền sống sót kỳ diệu.

10-29-33_1
Trò chuyện trên chòi canh ngao

Thời kỳ sau đó, Nam Thịnh thành lập HTX đánh bắt thủy hải sản Thống Nhất. Toàn bộ thuyền của HTX được đóng mới. Xi măng thay cho nan, gỗ. Trong giây phút bất cẩn, chiếc thuyền xi măng do ông Hà điều khiển va phải đá ngầm. Thuyền bị thủng một lỗ khá to. Nước tràn vào ào ạt như đê vỡ. Ngay lập tức, ông Hà và những người trên thuyền cởi áo khoác bịt lỗ thủng. Chăn bông, màn tuyn cũng được huy động để chặn dòng nước.

“Nói chung lúc đó phải tìm mọi cách để sống. Người bịt lỗ thủng, người dùng xô, tay tát nước, người chèo lái”, ông Hà thuật lại.

Thuyền chạy hết tốc lực vào ghềnh gần nhất. Tới nơi, một nửa chiếc thuyền nằm ghệ trên bờ, nửa chìm dưới nước. Người nóng hừng hực nhưng mặt ai cũng tái dại, cắt không ra giọt máu.

Nghe ông Hà kể lại, ngồi trên chiếc chòi rung bần bật vì gió mà tôi cứ ngỡ đang ngồi trên chiếc thuyền năm nào.

Cứ tưởng mọi người chết cả rồi

Gia đình ngư phủ Đinh Văn Tiến gốc gác mấy đời từ vùng biển Giao Thủy (Nam Định) sang Nam Thịnh lập nghiệp. Trước đây, ông đi thuyền cánh buồm đánh cá bằng lưới chim. Chiều hôm đó, khi ra tới cửa mở Sông Hồng, rộng khoảng 11 sải tay, cơn đen kéo đến mù mịt, không phân biệt được ban ngày hay đêm. Ai nấy thu vội tay lưới. Vừa xong, cơn giông sầm sập kéo đến. Chiếc thuyền bị vò tơi bời như vò lúa. Dây buồm đứt phừn phựt. Con thuyền bị cuốn ra giữa khơi xa.

Ba ngày liền, năm người đàn ông và chiếc thuyền buồm lênh đênh trên biển trong đói, rét và sợ hãi.

Ở nhà, vợ con, anh em ra bờ biển ngóng đợi. Thấy mảnh gỗ dạt vào thì khóc: “Thôi chết rồi, mảnh gỗ vỡ trôi vào đây rồi”. Đến ngày thứ 3, thuyền bị trôi ra tận đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Sau đó, thuyền dạt vào một đỉnh núi giữa trùng khơi. Gặp chiếc thuyền ngang qua, ai cũng nhao nhao ra hỏi: “Đây là đâu?”. “Đây là đảo Cát Bà, Hải Phòng”, tiếng người đáp.

Sửa tạm mái chèo, vừa chèo vừa lắc, thuyền đi được tới Đồ Sơn. Phát hiện tàu gặp nạn, Đồn Biên phòng số 37 cho thuyền ra cứu. Trình bày vụ việc, giấy tờ tùy xong xuôi, ông Tiến và mọi người được cấp quần áo và đồ ăn thức uống.

Nghỉ ngơi một đêm, các thuyền viên tập trung vào sửa chữa máy móc, chuẩn bị đồ đạc lên đường về quê. Sửa xong xuôi, thuyền chạy một mạch từ Đồ Sơn về Thái Bình. Từ sáng đến trưa đã có mặt ở nhà. Không tin vào mắt mình, cả vùng biển Nam Thịnh đổ ra đón các ngư phủ từ cõi chết trở về.

“Khiếp, hoảng loạn, cứ tưởng ông ấy và mọi người chết cả rồi”, bà Mỵ, vợ ông Tiến nhớ lại.

10-29-33_5
Chiều trên bãi nổi

Cơn bão năm 1986 dự báo đổ bộ vào đất liền, ông Tiến cùng 4 - 5 người ra kéo thuyền vào bãi cạn. Ba người ngủ lại coi thuyền. Hơn 9 giờ tối, gió thổi làm trốc mui. Mưa ướt không ai nằm được nữa. Một người bảo, có khi mình dẫn nhau về trú ẩn thôi.

Họ khoác vai, dìu nhau về nhà người bạn ngay chân đê lánh nạn. Gió đẩy ngược ba người ra phía biển. Móng chân phải cắm chặt xuống cát mới đi được. Về tới đê thì thấy hàng cây chắn cát đã đổ rạp. Qua đêm giông bão, ông Tiến rẽ cây đổ để về nhà. Căn nhà đất 5 gian cũng bị đổ sập, khắp nơi ngổn ngang đất cát, rơm rạ.

“Mẹ, vợ đâu rồi?”, ông Tiến hét lên. Hồi lâu sau có tiếng kêu yếu ớt cứu vọng ra từ ngôi nhà sập. Rất may, ngôi nhà có kèo chữ A nên hai mẹ con sống sót. Quay trở lại bờ biển, tất cả hoảng hồn khi thấy chiếc thuyền bị gió táp lật úp, nằm phơi bụng. Hai cột buồm cắm sâu xuống bãi cát.

Cách đây hai năm, khi đang coi ngao, ông Tiến lại đối mặt với lốc xoáy. Ăn xong bữa cơm chiều, chân trời đằng đông bỗng đỏ rực lên. Thỉnh thoảng có tia chớp. Biết thời tiết bất thường, ai về chòi nấy. 12 giờ đêm, trời rét, ông Tiến ngồi trùm chăn trong chòi. Dột thì lấy áo mưa mặc cho đỡ rét. Bỗng gác 2 của chòi đổ sụp. Một tia chớp lóe lên, may quá nước chưa ngập được bờ đăng.

“Lách phên chòi, tôi nhảy xuống nước. Nước chỉ ngập đến đầu gối. Quay lại chòi chỉ thấy còn đúng hai cái cột be bé chỏng ngược lên. Tôi chạy sang chòi khác hét to: còn ai không? Miệng ngọng líu vì rét”. Tiếng một người đàn ông trong chòi vọng ra: “Cứ lấy chân đạp mạnh vào, cửa bị kẹt rồi”.

Gió làm chiếc chòi bị xiêu vẹo. Cửa chòi bị lệch hẳn một bên không thể mở. Ông Tiến dùng chân đạp mạnh cửa, vào trong xin được bộ quần áo. Lúc đấy mới biết mình sống rồi!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm