| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch về đất lúa

Thứ Sáu 02/12/2011 , 12:27 (GMT+7)

Giờ nước sạch đã và đang “chảy” về vùng đất lúa Vinh Thái, Vinh Hà (huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế) để “giải” cơn khát ngàn đời...

Xưa cây lúa lớn lên ven vùng đầm phá nhiễm mặn cũng lắm nỗi truân chuyên như người nông dân thiếu nước. Giờ nước sạch đã và đang “chảy” về vùng đất lúa Vinh Thái, Vinh Hà (huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế) để “giải” cơn khát ngàn đời cho bà con nông dân nơi biền bãi.

Về đầu thôn Diêm Thụ (xã Vinh Thái) gặp lão nông Trần Độ đang tất bật rửa nông cụ sau một ngày đồng áng. Chỉ vào đôi quang gánh gắn với đôi vai mình một thời, ông bảo: “Giờ cái ni cất rồi không dùng tới nữa. Mấy đời bà con nông dân ở đây buổi lên đồng, buổi thay nhau vô xóm trong gánh nước. Giếng đào mấy cái đều nhiễm phèn cả, vừa uống vừa sợ bị bệnh. Từ ngày đường ống mắc nước về đến nay, bà con vui lắm, bảo có điện, có nước rồi thua chi trên thành phố nữa”.

Mải mê trò chuyện, ông Độ pha bát nước chè xanh ngắt, đon đả mời khách. Ông kể rằng trước đây không phải bà con đất lúa Vinh Thái, Vinh Hà không hiếu khách, mà “ngại” vì khách đến nhà không kiếm đâu ra bát nước chè cho “xứng” mà mời. Dọc con phá này, không tìm đâu ra được mạch nước ngọt mà uống. Bà con phải xây bể lắng lọc “uống tạm” đời này sang đời khác. Một số bà con khác, qua vùng đất Hương Thủy mua nước máy của những gia đình bên đó, nhưng chỉ là nước uống thôi, còn nước sinh hoạt phải dùng nước phèn.

Ông Nguyễn Hữu Văn, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Thái cho hay, toàn xã có 1.448 hộ dân, do đây là vùng độc canh cây lúa, đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con vốn đã khó khăn, việc thiếu sạch trong ăn uống, sinh hoạt đã trở thành vấn đề nan giải của địa phương. Hệ thống nước hợp vệ sinh do các tổ chức tài trợ ở Vinh Thái đã hư hỏng qua nhiều năm sử dụng. Việc đầu tư xây dựng giếng và bể lọc vừa tốn kém mà người dân ở đây cũng phải sử dụng nước nhiễm phèn do hệ thống lọc thủ công, cũ kỹ.

Đặc biệt, “điểm khát” của xã Vinh Thái là các thôn Hà Trữ B, Kênh Tắc với khoảng 150 hộ dân. Đây là những địa bàn nằm cách xa trung tâm, biệt lập bên dòng sông Thiệu Hóa quanh năm nhiễm chua phèn. Xã đang tính phương án khi có kinh phí sẽ đưa đường ống mắc theo cầu đưa nước sạch về cho bà con. Riêng từ đầu năm đến nay, đường ống chính cấp nước của Cty TNHH Nhà nước MTV Xây dựng và Cấp nước TT- Huế đã mắc nối về hai thôn “đầu mối” Diêm Thụ và Mong An của xã. Chỉ trong thời gian nữa hệ thống nước sạch này sẽ “chảy” về tận từng hộ gia đình. Hai thôn Diêm Thụ và Mong An có 181 hộ dân, từ những ngày đầu mới triển khai đường ống chính, bà con đã nô nức chờ đợi.

Trong đề án quy hoạch xây dựng NTM của xã, riêng khoản đầu tư hệ thống nước sạch cho bà con luôn được chính quyền quan tâm. Ông Phạm Đình Hưng (thôn Mong An) phấn khởi: “Trước đây ai nghĩ vùng đất lúa nằm cuối huyện vốn là “vùng sâu vùng xa” này mà có được nước máy. Từ khi nghe xã thông báo có nước sạch mắc về, bà con hai thôn Mong An, Diêm Thụ ai cũng khấp khởi mừng. Mấy cụ già thì cứ chạy lên xã hỏi miết, cán bộ phải giải thích nhiều lần. Khi có đường ống chính về, tui đi nộp 400 nghìn đồng là có nước chảy vô tới vòi. Từ ngày có nước máy về đến nay, lũ nhỏ uống nước không còn đau bụng, tắm giặt không ngứa ngáy. Giờ chỉ yên tâm mà mần ăn thôi".

Từ những người mắc nước đầu tiên như gia đình ông Hưng, bà con nông dân các thôn lân cận cũng đầu tư hệ thống nước trong gia đình, nộp tiền để mắc nước về nhà sử dụng. Hòa trong niềm phấn khởi của bà con vùng đất lúa, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Văn cho hay: “Nước sinh hoạt của bà con lâu nay là vấn đề nan giải của địa phương nay đã từng bước được giải quyết. Nước sạch về thỏa niềm ước mong ngàn đời của bà con vùng đất lúa. Đây là bước tiền đề tạo điều kiện cho việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã nhà".

Tại xã Vinh Hà, bà con nông dân cũng đang khấp khởi đợi dòng nước máy từng ngày. Ông Đặng Ngọc Thụ, Phó chủ tịch UBND xã, thông tin: “Toàn xã có 2.352 hộ dân, trong đó có đến gần 50% số hộ phải thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, phải sử dụng hệ thống lắng lọc thủ công. Việc sử dụng nước nhiễm phèn trong một thời gian dài đã tạo ra các nguy cơ nhiễm bệnh về ngoài da và đường ruột. Hiện, hệ thống đường ống chính của nhà máy nước đã mắc nối về vùng giáp ranh của xã. Dự kiến trong năm tới các thôn với vùng dân cư tập trung sẽ có nước sạch dùng. Nguyện vọng của người dân cũng như trong đề án xây dựng NTM của xã, vấn đề nước sạch của bà con luôn được quan tâm, đặt lên hàng đầu".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm