| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lồng ven biển

Thứ Năm 04/08/2011 , 10:49 (GMT+7)

Từ năm 2010 đến nay 6 hộ ngư dân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) đã mạnh dạn đầu tư, nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình nuôi thí điểm cá lồng trên biển của Đồn biên phòng cảng Cửa Lò năm 2009, từ năm 2010 đến nay 6 hộ ngư dân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) đã mạnh dạn đầu tư, nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bùi Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã và chị Nguyễn Thị Tuấn, cán bộ Ban Nông nghiệp xã Nghi Thiết nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá hồng Mỹ và cá vược của 6 hộ dân tại xóm Rồng, Nghi Thiết, cạnh cửa biển Cửa Lò.

 Trên đường đi ông Thành tranh thủ cho biết: Nghề khai thác thuỷ, hải sản của ngư dân Nghi Thiết hiện đang gặp khó khăn do nguồn thuỷ hải sản gần bờ đã bị cạn kiệt. Chủ trương của xã là vươn khơi thì không có thuyền trọng tải và công suất lớn nên việc bà con chuyển sang nuôi trồng thuỷ, hải sản là một hướng đi đúng và đáng khuyến khích. Tại Nghi Thiết hiện có 11 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 7 ha nghêu và xã đang tìm hướng để tháo gỡ khó khăn về vốn nhằm giúp bà con ngư dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng ven biển…

Ông Nguyễn Văn Thái, người đầu tiên triển khai nuôi cá lồng ven biển tại xóm Rồng cho biết: Từ việc xem mô hình nuôi cá lồng ven biển của Đồn biên phòng cảng Cửa Lò, năm 2010, vợ chồng tôi đã vay vốn và nhờ bộ đội biên phòng và một số kỹ sư thuỷ sản làm chuyên gia giúp đỡ, mạnh dạn làm thử 1 lồng. Nói thật là lần đầu làm nghề này, chúng tôi "đặt cược" 5 ăn, 5 thua nên quyết định thử nuôi hỗn hợp cả 2 loại cá hồng Mỹ và cá vược trong cùng một lồng. Tháng 1/2010, chúng tôi thả 3.000 con (cả 2 loại), đến tháng 8/2010 chúng tôi thu về bình quân mỗi con 1 kg. Giá bán tại nhà là 100.000 đồng/kg. Mừng là tỷ lệ cá sống đến cuối vụ đạt trên 60% nên năm ngoái, trừ hết các chi phí, lãi được trên 70 triệu đồng/lồng.

"Thấy gia đình tôi làm ăn được nên có thêm 5 hộ nữa trong xóm cũng huy động vốn cùng tham gia, riêng gia đình tôi triển khai làm thêm 1 lồng nữa. Vụ thả 2011, xóm Rồng có 6 hộ nuôi với tổng cộng 11 lồng. Năm nay, gia đình tôi thả riêng mỗi lồng một loại cá, mỗi loại 3.000 con giống. Nếu thời tiết thuận lợi thì còn gần 1 tháng nữa là thu hoạch. Với mức bình quân 1kg/con, thì năm nay gia đình tôi sẽ thu hoạch được khoảng 4,8- 5 tấn cá. Với mức giá thị trường hiện nay (cá hồng Mỹ và cá vược có giá như nhau) bán tại nhà từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg thì tổng thu khoảng 500-600 triệu đồng. Trừ các chi phí, khấu hao tài sản lãi ròng từ 150-200 triệu đồng nên mừng lắm", ông Thái nhẩm tính.

Cùng với gia đình ông Thái, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ninh (2 lồng), ông Nguyễn Văn Hùng (2 lồng), ông Bùi Văn Thuỷ (2 lồng), ông Phạm Văn Dân (1 lồng) và hộ ông Xuân Khoa (1 lồng) đều hứa hẹn cho thu nhập cao trong vụ cá năm nay. Giống cá hồng Mỹ và cá vược đều được các hộ đặt mua tại Nha Trang và Quảng Ninh. Chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng và chuyển tiền vào tài khoản là các đơn vị này sẽ chuyển cá đến tận nơi. Giá cá giống tùy loại, nhưng bình quân trên dưới 5.000 đồng/con (loại 1 phân).

Đồn phó đồn biên phòng cảng Cửa Lò Nguyễn Tiến Dũng, người được giao nhiệm vụ triển khai mô hình thí điểm nuôi cá lồng ven biển tại Cửa Lò cho biết: Vùng ven biển Cửa Lò có độ sâu vừa phải, độ mặn cần thiết, nguồn nước trong, chưa bị ô nhiễm nên rất phù hợp để nuôi cá hồng Mỹ và cá vược. Nuôi cá lồng theo phương pháp công nghiệp ngay trong môi trường tự nhiên tại các cửa lạch biển không khó, chỉ cần thả giống sớm để cho thu hoạch sớm trước khi mùa mưa bão chính vụ đến. Thức ăn chính của cá lồng là cá tạp đông lạnh, cá vụn được cắt, băm nhỏ tùy theo độ tuổi của cá trong lồng. Tuy nhiên, cần chú ý lưu tốc dòng chảy và sóng biển để đảm bảo đủ lượng oxy, cho cá ăn đúng giờ, điều độ và mỗi vụ thay lưới 3 lần theo độ lớn của cá là những yếu tố đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt.

 Cũng theo đồn phó Nguyễn Tiến Dũng, thì 20 ngày đầu cho cá ăn bằng thức ăn tổng hợp, sau đó mua cá tạp về xay nhỏ cho ăn trong vòng 1-2 tháng. Khi cá được 2 tháng tuổi thì băm cá tạp cho cá ăn 3 lần/ngày, cá được 3 tháng tuổi trở lên cho ăn 2 lần/ngày, lúc 5-6 giờ sáng và 18- 19 giờ chiều. Lồng bè phải làm một cách vững chắc, neo giằng 4 phía thật cẩn thận để chống chịu được với gió bão thì không lo bị thất bại.

Trong chiến lược mở rộng các loại ngành nghề trên biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đang ngày càng bị cạn kiệt, mong rằng nghề nuôi cá lồng ven biển sẽ được nhà nước và ngành thuỷ sản quan tâm, tạo cơ chế đầu tư đúng mức.

Ông Nguyễn Văn Thái cho biết thêm: Nuôi cá lồng, muốn đảm bảo tỷ lệ sống cao từ 80% trở lên phải chú ý kiểm tra thường xuyên 2 loại dịch bệnh sau đây. Đó là bệnh đốm lưng và bệnh nấm thường xuất hiện ở miệng, vây và đuôi của cá. Khi cho cá ăn, nếu phát hiện thấy 2 bệnh kể trên thì phải pha thuốc tím cho cá tắm trong vòng 10 đến 15 phút rồi thả trở lại lồng cá sẽ hết bệnh.

Nghề nuôi cá lồng tại xã Nghi Thiết là một nghề mới, hiện còn mang tính chất tự phát nhưng họ được sự giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy và Trung tâm Nuôi trồng thủy sản miền Trung nên đang mở ra triển vọng lớn để thu hút nhiều ngư dân trong xã mạnh dạn chuyển sang nghề này.

Bình quân giá vật tư để làm lồng khoảng 50 triệu đồng/lồng, tiền giống khoảng 15 triệu đồng/lồng, tiền thức ăn cá tạp cũng khá lớn. Thời điểm cá nuôi được 6-7 tháng bình quân mỗi ngày tiền thức ăn tiêu tốn khoảng 500.000 đồng/lồng nên những người có gan làm giàu bằng nghề nuôi cá lồng 100% đều phải thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng và vay mượn bạn bè, người thân mới có thể làm được. Tuy nhiên, do khoản vay từ ngân hàng ít, lãi suất cao và thời gian vay chỉ giới hạn trong vòng 12 tháng nên các hộ nuôi cá lồng xoay không kịp để trả lãi và gốc cho ngân hàng… 

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.