| Hotline: 0983.970.780

Nuôi chim yến trên cao nguyên

Thứ Sáu 16/03/2012 , 10:37 (GMT+7)

Ít ai biết rằng, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng lại đang phát triển nghề nuôi chim yến, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nơi đây.

Nói tới nghề nuôi chim yến, người ta thường nghĩ ngay tới các vùng ven biển như Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Giờ - TP HCM… Nhưng ít ai biết rằng, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng lại đang phát triển nghề nuôi chim yến, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Khanh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc cho biết: “Bảo Lộc nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung có khí hậu mát mẻ quanh năm, nguồn phù du và côn trùng rất phong phú, có hệ thống sông suối, hồ nước tương đối nhiều như sông Đồng Nai, Đại Bình, thủy điện Đa Mi- Hàm Thuận…  Hiện nay TP. Bảo Lộc có 3 hộ gia đình nuôi chim yến trong nhà đã được khai thác tổ. Do còn mới mẻ, kỹ thuật chưa cao nên kết quả thu hoạch còn khiêm tốn. Tuy nhiên bà con cần nghiên cứu kỹ quy mô đầu tư, kỹ thuật nuôi và có những định hướng cụ thể để phát triển nghề nuôi chim yến”. 

Bảo Lộc là nơi lý tưởng nuôi chim yến

Ông Đinh Văn Phòng, thôn 9, xã Đại Lào cho biết, nghề nuôi chim yến đang có hiệu quả kinh tế rất cao. Nhưng người nuôi cần có kiến thức, tìm hiểu đặc điểm sinh học của loài chim yến, đó là nền tảng. Nếu không nắm được đặc tính sinh học, đôi khi áp dụng đúng kỹ thuật nhưng chim vẫn không vào, hoặc vào lại bỏ đi.

Chim yến cần môi trường có 50% cây thấp khoảng 1m như cỏ tranh, đồng lúa; 30% cây cao dưới 5m; 20% mặt nước ao hồ. Khoảng 4- 5 giờ chiều, chim bay về ngang các khúc sông hay đầm phá để tắm và uống nước, 6 giờ chiều chim bay về tổ. Trước khi chọn vị trí xây nhà yến phải lưu ý những yếu tố trên, kết hợp đặt hệ thống phát tín hiệu âm thanh (đĩa phát những tiếng kêu của chim yến), máy phun sương để tạo độ ẩm.

Chim yến thường ưa bóng tối, thích hợp độ ẩm cao từ 80- 95%, nhiệt độ thích hợp từ 27- 28 độ C. Xác định hướng chim bay đi kiếm ăn, hướng bay về, để ta thiết kế cửa cho chim bay ra, bay vô. Thông thường, buổi sáng chim bay đi kiếm ăn ở hướng Đông, buổi chiều chim bay về hướng Bắc. Tường nhà có thể xây bằng gạch 4 lỗ hoặc gỗ cách nhiệt, xung quanh tường phải làm hệ thống thông gió. Trong tường nhà đóng những tấm gỗ chuyên dụng, không có chất dầu và không có mùi lạ (mùi khó chịu), có thể đặt các tổ yến giả, tạo môi trường trong nhà nuôi giống như môi trường thiên nhiên, có như vậy chim yến mới bay về cư ngụ và làm tổ, vấn đề còn lại là tổ chức nuôi thế nào hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Hường cùng thôn 9 cho biết, giai đoạn hiện nay là thời điểm tốt nhất nuôi chim yến ở nước ta vì biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho nhiệt độ trái đất tăng cao, hiện tượng động đất và sóng thần tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cháy rừng, phá rừng ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái chim yến khu vực bán đảo Borneo, khiến cho chim yến phía Nam di cư về phía Bắc.

Chứng cứ khoa học đó được kiểm chứng, với hiện tượng chuyển vùng sống (ví dụ như Bảo Lộc, chẳng ai nghĩ sẽ nuôi được chim yến), quần thể chim yến ở VN ngày càng tăng nhanh sẽ là yếu tố quan trọng nhất cho nghề này phát triển. Ngoài các tỉnh ven biển, qua khảo sát của các nhà chuyên môn, điều kiện tự nhiên, môi trường, vị trí các tỉnh ĐBSCL và TP. HCM, Bình Phước, Lâm Đồng… rất thuận lợi cho việc phát triển loại chim quý hiếm này.

Ông Nguyễn Văn Trọng, hiện ở khu phố 1, TP. Bảo Lộc tâm sự: “Cuối năm 2009 trong một lần đi du lịch ở Nha Trang, Khánh Hòa, thấy ở đây họ nuôi chim yến rất nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đêm về tôi cứ trằn trọc mãi, không biết ở trên cao như vậy có nuôi được chim yến không, chim có về không, khí hậu thuận lợi không… Năm 2010 trong lúc chờ quyết định nghỉ hưu, tôi chưa biết kiếm việc gì để làm cho đỡ buồn, thì có một người bạn gợi ý nuôi chim yến. Thấy cũng hay hay và nghĩ có thể nuôi được chim yến, tôi lặn lội tìm kiếm tài liệu, sách báo, đi tham quan những cơ sở nuôi trước để học hỏi kinh nghiệm và quyết định về sửa cái quán sửa xe, lắp đặt thiết bị âm thanh “ dẫn dụ” loại chim có giá trị kinh tế này”.

Ông Trọng cũng là người đầu tiên ở Bảo Lộc gặt hái được sản phẩm tổ yến, cụ thể từ tháng 6/2011 đến nay, mỗi tháng ông thu hoạch bình quân được 500- 600 gr (100 gr = 8 tổ) có tháng thu cao hơn. Giá bán tổ yến thô từ 35- 40 triệu đồng/kg, nếu qua sơ chế thì giá sẽ cao hơn.

Ông Trọng cho biết, ngày đầu tiên bật máy dẫn dụ đã có chim bay về, lúc đầu vài con, rồi vài chục con, rồi vài trăm con bay về, nhờ điều kiện và môi trường nhà nuôi tốt, tới nay đàn chim yến của ông lên đến hàng nghìn con. Khi yến về nhiều, phải xây thêm phòng cho chúng ở. Hiện nay diện tích nuôi chim yến trong nhà là 150 m2.

Theo ông, chim yến sống ở Bảo Lộc làm tổ không khác so với tổ yến ở núi đá ngoài biển, đảo. Tổ yến được tạo ra bằng chính nước bọt của yến tiết ra và kéo thành sợi nhỏ, cuốn lại giống hình vỏ sò gọi là yến sào. Chim yến kéo về làm tổ không chỉ báo hiệu điềm lành, mà theo các nhà chuyên môn, tổ chim yến là thực phẩm chứa trên 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết, rất tốt cho cơ thể con người, nhất là việc tái tạo máu, ổn định thần kinh, chống lão hóa và ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra tổ yến còn chế biến được nhiều món ăn bổ dưỡng, giúp bình phục sức khỏe nhanh cho người sau khi mổ, phụ nữ sau khi sinh, bồi bổ cho người già bị suy nhược sức khỏe, em bé kém ăn…

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất