| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá chiên lồng ở Thanh Hoá

Thứ Hai 18/01/2010 , 11:08 (GMT+7)

Các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá như Mường Lát, Quan Hoá, Bá Thước nơi thượng nguồn sông Mã đi qua là môi trường thuận lợi cho cá chiên trú ngụ và sinh sôi.

Cá chiên thường sống ở thượng lưu các con sông có nước chảy xiết và nhiều ghềnh thác. Hiện tại, giống cá quý này hầu như chỉ còn ở thượng nguồn các sông như: sông Hồng, sông Lô, sông Mã. Các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá như Mường Lát, Quan Hoá, Bá Thước nơi thượng nguồn sông Mã đi qua là môi trường thuận lợi cho cá chiên trú ngụ và sinh sôi.

Cứ vào độ tháng 3, tháng 4 hàng năm, từng đàn cá bố mẹ lại vượt thác ghềnh về đây chọn những khe đá và các bãi đá ngầm để đẻ trứng. Đến tháng 7, tháng 8, khi cá con đạt cỡ từ 150 đến 200 gam/con, người dân sống ven bờ sông Mã lại khai thác nguồn cá giống tự nhiên về nuôi bằng lồng.

Các huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Quan Hoá có hàng trăm hộ nuôi cá chiên lồng. Tuy nhiên do kỹ thuật nuôi của bà con còn hạn chế, mức độ đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm, sản xuất theo kiểu cầm chừng nên hiệu quả chưa cao.

Để trang bị kiến thức cho bà con nông dân trong việc nuôi cá chiên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá chiên lồng tại Bá Thước. Qua 8 tháng nuôi, kết quả cho thấy với mật độ cá thả là 60 con/lồng 4m3, tỷ lệ sống đạt 90%; cỡ cá thương phẩm từ 1,4 đến 1,6kg/con, năng suất dự kiến là 120kg/lồng. Giá bán cá chiên dao động từ 250 đến 300 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi lồng cá cho lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Qua so sánh giữa nuôi cá chiên với cá trắm cỏ truyền thống thì lợi nhuận mang lại gấp từ 5 đến 7 lần.

Cách đây 5 năm, gia đình anh Trần Văn Hưng, một chủ nuôi cá chiên, thuộc khu phố I, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước chỉ nuôi “độc” cá trắm cỏ, nhưng giá trị kinh tế không cao. Qua nhiều lần đi đánh bắt cá trên sông Mã, anh thấy giá trị kinh tế của cá chiên  rất lớn. Tò mò và muốn nuôi thử, hằng ngày cứ buổi chiều, anh lại chèo thuyền đi thả câu bằng mồi giun ở các bãi đá, triền sông để kiếm giống cá chiên về thả vào lồng nuôi. Theo anh Hưng, cá chiên hiền lành, là loại cá ăn tạp, ăn các loại côn trùng, cá nhỏ.

Tuy nhiên, do nuôi lồng, thức ăn tự nhiên khan hiếm, thức ăn tươi sống ở miền núi cũng ít nên các hộ dân đã tập cho cá ăn thức ăn chế biến. Và rất vui là cá vẫn thích nghi với điều kiện sống đó, phát triển gần như môi trường tự nhiên, nhanh lớn, mỗi tuần chỉ cần cho ăn từ 2 đến 3 lần. Thức ăn là các loại cá, tôm, tép nhỏ, giun đất, bì lợn luộc chín. Nếu nuôi tốt, mỗi tháng cá tăng trưởng từ 7 lạng đến 1kg. Nếu so với nuôi cá trắm lồng, thì lợi nhuận từ nuôi cá chiên là rất lớn. Vì vậy, ngoài đi đánh bắt cá cung cấp mồi cho đàn chiên, anh còn câu chiên giống bán cho các chủ nuôi ở huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy để lấy tiền chi tiêu trong gia đình và mua thêm thức ăn cho đàn chiên. Qua một thời gian nuôi cá chiên lồng, đến nay gia đình anh đã có của ăn, của để, sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và chăm sóc các con ăn học.

Ông Lê Văn Hanh, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Với vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, nứa, luồng, người nuôi cá chiên có thể đóng những ô lồng diện tích khoảng 3,5m x 2,3m x 1,5m, phía trong được bao bọc khung lưới chắc chắn là có thể nuôi được. Lồng nuôi cá phải đặt ở những nơi có nguồn nước sạch, thông thoáng, kín gió, không nên đặt lồng gần cống, mương thoát nước của các nhà máy, lò mổ và các khu dân cư. Khoảng cách từ lồng xuống đến đáy hồ từ 50 – 70cm trở lên. Nếu đặt lồng theo cụm ít nhất phải từ 15- 20cm. Khu vực miền núi, thức ăn tươi cho cá thường rất khó đánh bắt hoặc thu mua. Người nuôi cá có thể khắc phục bằng cách tận dụng lượng phân gia súc để nuôi giun đất làm thức ăn cho cá, không những giảm được chi phí đầu tư mà còn nâng cao được hiệu quả sản xuất”.

Anh Bùi Kim Trọng - Trưởng trạm khuyến nông huyện Cẩm Thuỷ cho biết: Lợi nhuận từ nuôi cá chiên đã giúp nhiều hộ dân chài thoát được đói nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chiên lồng cũng có những khó khăn. Nếu nguồn thức ăn không bảo đảm, lồng đóng không đủ độ sâu cá sẽ tự chết hoặc sinh bệnh, chậm lớn. Hiện nay, các chủ nuôi chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật về nuôi cá chiên, nguồn giống cũng chưa chủ động được, phải phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Đáng báo động là gần đây nhiều dân chài ở vùng khác đến lén lút dùng kích điện đánh cá một cách hủy diệt; một số người còn thiếu ý thức dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt muỗi rải xuống sông đánh bắt cá, làm nguồn cá chiên ngày một khan hiếm.

* Người dân rất cần các nhà khoa học, các cấp, các ngành hỗ trợ họ về mặt KHKT nuôi, nguồn con giống; đồng thời tạo điều kiện để họ được vay vốn đầu tư phát triển nghề nuôi cá chiên. Có như thế, trong tương lai nghề nuôi cá chiên lồng mới thực sự thắp lên niềm hy vọng đổi đời cho đồng bào sống dựa vào sông nước.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất