| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt người trên bờ

Thứ Năm 23/02/2012 , 11:21 (GMT+7)

1 giờ sáng ngày 22/2, sau khi xác 2 anh em ruột là ngư dân trên chiếc tàu BĐ 93310 TS bị chìm tại cửa biển Ninh Chữ (Ninh Thuận) được đưa về nhà, người dân thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành (Phù Cát-Bình Định) như bừng thức trước nỗi đau lớn.

Rồi cả ngày hôm ấy, người dân 2 thôn lân cận là Chánh Hóa và Chánh Hùng ai nấy đều bàng hoàng cùng gia đình 2 nạn nhân còn lại chong mắt về cuối đường chờ đợi chuyến xe tang thứ 2 về làng.

Trưa 22/2, tôi có mặt tại thôn Hóa Lạc vừa kịp dự đám tang của 2 ngư dân xấu số nói trên. Nước mắt không chỉ tràn ngập căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Thạnh (1947), cha của 2 nạn nhân, mà hầu như tất cả người làng mà tôi gặp đều rơi nước mắt thương cảm khi cùng lúc ông Thạnh mất đến 2 đứa con trai là Nguyễn Thanh Thế (1971) và Nguyễn Thanh Thơ (1992). 

Ông Nguyễn Thạnh bên bàn thờ 2 con trai

Chị Bùi Thị Thanh Tuyền (36 tuổi), vợ anh Thế gần như kiệt quệ sau 3 ngày thức ròng rã, không ăn không uống đứng trên bờ biển Ninh Chữ chờ tin chồng, để rồi cuối cùng nhận được cái xác không còn nhận được mặt, chỉ nhận được anh qua đặc điểm chiếc răng vàng. Cha của 2 nạn nhân, ông Nguyễn Thạnh kể trong nước mắt: “Vào ngày 18/2, khi ấy do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên vùng biển Ninh Chữ dậy sóng to, gió lớn. Chiếc tàu của 2 con trai tôi định đi vào Kiên Giang đánh bắt tránh gió dữ, nhưng vì không có tiền sắm lương thực, nhiên liệu nên bám lại biển Ninh Chữ làm kiếm tổn rồi vào sau.

Sau khi làm xong giác lưới lúc 9 giờ tối (18/2), vợ thằng Thế gọi điện vô hỏi thăm thì còn liên lạc được với chồng. Yên tâm. Không ngờ đến 1 giờ sáng hôm sau, những chiếc tàu cùng quê làm cùng chỗ với tàu con tôi gọi điện về báo tin là không liên lạc được với 2 đứa con tôi nữa. Cả nhà lo lắng suốt đêm. Sáng ngày 19/2, trong lúc vào bờ bán hải sản, 1 chiếc tàu bạn thấy tàu của con tôi bị chìm, nằm chổng mũi lên trời, 4 người trên tàu không tin tức gì. Cả nhà như chết lặng. 1 giờ sáng ngày 20/2 vợ thằng Thế cấp tập đón xe vào Ninh Thuận. Mãi đến chiều ngày 21/2 người ta mới tìm thấy xác 2 anh em nó nổi lên 1 chỗ. Chắc lúc chết 2 anh em nó ôm nhau”. Kể đến đó, ông Thạnh khóc òa.

Nhìn 3 đứa con thơ dại của anh Thế không ai có thể cầm được nước mắt. Đứa lớn nhất, cháu Nguyễn Thanh Bút mới học lớp 10 có ánh nhìn như thất thần trước bàn của cha và chú mình. 2 cháu còn lại, Nguyễn Thị Nguyên (lớp 8) và Nguyễn Thị Học (3 tuổi) nằm rũ rượi ôm mẹ khóc không dừng. Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông Thạnh tiếp tục kể: Mới học xong lớp 9, thấy nhà làm ruộng không đủ ăn, anh Thế theo bạn bè theo tàu cá đi bạn.

Đi được vài năm, gom góp tiền dành dụm, mượn thêm bên ngoài mua 1 chiếc tàu nhỏ với giá 110 triệu đồng. Tàu công suất nhỏ không làm khơi xa được, làm lộng thì thu không đủ bù chi. Anh Thế bặm gan bán chiếc tàu nhỏ, vay mượn của các chủ nậu ở Ninh Thuận thêm 1 số tiền lớn để đóng mới chiếc tàu BĐ 93310 TS có công suất 90CV vừa bị nạn nói trên. Tàu vừa đóng xong (năm 2005), anh Thế định sẽ chuyển từ nghề câu mực sang nghề lưới vây rút chì. Thế nhưng do không còn chỗ vay để sắm ngư lưới cụ nên đành bám nghề câu mực.

Khi ấy, giá nhiên liệu tăng vùn vụt, nghề câu mực thì liên tục thất thu. Khoản nợ vay lãi mẹ đẻ lãi con. Năm 2009, các chủ nậu ở Ninh Thuận ra đến nhà đòi nợ, anh Thế phải vay vàng bà con họ hàng trả nợ cho các chủ nậu để họ tiếp tục cung cấp tổn cho những chuyến biển. Thế nhưng nghề câu mực trong lộng cứ trượt dài trong thất thu, làm không đủ chi cho thuyền viên nên càng về sau, chẳng ngư dân nào muốn đi tàu của anh Thế nữa.

Do vậy, chuyến biển này, chỉ có 2 anh em Thế-Thơ và 2 ngư dân khác người cùng xã là Huỳnh Thanh Bình ở thôn Chánh Hóa và Lê Văn Nhãn ở thôn Chánh Hùng. “Tội cho thằng Thơ, em trai út của thằng Thế. Đang học lỡ cỡ lớp 9 thì nghỉ học theo anh đi biển. Đi suốt mấy năm nay không dành dụm được đồng nào, đến cả lấy vợ cũng không dám. Tết Nhâm Thìn vừa qua nó cũng không được ở nhà ăn Tết mà theo anh lênh đênh trên biển kiếm tiền. Trước khi đi chuyến này, thằng Thơ tâm sự vói tôi là sẽ đi theo anh trai 1 chuyến nữa, sau đó về nhà kiếm nghề khác làm ăn cho ổn định. Không ngờ thằng con út của tôi đi mà không có ngày về”, nói đến đây ông Thạnh lại bật khóc. Tôi mạo muội hỏi chuyện vợ anh Thế, chị Bùi Thị Thanh Tuyền: “Ngoài công việc đi biển của anh Thế, gia đình chị còn có nguồn thu nhập nào khác không?”. Chị Tuyền nói trong tiếng nấc nghẹn: “Từ nay 4 mẹ con tôi chỉ còn tài sản cuối cùng là 1 sào ruộng. Tài sản của vợ chồng là chiếc tàu khoảng 500 triệu đã chìm đáy biển. Cha bọn nhỏ mất rồi, tôi thực sự không biết làm gì để nuôi 3 đứa con ăn học và trả số nợ chồng chất”. 

Chị Nguyễn Thị Thiện, mẹ nạn nhân Huỳnh Thanh Bình đang ngất xỉu trong lúc chờ xác con

Rời nhà ông Thạnh, tôi đến nhà nạn nhân Huỳnh Thanh Bình (1992) ở thôn Chánh Hóa. Trong sân nhà chị Nguyễn Thị Thiệt (1969), mẹ của ngư dân Bình, hàng chục người bà con và hàng xóm ngồi bó gối nhìn về cuối con đường chờ chiếc xe chở xác cháu Bình về. Chị Thiệt tức tưởi: “Nhà tôi cũng có tàu, chồng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Kiên Giang. Thế nhưng chuyến biển vừa rồi, nghĩ cháu còn nhỏ, tôi không cho nó theo cha đi làm mà bảo ở nhà nghỉ ngơi để chuyến sau hãy đi. Nó ở nhà. Không ngờ nghe bạn bè rủ, sau đó nó lại theo tàu của anh Thế đi chuyến này. Ai ngờ từ nay tôi không bao giờ còn gặp mặt nó nữa”.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh-Chủ tịch UBND xã Cát Thành: “Trong tai nạn này, từ gia đình chủ tàu đến gia đình các thuyền viên ai cũng lâm cảnh rất đáng thương. Người thì chết trong khi còn nợ nần chồng chất, người thì chết trong khi là chỗ tựa duy nhất về kinh tế của gia đình. Trước mắt, địa phương đã hỗ trợ cho mỗi trường hợp 4,5 triệu đồng. Còn về sau này thì mong sao có nhiều tổ chức, cá nhân rộng lòng từ tâm giúp đỡ để những người còn lại trong gia đình của nạn nhân có điều kiện vượt qua khốn khó”.

Cả 1 sân người cùng ồ khóc. Bà nội và bà ngoại của nạn nhân Bình dù đã trên 80 tuổi nhưng suốt mấy ngày nay không màng đến chuyện ăn, ngủ, cả ngày đêm ngồi đợi tin cháu ở hiên nhà. “Xác con tôi vừa tìm thấy vào chiều 21/2, đợi làm thủ tục, chắc tối 22/2 là về đến nhà. Tủi thân cho chồng tôi, dù đã được gia đình thông báo tin dữ nhưng chồng tôi còn ngoài khơi xa, không về kịp để nhận xác con, tôi phải nhờ mấy cô cậu đi nhận xác cháu dùm”, chị Thiện nói thêm.

Trường hợp của nạn nhân Lê Văn Nhãn (22 tuổi) ở thôn Chánh Hùng còn bi kịch hơn. Gia đình Nhãn là hộ nghèo, Nhãn là lao động chủ lực trong nhà. Làm ruộng không đủ sống, Nhãn theo bạn bè đi biển để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Theo nghề đi biển chưa được bao lâu thì gặp ngay tai nạn này để lại cho gia đình nỗi đau không kể xiết.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất