| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò gia trại: Nhàn mà chắc ăn!

Thứ Tư 18/01/2017 , 14:10 (GMT+7)

Một con bò giống giá 10 triệu đồng, nuôi vỗ béo 1 năm, bán được 35 triệu đồng. Nuôi bò nhàn hơn nuôi gà, lợn…, ít phải lo dịch bệnh, trong khi giá bán cao, nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

Mặc dù ở vùng đồng bằng đất chật người đông, nhưng nhiều hộ gia đình ở Hải Phòng đã thức thời, tận dụng những khu đất bãi trống, ruộng bỏ hoang, đất ruộng trũng năng suất lúa thấp… để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ gà, vịt, lợn… sang nuôi bò.

dsc-1582141509823
Gia đình ông Dân đã vươn lên khá giả nhờ nuôi bò.
 

Ông Lê Quang Phái - cựu chiến binh phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An có tiếng “mát tay” nuôi cả đàn bò thịt và bò sinh sản. Từ khi nghỉ hưu, cách đây hơn 10 năm, ông Phái đã tận dụng khu vực bãi cỏ và ven đồi gần núi Thiên Văn để nuôi bò quy mô lớn. Từ những con bò giống đầu tiên, đàn bò ngày càng sinh sôi nảy nở.

Hiện ông Phái duy trì đàn bò 60 con, bình quân hằng năm, đàn bò cái sinh sản được 10 - 15 bê con, giá bán 10 - 15 triệu đồng/con. Nếu để lại nuôi bò thịt, sau khoảng 1,5 - 2 năm, ông mới bán. Mỗi năm ông Phái thu hàng trăm triệu đồng từ bán bò, trong khi chi phí hầu như không đáng kể.

Theo ông Phái, nuôi bò không những không tốn kém mà còn rất nhàn. Ban ngày, đàn bò được thả vào bãi tự do ăn cỏ. Tối đến, ông cho chúng ăn thêm cây ngô và ngọn mía. Cây ngô thì ông tự trồng ở các chỗ đất trống tận dụng được ở khu vực bãi, ngọn mía thì thu mua từ các quầy bán nước mía.

Bò là loài dễ nuôi, có sức đề kháng tốt nhưng vẫn rất cần chú ý theo dõi, phòng bệnh. Chủ đàn bò cho biết, chúng thường mắc một số bệnh như tụ huyết trùng, tiêu chảy… Nếu con nào ốm, bệnh cần cách ly để chăm sóc, tránh lây bệnh cho cả đàn. Ông luôn phòng bệnh tốt cho bò bằng cách tiêm phòng đầy đủ, giữ vệ sinh chuồng trại. Ông còn chịu khó học hỏi kỹ thuật nuôi bò từ sách báo, các cán bộ khuyến nông… Hơn chục năm nuôi bò, ông luôn duy trì được đàn bò khỏe mạnh, chưa bao giờ bị dịch bệnh gây thiệt hại.

Nhiều hộ nuôi bò khác không có lợi thế ở gần khu vực ven đồi rừng đất rộng, cỏ nhiều như ông Phái thì thường phải thuê đất, xây dựng trang trại nuôi bò nhốt chuồng.

Cũng nuôi bò thịt và bò sinh sản như ông Phái, bà Phạm Thị Thủy ở thôn 10 (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) có chung nhận xét là con bò thích nghi được với mọi môi trường sống, không đòi hỏi nhiều thức ăn, chất thải của bò thải ra không gây ô nhiễm như gà, lợn...

Trước đây, nhận thấy bò dễ nuôi, dễ bán, giá cao, bà Thủy đã thuê lại hơn 5 mẫu đất của một doanh nghiệp, bắt đầu xây dựng trang trại nuôi bò. Chuồng trại có đầy đủ hệ thống chống nóng cho bò, máy thái cỏ… Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, bà Thủy trồng cỏ ngay trong khu đất của trang trại. Vườn cỏ cung cấp hơn 1 tấn cỏ mỗi ngày, là nguồn thức ăn tại chỗ, an toàn, bổ dưỡng cho đàn bò. Sau 2 năm đầu bỡ ngỡ, đến năm thứ 3 nuôi bò, trang trại thu được kết quả khả quan, cho thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Gia trại tổng hợp của ông Nguyễn Hữu Hồng ở thôn 3 (xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên) thì chỉ tập trung nuôi bò sinh sản. Trên 7 mẫu đất chuyển đổi từ trồng lúa, năm 2014, ông Hồng đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi 20 bò sinh sản trong một hệ thống chuồng trại quy mô hiện đại.

Theo ông Hồng, ở đây có quỹ đất rộng lại xa khu dân cư là điều kiện rất tốt để nuôi bò. So với nuôi gà, lợn thì nuôi bò cho thu lời chậm hơn nhưng chắc hơn, bởi bò ít bị dịch bệnh, kỹ thuật nuôi đơn giản, nguồn thức ăn là cỏ thì luôn sẵn có. Ngay từ năm đầu tiên nuôi bò, trang trại của ông Hồng đã mang lại lợi nhuận cao. Ông tính thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nuôi bò, đồng thời nuôi thêm cả trâu.

Trên địa bàn Hải Phòng, còn có rất nhiều hộ gia đình khác trong vài năm gần đây đã chuyển sang nuôi bò quy mô gia trại như ông Bùi Thế Dân ở xã Tân Viên (huyện An Lão). Gia đình ông Dân có mấy sào ruộng trũng, trước đây sống dựa vào cây lúa, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi cải tạo đất ruộng, chuyển sang nuôi bò, gia đình ông trở nên khá giả.

Ban đầu, ông Dân mua một đôi bò giống giá 10 triệu đồng/con. Mang về nuôi vỗ 1 năm, mỗi con ông bán được 35 triệu đồng. Từ đó, ông tiếp tục mở rộng quy mô và nuôi thêm bò đẻ. Đến nay, ông thường xuyên duy trì đàn bò 14 con, trung bình mỗi năm ông thu lãi 80 - 100 triệu đồng.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm