| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt sau thảm họa Khe Ang

Thứ Ba 24/09/2013 , 09:29 (GMT+7)

Mới sáng sớm nhưng tại nhà ông Trần Văn Ngọ ở xóm 7 xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vẫn đông nghịt người đến chia sẻ nỗi thương đau.

Chúng tôi đến xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An ngay sau khi thi thể của các bà Nguyễn Thị Nhâm và Phan Thi Dương mới được cứu vớt và an táng sau vụ mất tích ở tràn Khe Ang. Cả làng quê thuần nông bao trùm không khí tang thương đầy nước mắt...


Anh Hải bên di ảnh vợ và con gái

Mới sáng sớm nhưng tại nhà ông Trần Văn Ngọ ở xóm 7 vẫn đông nghịt người đến chia sẻ nỗi thương đau. Ông Trần Đình Hợi - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh bảo: Ông Ngọ là anh trai tôi, hiện mấy ngày đã ngất lên ngất xuống liên tục vì cú sốc quá mạnh. Nói rồi ông Hợi rẽ đám đông dìu ông Ngọ đến cùng tiếp chuyện tôi. Vẻ mặt thất thần, ông Ngọ lau mắt rồi thủng thỉnh: Tôi với chú Thái là anh em kết nghĩa đã 20 năm rồi. Xuất phát từ mối tình chú Thái xin cho con Nga vào làm việc ở Hạt Giao thông huyện Quỳ Hợp. Cũng từ ngày ấy tới nay tôi và chú Thái coi như hai anh em một nhà. Trước hôm xảy ra vụ nước lũ cuốn trôi xe không lâu, chú Thái bảo em mới mua xe 7 chỗ ngồi, lúc nào anh thích đi du lịch ở đâu thì em chở cả hai gia đình cùng đi.

Thế rồi nhân ngày giỗ bố vợ ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình, ông Ngọ và vợ là bà Nguyễn Thị Nhâm đã điện thoại cho ông Thái. Đến chiều 19/9, ông Trương Văn Thái đánh chiếc xe Innova 7 chỗ ngồi mới coóng đến nhà ông Ngọ. Và như đã thống nhất trước đó, ông Thái sẽ chở vợ chồng ông bà Ngọ - Nhâm, cùng đi còn có chị Phan Thị Dương (SN 1969) là thông gia với nhà ông Ngọ. Theo lộ trình xe xuất phát từ Nghĩa Khánh rồi ngược lên xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp để đón chị Trần Thị Nga là con của bà Nhâm đi cùng 2 con nhỏ. Có ai ngờ đây là chuyến ra đi mãi mãi của mẹ con bà Nhâm, 2 cháu ngoại cùng bà thông gia.

Ông Ngọ nhớ lại khoảng 5 giờ chiều, trò chuyện một lúc thì tất cả lên xe, khi đi qua tràn sông Dinh và tràn sông Hiếu chỉ thấy nước chảy lắp xắp thôi, đến đầu tràn Khe Ang độ khoảng 6 giờ chiều, trời đất lúc này đổ mưa và ông Ngọ thấy có một rào chắn ngang qua hơn một nửa đường, lúc đó có một người chạy đến đưa tay vẫy lại, thế nhưng trong xe tiếng nhạc rất vui nhộn, trời lại mưa không mở cửa kính nên lái xe là ông Thái vẫn cứ cho xe xuống tràn. Thế rồi ma xui quỷ khiến thế nào mà khi xe đi sắp qua hết tràn rồi bỗng dưng dừng khựng lại. Lúc này nước dưới tràn cuồn cuộn chảy. Thấy xe chao đảo trùng triềng, mọi người trên xe ai cũng khóc gào hoảng loạn. Ông Thái bảo đạp bung cửa xe mà nhảy ra hết cả đi. Thế nhưng sau tiếng hô của ông Thái thì chiếc xe liền bị lật nhào lao xuống vực nước xoáy…

Cách nhà ông Ngọ chừng 500 m, chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Huy, chồng chị Phan Thị Dương. Anh Huy vò đầu đau khổ: Đáng lẽ nhà tôi cũng không muốn đi trong chuyến xe định mệnh này đâu, vì năm ngoái giỗ bố bà Nhâm, đích thân tôi cũng đã đi rồi, nhưng vì thương con rể, lại nể tình thông gia… Vậy mà trời ơi là trời, sao trời lại bắt bà ấy đi để một mình tôi gà trống nuôi 5 người con!

Ngược lên huyện Quỳ Hợp, chúng tôi đến nhà anh Võ Bá Thanh. Ngôi nhà 3 gian khang trang anh mới xây được 2 năm, phía trước mái che ở sân và hiên chật ních người thân và láng giềng cùng đến đây để chia sẻ nỗi đau thương. Sau khi xin phép thắp cho chị Nga và cháu gái nén hương, người ta dìu anh Thanh đến để cùng tiếp chuyện. Thanh úp hai bàn tay lên mặt: Kể làm chi nữa anh ơi, đau khổ thế này làm sao nói được.

Ngưng một lát để nuốt nỗi đau và nước mắt vào lòng, anh kể: Hôm xe ông Thái đến đón vợ và con tôi cùng đi, tôi đã bảo: Mưa thế này mà đi tắt theo tỉnh lộ chắc nước sông và tràn đã lên cao, nghe vậy ông Thái nói nước to thì quay lại chứ lo chi. Thế rồi xe đi được chừng 30 phút thì tôi nghe vợ tôi gọi vào điện thoại: Anh đi nhờ xe cứu hộ của Long - Phượng đến kéo xe này lên đi, vì xe chỉ còn khoảng 2 m nữa là qua được tràn, nhưng bây giờ đã bị xỉa xuống hố rồi. Sau tiếng nói của vợ, con trai tôi là Võ Bá Hải (7 tuổi, đang học lớp 2) cầm máy gọi khẩn: Bố ơi nhanh nhanh lên đi cứu nhà con.

Điện thoại tắt, anh Thanh phóng xe máy đến nhà Long - Phượng cách đó không xa. Nhà xe cứu hộ nghe Thanh bảo khẩn nên đã liền nổ máy đi ngay. Tuy nhiên khi đến tràn sông Dinh, vì thấy nước chảy khá mạnh nên nhà xe cứu hộ đã dừng lại để xuống kiểm tra. Lúc này Thanh gọi vào điện thoại của vợ thì không liên lạc được, tiếp tục Thanh gọi vào các máy của ông bà ngoại và chú Thái, nhưng tất cả bặt vô âm tín.

Hốt hoảng Thanh bảo nhà xe cứu hộ quay lại về nhà rồi lấy xe máy phóng đi. Khi đi qua sào chắn tràn Khe Ang, Thanh không thấy ai cả nên quay nhanh xe lại hỏi người gác sào. Người gác sào bảo chiếc xe trắng bị lũ cuốn trôi rồi, chỉ có hai người đàn ông thoát nạn. Cùng lúc người và xe cộ đã đổ dồn về tràn Khe Ang. Kể đến đây Thanh nấc nghẹn kêu gào không ra tiếng. Vợ tôi hiền lắm anh ơi, hai con Linh và Hải của nhà em học giỏi lắm. Vậy mà Nga ơi, các con ơi, khổ đau bố lắm, trời ơi hỡi trời!...

Trưa 23/9 tôi đến trụ sở Công an huyện Nghĩa Đàn. Đại tá Phan Tuấn Phượng, Trưởng CA huyện đích thân đưa tôi xuống nhà tạm giam để gặp ông Trương Văn Thái. Ông Thái đang làm lăn tay và chụp ảnh căn cước theo thủ tục. Sắc thần ông Thái nhợt nhạt nói trong đau khổ: Tôi đang là cán bộ thanh tra thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, chỉ còn một năm nữa là nghỉ hưu, vậy mà cuối đời công tác lại gặp phải chuyện quá khổ đau này.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.