| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò thoát nghèo

Thứ Sáu 13/02/2015 , 10:02 (GMT+7)

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, với hơn 80% thanh niên chủ yếu là ở nông thôn, cuộc sống khó khăn nên họ rời quê đi làm ăn xa. 

Vì thế, nhiều năm qua, các cấp Đoàn TNCS HCM của tỉnh đã hỗ trợ vốn, tạo mọi điều kiện giúp thanh niên đầu tư nuôi bò.

Anh Ngô Hồng Thanh, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành (Trà Vinh) cho biết, huyện đoàn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội lập đề án hỗ trợ cho thanh niên vay vốn trong 3 năm (2011 - 2014) là 10 triệu đồng/người để đầu tư nuôi bò. Tiền hỗ trợ lãi suất thấp chỉ 0,65%/tháng, sau 3 năm người vay sẽ trả lại để xoay vòng cho thanh niên khác trong xã vay để mua bò tiếp.

Anh Nguyễn Văn Bồi (35 tuổi) ở ấp Giồng Giá, xã Hòa Minh (Châu Thành) cho biết, nhờ nguồn vốn vay 10 triệu đồng, sau 3 năm gia đình anh đã thoát nghèo và hoàn lại vốn.

Anh Bồi kể: “Ban đầu tôi mua 1 con, nuôi được gần 1 năm, bò mẹ đẻ được 1 con. Sau đó, tôi bán cả bò mẹ lẫn con được 37 triệu đồng rồi đầu tư mua lại con bò khác với giá rẻ hơn, nuôi vài tháng khi thấy có lãi là bán để đầu tư tiếp. Cứ thế, mỗi năm tôi bán khoảng 3 đợt, trừ chi phí còn lời hơn 50 triệu đồng”.

Hiện tại, anh còn 1 con bò đang mang thai gần đẻ trị giá gần 50 triệu đồng và vừa nuôi thêm dê để có thêm thu nhập. Nhớ về những ngày tháng trước đây khi anh còn đi làm thuê ở Đắk Lắk, anh Bồi ngao ngán nói: “Trước đây, tôi làm hơn 5 năm mà không có dư, mỗi lần muốn về thăm cha mẹ ở quê là rất khó vì đồng lương ít ỏi còn chi phí sinh hoạt, đi lại, ăn uống rất tốn kém nên khi về tới nhà cũng bàn tay trắng. Nhờ có vốn của đoàn giúp nên tôi khấm khá hơn”.

Anh Trương Văn Tấn ở cùng ấp cũng không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi có 0,4 ha đất ruộng để nuôi tôm quảng canh, vợ ở nhà vừa chăm sóc con vừa coi tôm, còn tôi thì đi làm thuê "bữa đực bữa cái" nên trong nhà luôn thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi được hỗ trợ tiền mua bò đã cải thiện rất nhiều”.

Anh Nguyễn Thanh Tú, Bí thư Đoàn xã Long Toàn cho biết, thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa là do họ thiếu việc làm việc để nuôi sống gia đình nên việc nhân rộng mô hình nuôi bò là biện pháp tốt nhất để thu hút và giữ chân họ ở lại. Tổ chức đoàn hỗ trợ con giống, còn thanh niên chỉ việc lo cắt cỏ cho bò ăn, không cần tốn chi phí và chăm sóc cho bò mau lớn.

Theo anh Tấn, nếu đầu tư cải tạo 1 ao cho tốt để nuôi tôm công nghiệp thì tốn cả trăm triệu đồng nên chủ yếu là nuôi quảng canh. Tuy nhiên, gần 5 năm nay trở lại đây thì thường xuyên bị lỗ do con giống chết, hao hụt. Sau 3 năm, từ 2 con ban đầu anh đã bán được 2 đợt với số tiền hơn 60 triệu đồng. Hiện tại, đàn bò của anh đã phát triển lên 9 con và đang đến lứa bán, trị giá hơn 150 triệu đồng.

Anh Tấn tâm sự: “Chỉ cần chịu khó đi cắt cỏ cho bò ăn để lấy công làm lời, giờ mới có điều kiện để lo con gái đi học đại học chứ như lúc trước thì có nước mà nghỉ học sớm”.

Anh Trần Văn Bến, Tổ trưởng tổ quản lý dự án nuôi bò sinh sản ấp Giồng Giá, xã Hòa Minh cho biết, tổ cho 15 thanh niên thuộc diện hộ nghèo vay.

Đến nay tất cả đều thoát nghèo, nổi bật là các anh Trương Văn Tấn, Nguyễn Văn Bồi và Cao Văn Diệp đã vươn lên khá giả. Còn số vốn thanh niên đã hoàn trả đã cho thanh niên khác vay hết.

Phó Bí thư Huyện đoàn Duyên Hải, anh Nguyễn Văn Ưa cho biết, từ nguồn vốn của đoàn đã hỗ trợ cho nhiều thanh niên nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế khá. Nhiều thanh niên thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.

Cụ thể, là mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Lê Văn Hữu, Bí thư Chi đoàn ấp Phước Bình, anh Huỳnh Thanh Hùng ở xã Long Toàn.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình khác như nuôi cá sấu của thanh niên Cao Minh Mẫn ở xã Dân Thành, mô hình “Bạn giúp bạn” của thanh niên Nguyễn Văn Đệ hỗ trợ tôm sú giống cho đoàn viên; mô hình nuôi gà thả vườn của Chi đoàn ấp Bến Chuối…. Đó là điển hình mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương.

Anh Lê Văn Hữu, Bí thư Chi đoàn ấp Phước Bình nói: “Muốn phát động phong trào cho đoàn viên thanh niên tham gia thì trước hết mình phải xung phong làm trước, họ thấy có hiệu quả thì mới tham gia. Ban đầu, tôi vay 15 triệu đồng để mua bò giống nuôi. Cứ mỗi năm bán 1 - 2 lần được gần cả trăm triệu. Năm 2013 tôi bán 3 con bò được 110 triệu đồng, hiện đang chuẩn bị bán 4 con nữa, được hơn 150 triệu".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm