| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch về với bà con đồng bào BahNar

Thứ Năm 27/05/2021 , 16:16 (GMT+7)

Tuy là xã vùng 3 của huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), nhưng người dân xã Lơ Pang đã được tiếp cận với nước sạch từ gần 20 năm nay.

Niềm vui khi nước sạch về làng. 

Niềm vui khi nước sạch về làng. 

Xã Lơ Pang gồm 7 thôn, làng có 1.158 hộ, với 5.527 nhân khẩu, trong đó người dân tộc BahNar chiếm đến trên 95%. Đây là một trong số ít xã được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch sớm nhất tỉnh Gia Lai.

Đinh Kai (người dân tộc BahNar), Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, cho biết: Trước đây, người BahNar ở đây cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên chỉ quen dùng nước giọt theo kiểu truyền thống. Nước giọt mà đồng bào dùng thường được dẫn từ những con suối, hoặc một nguồn nước nào đó “vô tình” chui ra từ trong lòng đất, trong một hốc đá bất kỳ. Dân làng đắp một con “đê” khoảng 2- 3 mét, tạo thành một cái ao chứa nước rộng khoảng 10 hoặc 20 hoặc 30 m2. Nước trong ao được “lọc” bởi những đám cỏ quanh bờ ao, bởi những đám rong rêu trên mặt nước nên dù nắng nóng đến mấy, nước ở những cái ao này vẫn cứ mát lạnh. Từ trên thân “đê”, những ống tre đã được thông đốt, đưa nước từ trong ao chảy xuống dưới. Người Tây Nguyên từ ngàn đời nay vẫn quen dùng nước giọt như vậy.

Tuy nhiên từ khi trồng cây cà phê thì nguồn nước bị ô nhiễm bởi phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, do biến đổi khí hậu nên nguồn nước ngày càng ít đi, sông suối ao hồ về mùa khô cạn trơ đáy, vì vậy nước giọt cũng không đủ để dùng.

“Mình không còn nhớ rõ năm nào, chỉ nhớ là cách đây khoảng gần hai mươi năm, Nhà nước đã đầu tư các công trình nước tự chảy cho người dân trong xã sử dụng”, anh Đinh Kai nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Đinh Kai thì từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung tâm Nước Sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Gia Lai đã khảo sát, nghiên cứu và thi công hệ thống nước tự chảy, dẫn nước sạch từ các sườn núi cao về đến tận từng thôn làng trong xã. Cứ khoảng 20- 25 hộ thì lắp đặt một hệ thống (vòi nước) cho bà con sử dụng.

Một nước giọt đã bị cạn kiệt, ô nhiễm ở làng H'lim. 

Một nước giọt đã bị cạn kiệt, ô nhiễm ở làng H'lim. 

Đinh Pưh, trưởng thôn Đe Roh (xã Lơ Pang), cho biết: Làng Đe Roh có 125 hộ với 561 nhân khẩu, toàn bộ là người dân tộc BahNar. Chỉ tay về đỉnh núi Sdrên mờ sương phía xa, Đinh Pưh nói: “Dân làng mình "ăn nước" từ trên sườn núi ấy đấy, nước trong và mát lắm. Cả làng có năm vòi nước sạch, từ khi được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch, dân làng dùng thoải mái mà vẫn không hết nước”.

Còn cụ bà người BahNar Đinh Thoai thì cho biết: “Hồi trước đi rẫy về, ghé giọt nước tắm rửa, trò chuyện, rồi lấy nước cho vào trái bầu cõng về nhà nấu cơm, vui lắm. Nhưng rồi nguồn nước cạn dần, lại bị ô nhiễm do thuốc bón cho cây cà phê, do thả rông gia súc nên bà con không dám dùng nữa. May mà Nhà nước đầu tư cho cái vòi nước sạch này. Giờ không phải đi xa, chỉ cần ra vòi nước, mở vòi là có nước dùng thoải mái rồi”.

Cũng theo Đinh Kai thì “Cái gì rồi cũng phải hư hỏng. Hơn nữa, do ý thức của một bộ phận bà con chưa cao trong việc sử dụng, bảo về vòi nước, do vậy một số vòi đã bị gãy trụ, đứt đường dẫn hoặc hỏng van… Năm 2013, tổ chức Jica (Nhật Bản) đã cho tiền sửa chữa một số vòi nước bị hỏng ở các làng trong xã. Cụ thể, làng H’Lim được hỗ trợ 900 triệu đồng, làng Đê Chớp được hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để sửa chữa những vòi bị hỏng. Từ đó đến nay, những vòi này đều dùng rất tốt”.

Tuy nhiên, hiện xã vẫn còn một làng đang thiếu nước sinh soạt, đó là làng Đăk Lah- Tơ Rah (vốn là hai làng được nhập lại theo chủ trương của Hội đồng nhân dân tỉnh). Đây là làng có công trình nước sạch đầu tiên của xã Lơ Pang, nhưng do ở xa nguồn nước, trong khi nguồn nước ngày càng khó khăn nên hiện các vòi nước trong làng này không đủ phục vụ nhu cầu của bà con. Hiện những lúc thiếu nước vào mùa khô, bà con phải dùng nước giọt hoặc nước giếng đào, thiếu nước mà lại không đảm bảo vệ sinh.

“Mong Nhà nước sớm hỗ trợ để người dân làng Đăk Lah- Tơ Rah sớm có nước sạch để dùng”, Phó Chủ tịch Đinh Kai đề xuất.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm