| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt người mẹ tự tay nhốt con gái duy nhất vào lồng sắt

Chủ Nhật 25/03/2018 , 09:01 (GMT+7)

Tự tay nhốt đứa con gái điên dại trong lồng sắt. Đứa cháu ngoại sinh ra do bị hãm hiếp cũng đành phải gửi vào trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng.

Đau lòng lắm nhưng bà Hoàng Thị Sự ở thôn Hàm Rồng, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
 

Làm lồng sắt nhốt con

29 tuổi bà Sự mới sinh được mụn con gái, đặt tên là Hoàng Thị Huệ. Bất hạnh đến khi người chồng đổ bệnh rồi đột ngột qua đời bỏ lại bà với đứa con còn đỏ hỏn trên tay.

21-23-34_nguoi_me_gi_yeu_benh_tt_hng_ngy_chm_soc_du_con_gi_bt_hnh_qu_song_st
21-23-34_tu_ty_gim_con_trong_long_st_tri_tim_nguoi_me_gi_nhu_bi_i_bop_nghet
Bà Sự phải nhốt người con gái duy nhất trong lồng sắt

Số phận thật nghiệt ngã khi cô con gái của bà vốn ngoan ngoãn, đang tuổi xuân mơn mởn như hoa, tự dưng về nhà đập phá đồ đạc, chửi đánh mẹ rồi bỏ nhà đi lang thang. May mắn được họ hàng và bà con lối xóm tìm về, rồi cho bà vay tiền đưa Huệ đi viện khám, một lần nữa trái tim người đàn bà bất hạnh tan nát khi bác sĩ cho biết con gái bà mắc chứng tâm thần.

Vì không có tiền chữa trị thường xuyên nên bệnh tình của Huệ ngày càng nặng, thường nổi điên đập phá, tự xé quần áo, đánh đập mẹ già. Dù không bao giờ muốn thế nhưng bà Sự không còn cách nào khác là vay mượn bà con, đóng một cái lồng thép rồi nhốt con vào đấy.

Mọi sinh hoạt của chị Huệ đều gói gọn trong lồng sắt lạnh lẽo. Cứ đến bữa ăn, bà Sự đưa vào lồng một bát cơm với rau dại.

Trong một lần cho ra ngoài tắm rửa, chị Huệ vùng chạy đi mất. Rồi không biết kẻ nào đã hãm hiếp chị đến mang thai, để rồi sinh ra cháu Hoàng Văn Tuân nay đã 6 tuổi.

Gần đây, căn bệnh thoái hóa cột sống khiến lưng bà còng rạp xuống và thường xuyên gây đau nhức, bà chẳng thể làm được việc gì nữa, đôi mắt cũng đã mờ đục không nhìn rõ. Không còn đủ sức lực để chăm con, nuôi cháu nên dù lòng đau như cắt, bà cũng đành phải gửi cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang.

Nhắc đến đứa cháu, bà rớm nước mắt: “Tôi nhớ thằng cháu lắm, đã lâu rồi tôi chưa được xuống thăm nó. Nếu mà tôi có tiền cho mẹ nó đi chữa khỏi bệnh rồi đón cháu về nuôi, thì bà cháu tôi không phải xa nhau nữa”.

Suốt chặng đường gần 50 cây số đến Trung tâm Bảo trợ xã hội, bà cứ bồn chồn, mong ngóng, lo lắng. Chúng tôi hiểu bà thương nhớ cháu đến nhường nào và hiểu nỗi khổ tâm, day dứt mà bà đang phải gánh chịu.

Bà cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bé Tuân ôm lấy cổ bà òa khóc: “Cháu nhớ bà lắm! Bà cho cháu về với bà nhé”. Người bà khốn khó chỉ biết ôm riết cháu vào lòng dỗ dành: “Cháu ngoan, ở đây với các cô rồi mấy nữa bà sẽ đón cháu về ở với bà”. Bà cháu cứ quấn quýt không rời, chúng tôi cũng không đành chia cách tình bà cháu nên cứ luấn quấn mãi. Cuối chiều thì cũng phải chia tay, thằng bé cứ khóc thét lên đòi về với bà ngoại, bà lão gạt nước mắt, lầm lũi lên xe như trốn chạy.
 

"Lỡ tôi chết trước thì..."

Nuôi đứa con bình thường đã vất vả, đằng này lại một thân một mình nuôi con tâm thần khiến người mẹ nghèo ngày đêm suy nghĩ đến tương lai mù mịt phía trước.

"Bây giờ đằng nội kia không gặp gỡ, hai mẹ con chỉ trông chờ vào bên ngoại. Đôi khi nhìn con mà toàn nghĩ quẩn, nếu con chết trước mẹ thì không sao nhưng lỡ tôi mà chết trước nó thì phải làm sao đây?", bà Sự rưng rưng.

21-23-34_b_chu_gp_nhu_mung_mung_tui_tui_thng_chu_cu_bm_riet_khong_muon_roi_b
Bà Sự thăm người cháu gửi nuôi trong Trung tâm Bảo trợ xã hội

Nói về hoàn cảnh gia đình bà Sự, ông Bùi Văn Quỳnh - hàng xóm với gia đình bà Sự cho biết: “Gia đình bà Sự là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn, chồng mất sớm, con bị bệnh tâm thần, cháu nhỏ dại, bản thân lại bệnh tật không lao động được”.

Bà Sự bảo bây giờ bà không còn sức mà đi tìm con hay làm việc nặng nữa rồi. Bà mới mổ cắt túi mật nên sức khỏe yếu. “Cũng may, ban đêm tôi không ngủ được nên đi lượm ve chai. Ban đêm người ta đi ngủ hết nên tôi nhặt được nhiều hơn ban ngày. Giờ, đó là việc duy nhất tôi làm được để kiếm sống”, bà tâm sự.

“Chỉ mong có chút tiền đưa con gái đi chữa bệnh và đón thằng bé về nuôi”. Mơ ước nhỏ nhoi của bà lão bất hạnh, liệu có thành hiện thực khi mà đến 2 bữa cơm hằng ngày bà cũng chẳng lo nổi.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Hoàng Thị Sự ở thôn Hàm Rồng, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm