| Hotline: 0983.970.780

Nước rút hành trình chinh phục “vàng trắng” Tây Bắc

Thứ Ba 04/06/2013 , 07:58 (GMT+7)

Vượt qua muôn vàn khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của rét đậm, rét hai trong những năm đầu cây cao su đặt chân lên Tây Bắc, đến nay, hành trình chinh phục giấc mơ “vàng trắng” đang bước vào giai đoạn nước rút.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của rét đậm, rét hai trong những năm đầu cây cao su đặt chân lên Tây Bắc, đến nay, hành trình chinh phục giấc mơ “vàng trắng” đang bước vào giai đoạn nước rút. Những thành công đầu tiên đã hé mở, song khó khăn ngổn ngang hãy còn đó.

Xua tan dần những hoài nghi

Đến đội cao su Ít Ong (huyện Mường La) nằm ngay dưới chân công trình Thủy điện Sơn La bây giờ, vùng cao su có diện tích hơn 450 ha đang thời kỳ che tán đã phủ xanh bạt ngàn những ngọn đồi trọc. Trong đó, vườn cao su cụ trồng năm 2007 có diện tích gần 60 ha đến nay đã có độ dài vanh thân trung bình đạt gần 50 cm – vượt tiêu chuẩn so với Quy chuẩn cao su Tây bắc của Tập đoàn CN Cao su VN (VGR) đề ra. Dự kiến, các diện tích cao su này sẽ bắt đầu thu hoạch vào năm 2014. Qua khai thác thử cho thấy, năng suất mủ cao su bình quân tại đây đạt ở mức khá cao, khoảng 1,6 – 1,7 tấn/ha/năm.

Theo báo cáo của BCĐ phát triển cao su tỉnh Sơn La, trong tổng số gần 6.700 ha cao su đã trồng, đến nay đều sinh trưởng phát triển đạt tiêu chuẩn đề ra, sâu bệnh được kiểm soát, các diện tích bị ảnh hưởng do rét đậm rét hại năm 2010 đến nay một phần đã được khôi phục, một phần được trồng dặm đạt một độ.

Cty CP Cao su Sơn La cho biết, hiện tại VGR và UBND tỉnh Sơn La cũng đang tiến hành khảo sát chuẩn bị xây dựng NM để phục vụ chế biến mủ khi cao su bước vào kỳ thu hoạch, dự kiến NM sẽ được xây dựng và hoàn thành trong năm 2014.

Ở Điện Biên, những quả đồi cao su 4 – 5 năm tuổi hiện cũng đã phủ xanh ngút ngàn. Ở đội cao su Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hơn 500 ha cao su trồng năm 2008 tại đây hiện đã có độ dài vanh thân đạt từ 45 cm đến 50 cm – vượt xa so với quy chuẩn cao su Tây Bắc. Dự kiến, các diện tích này có thể bắt đầu khai thác mủ từ năm 2014 – rút ngắn một năm so với tiêu chuẩn của thời kỳ thiết kế cơ bản (7 năm). Đặc biệt, dù được trồng ở những độ cao trên 700m, với các giống chịu lạnh kém nhất như PB260, tuy nhiên cao su tại đây đều “bình an vô sự” sau những đợt rét đậm rét hại năm 2010, 2011. 


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kiểm tra cao su tại Điện Biên

Theo UBND tỉnh Điện Biên, trong tổng số hơn 3.400ha cao su đã được trồng từ năm 2008 đến nay, nhìn chung đều phát triển đạt và vượt so với tiêu chuẩn kỹ thuật do VRG ban hành. Dự kiến, sẽ có 3 NM chế biến mủ cao su được xây dựng tại huyện Mường Chà, Mường Nhé và Tuần Giáo, trong đó năm 2014 sẽ khởi động xây dựng một NM có công suất 4.000 tấn/năm tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) để phục vụ chế biến cho vùng nguyên liệu Mường Chà – Điện Biên. Thông tin từ VRG cho biết, sắp tới Điện Biên cũng sẽ thành lập thêm một Cty cao su để phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Mường Nhé...

Độ dốc lớn, đất đai xấu, thời tiết không thuận lợi (nhất là rét), tuy nhiên Tây Bắc không phải là không có lợi thế để phát triển cao su ở các tiểu vùng khí hậu đặc thù. Điều này đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT tổng kết đánh giá. Nếu có bước đi thận trọng, thắng lợi của chương trình cao su Tây Bắc là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Được biết, hiện Sơn La đã quy hoạch diện tích cao su đến năm 2020 là 30 nghìn ha; Lai Châu khoảng trên 65 nghìn ha và Điện Biên khoảng 20 nghìn ha. Một số địa phương Tây Bắc còn cho rằng, với những đặc thù thuận lợi, Chính phủ nên điều chỉnh, nâng quy hoạch diện tích cao su Tây Bắc lên 100 nghìn ha vào năm 2020, thay vì quy hoạch 50 nghìn ha tới năm 2020 như đã phê duyệt.

Tại Lai Châu, khả năng đưa tỉnh này trở thành “thủ phủ vàng trắng” Tây Bắc đang dần hiển hiện. Không chỉ cao su Lai Châu phát triển “thuận buồm xuôi mái” nhất trong các tỉnh Tây Bắc, tỉnh này còn có lợi thế giáp các cửa khẩu với tỉnh Vân Nam, vốn là vựa cao su rất lâu đời và giàu kinh nghiệm của Trung Quốc. Khi các NM đi vào hoạt động, việc XK cao su từ Lai Châu sang Trung Quốc cũng sẽ thuận lợi rất nhiều. Hiện tại, Cty Cao su Lai Châu đang xúc tiến xây dựng NM chế biến, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Tỉnh này cũng đang xúc tiến thành lập thêm một Cty cao su – nâng tổng số Cty cao su của tỉnh này lên con số 4 và là tỉnh có số cty cao su nhiều nhất Tây Bắc.  

 

 

Chưa thể đắc thắng

 

Các đợt rét đậm, rét hại trong năm 2010, 2011 mặc dù đã sàng lọc được các giống cao su chịu lạnh và chịu độ cao như Vân nghiên 77-4, Vân Nghiên 77-2,IAN 873... Tuy nhiên, hiện các tỉnh Tây Bắc vẫn còn mối lo về diện tích khá lớn đối với các giống cao su chịu lạnh kém như PB 260, GT 1, RRIC 121... Theo cảnh báo của Cục Trồng trọt, mặc dù các giống cao su chịu lạnh kém hiện đã khôi phục hoặc trồng dặm sinh trưởng khá tốt so với tiêu chuẩn của VGR. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn là đã yên tâm “chắc thắng”, bởi không ai có thể lường trước được tần suất những đợt rét hại như năm 2010 có thể xẩy ra như thế nào trong nay mai. Vì vậy, việc mở rộng diện tích cao su ở các tỉnh Tây Bắc cần phải hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ. Phương châm chính là nơi nào dễ và chắc ăn thì làm trước, nơi nào khó và rủi ro thì làm sau.

Về vấn đề mở rộng diện tích cao su, nhiều diện tích cao su Tây Bắc mặc dù trồng ở độ cao trên 600m hiện nay vẫn sinh trưởng phát triển rất tốt. Vì vậy, nhiều ý kiến các tỉnh Tây Bắc hiện nay cho rằng, việc nghiên cứu mở rộng diện tích cao su ở Tây Bắc lâu nay chủ yếu chỉ chủ yếu chú trọng vào nghiên cứu đất đai mà ít chú trọng đến yếu tố khí hậu. Vì vậy trong thời gian tới, các cơ quan khoa học cần tiếp tục nghiên cứu kỹ về khả năng mở rộng diện tích cao su đối với độ cao trên 600m để kịp thời điều chỉnh quy hoạch...

Trong khi đó, Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) hiện nay cho rằng, các tỉnh Tây Bắc cần cân nhắc điều chỉnh hợp lí quy hoạch, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Bản thân Chính phủ cũng đã nhiều lần khẳng định không đặt vấn đề điều chỉnh quy hoạch đối với cao su Tây Bắc. Theo Viện này, sớm nhất phải sau năm 2015, khi cao su đã cho khai thác mủ và khẳng định được hiệu quả, các tỉnh mới nên điều chỉnh quy hoạch, chứ không nên nóng vội đẩy diện tích cao su tăng quá nhanh...

Lao động là vấn đề cấp bách

Cùng với những vướng mắc về quy hoạch và chính sách góp đất, vấn đề đào tạo và chính sách cho lao động trồng cao su ở Tây Bắc đang trở nên cấp thiết, khi mà cao su sắp sửa khai thác mủ.

Tại Lai Châu – địa phương có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất và hiện đã cho thu hoạch, vấn đề đào tạo cho lao động làm cao su đang trở nên cấp thiết. Trong các cuộc làm việc gần đây với các cơ quan quản lí nhà nước ở TƯ,  lãnh đạo tỉnh Lai Châu lo ngại cho biết: Năng suất cao su tiểu điền đang thu hoạch hiện còn khá thấp, chỉ đạt 1,3 – 1,5 tấn/ha. Điều lo ngại là nhiều diện tích cao su chưa đạt độ tuổi, người dân vẫn khai thác. Cùng với đó, do chưa được tiếp cận và đào tạo bài bản về kỹ thuật khai thác nên cao su rất dễ có nguy cơ sinh bệnh, giảm tuổi đời khai thác.


Có bước đi thận trọng, cao su hoàn toàn đứng vững được ở Tây Bắc

Theo ông Nguyễn Văn Đức, trưởng phòng Cây Công nghiệp (Cục Trồng trọt), yêu cầu đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ lao động, đặc biệt là lao động địa phương đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang hết sức cấp bách. Ông Đức kiến nghị trong trời gian tới, Tập đoàn CN Cao su VN cùng các địa phương cần phải gấp rút triển khai công tác này.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Khắc Vũ – Phó TGĐ Cty CP Cao su Lai Châu cho biết, trong khi các vùng trồng cao su tại Điện Biên và Sơn La rất dồi dào – thậm chí thừa lao động thì ở Lai Châu, nhu cầu lao động phục vụ trồng cao su đang thiếu khá nghiêm trọng, đặc biệt đáng lo ngại khi từ năm 2014, cao su sẽ bước vào khai thác. Cùng với đó, việc thực hiện Quyết định số 42/2012/QĐ-TTG ngày 08/10/2012 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay còn rất nhiều vướng mắc do hướng dẫn thi hành còn rất chậm.

Liên quan tới vấn đề chính sách cho lao động trồng cao su, ông Phạm Đức Hiển – GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên cho rằng, đối với lao động ở các đội cao su tại vùng sâu, vùng xa (ví du như Mường Nhé, Điện Biên, cách trung tâm tỉnh tới 200km), chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ khác cần phải tăng gấp đôi so với vùng trung tâm. Nếu không, lao động (đặc biệt là cán bộ kỹ sư giỏi) sẽ khó mà bám trụ lại.  “Vấn đề hỗ trợ này, cần phải xác định rõ do phía các Cty cao su chi trả, hay do Chính phủ hỗ trợ?” – ông Hiển nói.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất