| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá trong ruộng mùa lũ

Thứ Hai 15/10/2012 , 11:08 (GMT+7)

Mô hình này được áp dụng 2 lúa + 1 cá hoặc 3 lúa + 1 cá; chỉ tập trung nuôi cá chép, mè hoa, rô phi…

Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa mùa lũ được nông dân các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai (TP Cần Thơ) áp dụng rộng rãi, bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ, tăng độ phì nhiêu cho vụ sau.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết, phong trào nuôi cá mùa lũ ở các huyện trên đang phát triển rất mạnh với trên 10.000 ha, tăng 10-15% so với năm rồi. Mô hình này được áp dụng 2 lúa + 1 cá hoặc 3 lúa + 1 cá; chỉ tập trung nuôi cá chép, mè hoa, rô phi… Người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, giảm được chi phí về thức ăn, không tốn công chăm sóc mà cá vẫn lớn bình thường do ăn rơm rạ sẵn có trong ruộng, chỉ sau 3-4 tháng là thu hoạch. Năng suất trung bình từ 900 kg - 1,2 tấn/ha. Trừ các khoản chi phí, lãi từ 8-10 triệu đ/ha/vụ. Sau thu hoạch, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cho vụ lúa kế tiếp, giảm chi phí về phân bón.

Ông Lâm Minh Trí, Phó phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: “5 năm nay mô hình nuôi cá ruộng tăng dần diện tích. Đặc biệt mùa lũ này, diện tích mặt ruộng thả nuôi đạt gần 5.000 ha, cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa. Đa phần nông dân nuôi cá ruộng khi hết vụ HT (tận dụng gốc rạ để thả cá) hoặc sau 3 vụ lúa (tận dụng lúa chét và mùa nước thả cá vào ruộng)”.

Ông Trí nói thêm về kỹ thuật nuôi: “Mật độ thả cá 1-2 con/m2 tốt nhất. Ngâm bao cá giống trong mương ruộng khoảng 10-15 phút, sau đó thả từ từ. Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Thời gian đầu khi còn ở dưới mương nên cho cá ăn bổ sung thức ăn để cá quen dần môi trường tự kiếm mồi. Mỗi ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng 2-5% trọng lượng cá.

Có thể sử dụng 1 trong 2 công thức sau: Cám gạo 60% + bột bắp 20% + bột cá 20% hoặc cám gạo 40% + bột bắp 20% + khô dầu 40%. Khi mực nước nâng dần, cá lên ruộng sử dụng thức ăn chủ yếu từ ruộng lúa. Với ruộng lúa cấy 10-15 ngày, ruộng lúa sạ 20-30 ngày, có thể cho cá lên mặt ruộng.


Mô hình nuôi cá ruộng đang phát triển mạnh ở huyện Thới Lai - Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ)

Hằng ngày kiểm tra bờ, cống để kịp thời khắc phục thất thoát nước. Nên kiểm tra ruộng cá lúc 5-6 giờ sáng, nếu thấy cá nổi đầu do thiếu ôxy thì kịp thời cấp thêm nước. Trường hợp cần thiết phải sử dụng nông dược cho ruộng lúa thì phải tháo nước trên ruộng lúa để cá xuống mương. Sau 7 ngày sử dụng thuốc, mới cấp nước vào ruộng lúa để tránh ngộ độc cho cá”.

Nuôi cá trên ruộng ở Cờ Đỏ được tập trung nhiều ở các xã Thới Hưng, Đông Thắng, Đông Hiệp. Riêng xã Thới Hưng có 1.500 hộ nuôi, chiếm 3.300 ha mặt nước. Sau khi làm xong 3 vụ lúa trên 9 công ruộng, không để đồng trống, anh Trần Văn Oanh, ấp 1, xã Thới Hưng tiếp tục thả cá nuôi nhằm tận dụng nguồn nước. Đến nay lũ về hơn 1 tháng và đàn cá đang phát triển tốt. Ước tính vụ cá ruộng hằng năm, lợi nhuận đạt 9-10 triệu đồng.

Kinh nghiệm của nhiều nông dân cho thấy, ruộng nào nuôi cá mùa nước, vụ sau giảm được lượng phân bón đáng kể từ 20-30%. Tuy mô hình đơn giản dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ thường xuyên kiểm tra cống, bọng, lưới bao xung quanh ruộng để hạn chế sinh vật ăn cá vào ruộng; đồng thời đảm bảo cho cá không thất thoát ra ngoài.

Điểm chính của mô hình nuôi cá trong ruộng là tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy cũng như các loại hoá chất khác khi làm lúa. Phải đảm bảo nguồn nước trong ruộng sạch thì mới nuôi được.

Anh Oanh cho biết: “3 năm nay gia đình đều thả cá nuôi trong ruộng lúa vào mùa lũ. Để tránh hao hụt cần có lưới bao xung quanh. Năm nay tôi thả trên 40 kg cá giống như mè, chép, rô phi. Cá phát triển mạnh, dễ nuôi. Thức ăn không tốn nhiều. Lại cũng có cách kiếm thêm thức ăn rất đơn giản. Đó là hằng đêm, tôi đốt vài ba bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại côn trùng, sâu rầy đến để làm mồi cho cá. Nuôi cá mùa này, ngoài việc kiếm thêm thu nhập, còn nhờ cá diệt được mầm mống sâu bệnh và để lại phân, phù sa trên đồng có lợi cho vụ sau”.

Mùa lũ, phong trào nuôi cá ruộng khá sôi động. Trên đường Thới Lai - Cờ Đỏ, hai bên ruộng lúa đều cấm bảng báo “ao cá nuôi”, “vuông nuôi cá”. Còn tại chợ nông sản, nông trường Sông Hậu, cứ vào chiều là các ghe cá đậu tấp nập dưới kênh chờ cân cá cho chủ thu mua chuyển lên xe tải. Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa góp phần thay đổi tập quán độc canh cây lúa. Qua đó giúp hạn chế được dịch bệnh trên lúa.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất