Vừa mới gặp chúng tôi, ông Trần Kim Tươi ở Cẩm Sơn, Mỹ Hào (Hưng Yên) đã hồ hởi khoe: May quá! “Chết đuối vớ được cọc”. Chẳng là, đầu năm nay, ông Tươi cố mở rộng thêm gần nửa ha ao nuôi cá, nên bị thiếu vốn sản xuất.
Đang loay hoay tìm chỗ vay mượn, ông được tham gia dự án khuyến nông nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Theo đó, ông Tươi đã được hỗ trợ một phần vật tư, con giống và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chép lai V1 theo phương thức bán thâm canh.
Kết quả sau hơn 10 tháng thả nuôi, ông Tươi đã có được lợi nhuận ngót 100 triệu đồng từ 1,4 ha ao nuôi cá các loại. Trong đó, cá chép lai V1 cho lãi 60 triệu đồng, nguồn lợi còn lại là từ các giống cá nuôi thả lồng ghép như, trôi, mè, rô phi, chim trắng...
Nhờ nuôi cá bán thâm canh, mật độ cá thả thấp (0,5 con/m2), ít phải vận hành quạt nước và máy sục khí nên cá ít nhiễm dịch bệnh, giảm chi mua chế phẩm phòng ngừa, giảm khấu hao điện máy và giảm thuê mượn công lao động. Mỗi khâu nuôi tiết giảm đươc một số chi phí, cũng giúp ông Tươi tăng thêm lợi nhuận.
Được hỏi vì sao không nuôi cá theo hướng thâm canh để có sản lượng lớn, thu nhập cao? Ông Tươi cho rằng: Hiện nay, môi trường đất, nước và không khí cơ bản đều đã bị ô nhiễm ở các cấp độ khác nhau. Nếu nuôi cá thâm canh cao, sẽ phải đầu tư (thức ăn, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học và các phương tiện đảm bảo sản xuất khác) rất lớn. Tính xô đi bù lại, lợi nhuận thu về cũng không hơn cách nuôi thả bán thâm canh.
Nhờ xây dựng được không gian ao hồ, cây xanh, mặt nước nuôi cá, còn đóng vai trò như hồ điều hòa nhiệt độ không khí.
Kinh nghiệm nuôi cá bán thâm canh của ông Tươi cũng như quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cho thấy: Việc tận dụng các chất hữu cơ dư thừa cho nuôi cá, ao sẽ rất nhanh dơ bẩn. Vì vậy, cần tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ao; bơm thay mới nước ao thường xuyên hơn. Mỗi lần, cần thay khoảng 30% lượng nước có trong ao. Định kỳ 15 ngày khử trùng ao bằng vôi bột, khối lượng 2 kg/100m2. Luôn treo túi vôi cạnh sàng cho cá ăn (3 - 4 kg/túi/sàng). Hàng năm, phải vét bùn, xử lý đáy ao triệt để. Trước thu hoạch 1 - 2 ngày phải dừng cho cá ăn. Lưu ý, không đồng thời sử dụng vôi, nước vôi với chế phẩm sinh học các loại.
Ông Tươi cho biết thêm: Cá chép lai V1 có ưu điểm, khối lượng thương phẩm lớn (1,7 - 2 kg/con), khả năng chống chịu tốt hơn các loại cá trắm, mè, trôi, rô phi. Độ sâu ao nuôi tốt nhất là từ 0,8 - 1,2m. Ao sâu hơn cá sẽ chậm lớn.
Về con giống, cần chọn kích cỡ cá từ 4 - 6 cm, không bị dị hình, cụt râu, rách đuôi, vây. Cá giống phải khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, vẩy không bị mất nhớt, không bị ký sinh trùng bám như trùng mỏ neo, rận cá. Có thể nuôi đơn hoặc thả ghép với cá mè, trôi, rô phi hoặc chim trắng.
Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi thấy: Do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, nên hầu hết các trại nuôi thủy sản đều bị lỗ vốn. Chỉ những mô hình nuôi cá được khuyến nông tiếp cận là có lãi ít, nhiều.
Từ thực tế các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao trên địa bàn, ông Bùi Khánh Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Mỹ Hào, nhận xét: Những năm qua, hệ thống khuyến nông đóng vai trò như một cầu nối, giúp nông dân, hợp tác xã, tiếp cận dễ dàng với chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời, giúp đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua trình diễn thực tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp địa phương.