| Hotline: 0983.970.780

Nước ngọt cạn dần, mặn bao quanh U Minh Hạ

Thứ Năm 25/02/2016 , 09:10 (GMT+7)

Vùng ngọt hóa Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, bao quanh rừng U Minh Hạ đang bị nước mặn tấn công, khiến rừng vừa thiếu nước ngọt để sinh trưởng và đối diện nguy cơ cháy rất cao.

Khát và mặn

Giữa cái nắng cháy da, cháy tóc vào điểm giao mùa khô, ông Lê Văn Diễn, ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (Thới Bình) sang nhà ông Trần Văn Năm, bàn chuyện đổi nước. Thấy chúng tôi tháp tùng với vài cán bộ UBND xã Biển Bạch đến, ông Trần Văn Năm cầu xin: “Mấy ông làm ơn cho cấp trên kéo nước sạch, lẹ lẹ, thiếu nước ngọt chịu hết nổi rồi!”.

Người dân ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, cho biết, nhiều gia đình thuê thợ khoan giếng nước ngầm nhưng không có nước xài được. Ông Lê Văn Kịp phụ họa: “Nghe kêu khoan giếng nước ngọt, thợ khoan chạy tét, không dám ngó tới. Nhiều dàn thợ hì hục suốt tháng trời, ăn cơm trừ, không dám lấy tiền vì không có nước ngọt”.

Nữ Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đoàn Xuân Nguyện nói: “Nước sạch cho xã Biển Bạch nói chung là nan giải. Đặc biệt, ở ấp Thanh Tùng… không khoan được nước sạch. Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên đầu tư trạm nước sạch tại trung tâm xã để kéo về cho bà con nhưng chưa được”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, GĐ Trung tâm nước sạch - vệ sinh môi trường Cà Mau nói: “Cứ tới mùa khô là sốt ruột, ở xã Biển Bạch không có nước ngầm để khai thác. Chúng tôi đang làm thủ tục đầu tư 31 tỷ đồng để xây dựng trạm nước ngọt tại xã Tân Bằng, rồi kéo 75 km đường ống cho bà con xã Biển Bạch nhưng thủ tục quá chậm”.

Chúng tôi đi qua những ruộng lúa trên đất nuôi tôm ở xã Biển Bạch, Tân Bằng (Thới Bình), xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng (Trần Văn Thời), xã Khánh Hội, Khánh Tiến… (U Minh) và Tân Lộc, Tân Lộc Bắt… (Thới Bình) cũng bị thiếu nước và xâm nhập mặn.

Bà Đoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch nói: “Bà con trong xã trồng khoảng 200 ha, mưa ít, nắng nhiều, lúa chết. Chúng tôi vận động bà con cố gắng giữ nhưng không biết mùa sao còn bao nhiêu?”.

Nằm giáp đê Biển Tây, xã Khánh Hải (Trần Văn Thời), ông Lê Văn Thương thở ngắn, thở dài, nói: “Năm nay, mưa ngừng, nước cạn, năng suất lúa đông xuân của bà con ở đây giảm 2/3 bình thường”. Ông Thương cũng như hàng trăm gia đình nông dân ở Khánh Hải ra đồng gặt lúa từ ngày mùng 2 Tết.

Vòng qua các vùng quê thuộc vùng ngọt hóa xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng (Trần Văn Thời), xã Khánh Hội, Khánh Tiến,… (U Minh) và Tân Lộc, Tân Lộc Bắt… (Thới Bình) cũng bị thiếu nước và xâm nhập mn.

Sở NN - PTNT Cà Mau kiến nghị chuyển đổi 34.713 ha đất lúa, mía tại huyện Thới Bình, 8.798 ha đất trồng lúa tại huyện U Minh và 18.8 ha đất trồng lúa tại thành phố Cà Mau sang sản xuất lúa- tôm. Ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nói thêm: “Chúng tôi đã kiến nghị điều chỉnh lại Qui hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016- 2020 mang tính khoa học, khả thi, phù hợp với lợi thế và tình hình thực tế của từng địa phương”.

Khi mặt ruộng không còn nước, bà con cũng không tài nào bơm nước dưới sông rạch lên cứu lúa vì nước mặn. Bà Nguyễn Thị Thanh (Tư Thanh), ở xã Khánh Tiến (U Minh) ngắt những bông lúa trổ sớm, khô khốc, nói “Lúa vừa trổ đòng đòng, nước đã cạn, hạt lép sẹp, không thể có năng suất”.

Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, vùng sản xuất lúa 2 vụ của huyện sử dụng hoàn toàn vào nước trời, thời tiết khắc nghiệt, bà con đành chịu trận.

Ngọt cạn, mặn bao vây

Rừng tràm U Minh hạ nằm trong vùng ngọt hóa huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình (Cà Mau) bị khô hạt khốc liệt. Lượng mưa không nhiều, hết sớm nên mực nước trong rừng thấp hơn cùng kỳ hàng năm đến 0,6 m.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, GĐ Vườn quốc gia U Minh hạ cho biết: “Nguy cơ cháy rừng rất cao nên anh em thay phiên canh trực suốt những ngày tết. Chúng tôi đã xây dựng phương án, huy động lực lượng phòng chống cháy rừng dự báo rất phức tạp”.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Cà Mau nói: “Chúng tôi đã đắp đập để giữ nước sớm, vừa khảo sát khô hạn và tăng cường lực lượng, phương tiện để phòng chống cháy rừng. Đất rừng U Minh Hạ 39.484 ha và đất rừng trên đảo 533 ha.

17-51-17_2302163
Kinh mương xung quanh rừng U Minh Hạ đều đã nhiễm mặn

Chúng tôi đặc biệt quan tâm phòng chống cháy rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo đang bị khô hạn gây gắt, với 40.017 ha nguy cơ cháy rất cao. Một phần do xâm nhập mặn vào mùa khô, một phần do bà con “xé rào” đưa nước mặn vào vùng đệm nuôi tôm. Không chỉ vậy, nhiều bà con cho rằng “xé rào hiệu quả”.

Xe hai bánh rong ruổi vùng quê với cầu xi - măng, đường quê mới xây dựng và cả đường mòn đất đen. Xóm nhà lá lưa thưa, rải rác trước mắt là ấp 18, xã Nguyễn Phích (U Minh) gắn liền với mảnh đất gốc tràm mục, nước vàng cháy.

Ông Năm Đảm, ở ấp 18, bắt chuyện: “Mấy năm trước, rừng ngập mặn miệt Năm Căn có mô hình “con tôm ôm cây đước”. Còn xứ ngày, tự phát mô hình “con tôm ôm gốc tràm” cũng kha khá.

Phần đất rừng tràm của ông Năm Đảm bốn bề lộng gió. Những cây tràm lưa thưa, èo uột không chịu được nước mặn. Ai cũng hiểu, đưa nước mặn vào rừng tràm sẽ không xanh nổi nhưng cưỡng lại cái đói nghèo càng khó hơn. Ông Năm Đảm nói: “Tôm sú nhà tôi cỡ 40 con/kg. Nếu được bơm nước mặn vào thoải mái chắc lớn nhanh lắm!”

Trên sông Cái Tàu nối liền với sông Trẹm không thiếu nước mặn, thậm chí còn thừa độ mặn. Đây là một trong những vùng đệm rừng tràm U Minh hạ, giữ ngọt.

Ông Năm Đảm là bộ đội xuất ngũ, quê ở xã Khánh Bình Đông (Trần Văn Thời) đến nhận khoán 5 ha đất rừng, qui hoạch 30% trồng lúa, 70% trồng rừng. Bởi vậy, ông Năm Đảm lén đưa nước mặn vào nuôi tôm cho đỡ nghèo. “Đây là vùng đất trũng, cây tràm không lớn nhanh, lén bơm nước mặn vào nuôi tôm bị cán bộ xã hâm lấy máy hoài”.

Để vợ con khỏi đói, ông Năm Đảm đi làm thuê quanh vùng, mót gốc tràm hầm than, bán để mua gạo ăn. Tuy gia đình ông Năm Đảm bớt phần túng thiếu nhưng vẫn thuộc diện nghèo có thâm niên ấp 18, xã Nguyễn Phích. Nghèo quá, không vốn liếng, đành nhường thành quả lao động cho người hàng xóm một héc - ta. Vợ chồng ông Năm Đảm có 8 người con, đã lớn hết. “Ngoài thằng út cưng học đang học lớp 8, còn anh chị nói học vài lớp rồi nghỉ, lo miếng ăn” - ông Năm Đảm bộc bạch.

Tìm đến nhà ông Năm Nha, Trưởng ấp 18, xã Nguyễn Phích cũng nghe chuyện khó, khổ, đói nên chuyện “ăn cắp” nước mặn nuôi tôm của bà con được lờ đi. Ông Năm Nha cho biết: “Trong 250 hộ dân, có 64 hộ nhận khoán đất rừng (từ 4-8 ha/hộ). Chúng tôi rà soát hộ nghèo năm 2015 là 30 hộ, tăng lên 58 hộ, phần lớn bà con nhận khoán đất rừng”.

Chuyện đưa nước mặn vào rừng tràm nuôi tôm ở Trần Văn Thời, U Minh, rồi đốt bỏ mía để nuôi tôm ở Thới Bình không mới. Nhưng là chuyện bách của người dân bám đất. Cuối năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thành lập tổ liên ngành 249 để khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng bà con chuyển dịch tự phát đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở huyện U Minh, Thới Bình và thành phố Cà Mau.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình nói: “Bà con sống trong vùng ngọt hóa nôn nóng chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang luân canh lúa - tôm. Thực ra, bà con đã tự chuyển đổi từ ngọt sang lợ nhỏ lẻ, da beo. Nếu được thay đổi qui hoạch theo hướng lúa- tôm sẽ được đồng thuận, không phải vận động, xử phạt bà con ham làm giàu”.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất