| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá ké trên sông Mã

Thứ Năm 17/02/2011 , 10:51 (GMT+7)

Cá ké còn có tên gọi khác là cá chiên, cá bò thường sống ở các khe đá của những con sông chảy xiết.

Dòng sông Mã bắt nguồn từ tỉnh Điện Biên, chảy qua nước bạn Lào rồi vòng trở về Việt Nam, con sông hùng vĩ đi vào thơ ca ấy đem về cho đất nước ta không chỉ mùa màng bội thu mà còn vô vàn các loài thủy sản quý hiếm, trong đó có loài cá ké mới được ngư dân tỉnh Thanh Hóa thuần dưỡng thành công.

Lặn sông tìm cá giống

Cá ké còn có tên gọi khác là cá chiên, cá bò thường sống ở các khe đá của những con sông chảy xiết. Là một loài cá thuộc họ da trơn, chúng di chuyển chậm chạp và vô cùng hiền lành. Ông Lê Văn Oánh, ngư dân làng chài Tân Phong, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày trước mỗi khi mùa lũ về người dân làng quê ông chỉ việc cầm vợt lặn xuống sông rờ tay vào các khe đá là có thể bắt được cá ké về làm thịt vì chúng rất hiền không chạy như cá lăng.

Ngư dân làng chài vùng Cẩm Thủy đã từng nuôi cá lồng nhưng chỉ nuôi cá trắm cỏ, do cá thường xuyên bị dịch bệnh chết nhiều nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Năm 2007, một người dân sau khi câu được vài con cá ké không to lắm nên đem về thả vào lồng nuôi cá trắm định bụng để dành khi nào có khách thì đem thịt. Bẵng đi một thời gian, khi bắt lên thấy cá lớn hẳn, nhận thấy cá ké có thể nuôi nhốt nên người dân làng chài rỉ tai nhau làm lồng nuôi thử. Kết quả đạt được rất khả quan, cá phát triển bình thường, ít dịch bệnh, một tuần chỉ phải cho ăn hai đến ba lần.

Ông Trần Quang Vinh, một trong những hộ dân đầu tiên ở làng chài Tân Phong nuôi cá ké trong lồng dẫn chúng tôi ra khu bè nuôi cá giữa dòng sông Mã tâm sự: “Hiện nay chúng tôi đã nuôi thành công loài cá ké. Nhưng khổ một nỗi là nuôi bao nhiêu năm nhưng cá không bao giờ đẻ trứng trong lồng. Có lẽ do điều kiện môi trường không phù hợp nên chúng không đẻ thành thử năm nào đến mùa nước lũ người dân chài chúng tôi lại tất bật đồ nghề đi bắt cá ké con về làm giống rất vất vả”.

Những lão ngư có kinh nghiệm ở làng chài Cẩm Thủy chia sẻ, thời điểm từ tháng 5 – 7 hàng năm, khi mùa lũ về biến nước sông mã từ màu xanh biếc chuyển sang màu hoa mơ là lúc ngư dân bắt đầu một mùa lặn sông bắt cá ké giống. Thời điểm này nước đục, cá con mới nở nên rất hiền lành, chỉ bơi lòng vòng quanh cá mẹ người dân chỉ cần cầm vợt lặn xuống bắt về thả vào lồng nuôi. Nhưng do gần đây người dân săn lùng cá ké về nuôi quá nhiều khiến lượng cá trong tự nhiên suy giảm rõ rệt. Trong khi đó, điều đáng buồn là chưa có đơn vị nuôi trồng thủy sản nào đứng ra nghiên cứu và nhân giống loài cá đặc biệt của sông Mã này.

Tiềm năng từ loài cá mới

      Cá ké trên dòng sông Mã được ngư dân Thanh Hóa thuần dưỡng các năm qua, là loài cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Ưu điểm của cá ké là ăn tạp, lớn nhanh, nếu được chăm sóc tốt có thể đạt tới 20 – 30kg. Thịt cá ké chắc có màu vàng ăn rất thơm ngon, đặc biệt cá nhiều thịt nhưng không có xương dăm nên được thị trường rất ưa chuộng. Qua tìm hiểu được biết giá cá ké bán tại lồng hiện nay từ 200.000 đồng – 250.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Chí – Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết, Viện mới sản xuất thành công giống nhân tạo cá chiên tại Trung tâm Giống thủy sản Văn Chấn (Yên Bái). Kết quả cho thấy, cá chiên có thể thành thục tốt khi nuôi vỗ trong bể xi măng, tỷ lệ thành thục đạt tới 40,7%. Trứng cá phát triển tốt có màu vàng sẫm, tròn, căng, đường kính trung bình 0,8mm. Mùa vụ sinh sản kéo dài từ đầu tháng 5 đến tháng 7.

Anh Trần Văn Hưng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước kể rằng, ba năm về trước gia đình anh chỉ nuôi cá trắm cỏ nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau thấy ở huyện Cẩm Thủy manh nha phát triển nghề nuôi cá ké anh cũng chèo thuyền ra sông buông cần câu cá ké về nuôi thử. Hàng ngày anh Hưng chèo thuyền ra sông Mã rải lưới bắt tôm, tép và các loài cá nhỏ về làm thức ăn cho cá ké. Những hôm nước to không giăng được lưới anh Hưng lại thay thế nguồn thức ăn bằng giun đất. Tết vừa rồi anh Hưng xuất một lứa cá ké hơn 50 con giá bán 200.000 đồng/kg thu về hơn 50 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn nuôi cá trắm cả chục lần. Nhận thấy giá trị kinh tế cao, anh Hưng bắt tay vào gia cố lồng bè nuôi thêm hơn 100 con cá ké nữa.

Dọc theo dòng sông Mã hiện có khoảng 100 hộ nuôi cá ké lồng. Trong đó, tập trung lớn nhất ở hai huyện Cẩm Thủy và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Đặc thù của cá ké là sống ở tầng nước sâu nên lồng nuôi phải có chiều cao tối thiểu là 2m nước, rộng 2m, dài 1,5 – 2m. Mỗi lồng chỉ khống chế nuôi từ 5 – 10 con tùy theo kích thước vì cá ké là loài ăn thịt, nuôi nhiều chúng sẽ cắn nhau gây chột cá. Một đặc điểm khác của cá ké là ăn rất ít, một tuần chỉ cần chăn từ 2 – 3 lần, tránh đưa nhiều thức ăn vào lồng cá không ăn hết sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.

Anh Bùi Kim Trọng, cán bộ khuyến nông huyện Cẩm Thủy cho biết, lợi nhuận cao nên các hộ dân hai ven bờ sông Mã đã tự đầu tư lồng bè để nuôi cá ké. Loài cá có giá trị kinh tế rất cao này đã giúp rất nhiều hộ dân ở Thanh Hóa thoát nghèo. Nhưng do không có quy trình cũng như kinh nghiệm nuôi cá ké, mặt khác nguồn giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên nghề nuôi cá ké chưa mở rộng quy mô lên được.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.