| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá nàng hai mùa nước nổi

Thứ Ba 04/10/2011 , 11:21 (GMT+7)

Cá nàng hai rất dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Người nuôi chỉ cần có nguồn nước sạch, cho ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho cá đúng quy trình...

Nông dân ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích mặt nước kênh rạch cạnh nhà khi mùa nước nổi tràn đồng để thực hiện mô hình nuôi cá nàng hai (thát lát cườm) trong mùng lưới cước cho thu nhập cao.

Xã An Phong, huyện Thanh Bình hiện có 15 hộ nuôi cá nàng hai trong mùng lưới. Trung bình, mỗi đợt nuôi trên dưới 5 tháng, nông dân xuất bán hàng chục tấn cá nàng hai thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Thành Tuấn ở ấp 3, xã An Phong cho biết: “Cá nàng hai rất dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Người nuôi chỉ cần có nguồn nước sạch, cho ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho cá đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cá sẽ tăng trưởng nhanh và đồng đều, cho lợi nhuận cao”.

Mùng nuôi cá được thiết kế rất đơn giản bằng cách đóng các đoạn cây tràm hoặc bạch đàn, tre… trên một khoảng mặt nước hình chữ nhật. Mua lưới cước về may với chiều cao trên dưới 2m, chiều ngang 2m và chiều dài từ 10-15m câu mắc vào các trụ cây như hình cái mùng lật ngửa rồi thả cá nàng hai giống vào nuôi. Phía bên trên mùng được bao phủ bởi một mảnh lưới cước làm nắp đậy để tránh những loại cá, rắn… xâm nhập vào mùng tiêu diệt cá con.

Cuối tháng 4 năm ngoái, trong cái mùng lưới được anh Tuấn thả nuôi 8.000 con cá nàng hai giống. Nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm và thức ăn do anh tự chế. Lúc mới thả cá giống vào mùng nuôi, anh Tuấn chỉ cho cá ăn 2 lần/ngày. Một tháng sau khi thả nuôi, anh tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá. Theo anh Tuấn thì: cứ đầu tư khoảng 3,6kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá nàng hai thương phẩm.

 Việc phòng ngừa dịch bệnh cho cá cũng được anh Tuấn thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của cán bộ thủy sản huyện. Anh Tuấn còn thường xuyên phòng ngừa dịch bệnh cho cá, chăm sóc đàn cá nuôi thật chu đáo và định kỳ 4 tuần một lần, anh trộn bổ sung lượng vitamin C vào thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Sau hơn 5 tháng nuôi, anh Tuấn cho cất mùng và thu hoạch được hơn 2.500 kg cá nàng hai thương phẩm, bán giá bình quân 70.000đồng/kg, thu 175 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Tuấn còn lãi hơn 85 triệu đồng.

Mùa nước nổi năm nay anh Tuấn nuôi 18.000 con cá nàng hai trong 2 mùng lưới cước cặp bờ kênh cạnh nhà. Đàn cá nuôi của anh đang được chăm sóc cẩn thận, tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh, hứa hẹn một vụ nuôi cá nữa bội thu… 

Tất cả các hộ đang nuôi cá nàng hai ở xã An Phong trong mùa nước nổi năm nay đều phấn khởi, vì đàn cá nuôi đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Bòn ở ấp 3, xã An Phong nuôi 24.000 con cá nàng hai giống trong 2 cái mùng 60m2 vui vẻ bộc bạch: “Đàn cá nàng hai của tôi nuôi đến nay được 4 tháng, mỗi con đạt trọng lượng 250-300gram. Với giá bán như hiện dao động ở mức 75.000đ/kg, gia đình tôi sẽ có thu hàng trăm triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc sẽ có lãi cả trăm triệu đồng”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.