| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cua, chạch đồng ở Hà Nội

Thứ Năm 26/08/2010 , 09:25 (GMT+7)

Chuyện nuôi cua, chạch đồng là một ý tưởng khá mới mẻ ở miền Bắc. Còn nhớ mấy năm trước tôi từng đến thăm mô hình dạng này ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) nhưng quy mô làm khá nhỏ...

Chuyện nuôi cua, chạch đồng là một ý tưởng khá mới mẻ ở miền Bắc. Còn nhớ mấy năm trước tôi từng đến thăm mô hình dạng này ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) nhưng quy mô làm khá nhỏ, khu nuôi ngay ở những chân ruộng trũng. Không chỉ nuôi cua, chạch đồng mà hộ nông dân ở đây còn kết hợp nuôi cả cá rô đồng.

Tuy nhiên hiệu quả cũng như kỹ thuật nuôi vẫn còn khá khiêm tốn. Người chủ ở đây cho biết, vào những lúc mưa to, gió lớn, cá rô vẫn bị rạch đi, thất thoát khá nhiều do bờ bao vẫn còn khá sơ sài.

Rút kinh nghiệm từ mô hình đó, đợt này Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức một mô hình nuôi cua, chạch đồng khá bài bản tại thôn Đống Long, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa với sự tham gia của hai hộ nông dân là ông Tạ Quang Dự và Hoàng Tiến Lộc, tổng diện tích mô hình 3 ha. Hòa Lâm là vùng chiêm trũng điển hình của huyện Ứng Hòa với nghề nuôi thủy sản khá phát triển, thu hút cả trăm hộ tham gia. Cảm nhận đầu tiên là công tác quy hoạch, bờ bao làm khá tốt. Bờ đắp đất cao, có quây nylon xung quanh để tránh thất thoát. Trong ruộng nuôi không còn cảnh trống không như ở Quốc Oai mà đã có những bờ đất được đắp nổi, trên đó trồng dày đặc cây điền thanh.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội việc trồng điền thanh trên bờ giả là sáng kiến của các hộ tham gia mô hình giúp những hôm trời nắng 37-38 độ cua vẫn mát mẻ vì trú dưới gốc cây. Không chỉ có thế, trồng điền thanh trên bờ giả còn có bộ rễ rất rộng, chống hiện tượng lở đất do cua đào xới lung tung. Cũng theo ông Chí khi lột xác, thân cua rất yếu mềm (yếu như cua bấy-PV) nên dễ bị các động vật khác và cả chính những con cua khỏe mạnh ăn thịt. Vì vậy phải đắp bờ giả đủ dài để cho cua làm hang, lẩn tránh kẻ thù cũng như làm mát cơ thể khi trời nóng bức… Mặt ruộng ở khu nuôi trồng được thả bèo cái, được giữ lại cả lúa chét (lúa tái sinh sau khi gặt-PV) để làm chỗ trú ngụ và thức ăn bổ sung cho cua, chạch.

Ông Hoàng Tiến Lộc chính là một trong ba mô hình của Hà Nội về nuôi cá trắm, chép giòn nay lại tham gia cả nuôi cua, chạch đồng nữa. Ông cho biết giá xuất cá giòn 70.000-90.000đ/kg tùy loại đã cho lãi khá nhưng nếu thuận buồm xuôi gió, việc nuôi cua chạch có thể lãi hơn nhiều. Cái khó của mô hình nuôi chạch, cua đồng hiện nay là chưa chủ động sản xuất được giống nên giá mua khá đắt, kích cỡ lại không được đồng bộ.

Ông Tạ Quang Hảo-Trưởng Trạm khuyến nông Ứng Hòa cũng đồng tình với nhận định trên bởi để có được số lượng cua, chạch cho mô hình của ông Hoàng Tiến Lộc thả 3 tạ chạch, 1,5 tạ cua giống còn ông Tạ Quang Dự thả 3 tạ cua, 5,5 tạ chạch, đơn vị đã phải rất vất vả trong việc làm đầu mối để thu gom của các thương lái, người đánh dậm kể cả vài kg một lần. Cua giống được thả với kích cỡ bằng đầu ngón tay (200 con/kg), chạch bằng đầu đũa (400 con/kg). Giá chạch giống mua vào 150.000đ/kg, cua khoảng 80.000đ/kg. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 40% tiền giống, 20% tiền thức ăn, vật tư. Thời gian thả mới khoảng ngót ba tháng nhưng hiện tại các hộ tham gia mô hình đã thu tỉa cua bằng hình thức đặt rọ, chọn bắt những con to. Giá bán cua đồng dao động 100.000-120.000đ/kg, đem ra chợ bao nhiêu hết bấy nhiêu, không bao giờ phải lo ế.

Theo anh Nguyễn Hồng Sơn-cán bộ phụ trách kỹ thuật thủy sản của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cua đồng, chạch đồng là những loài thuỷ sản nội đồng rất phong phú trên đồng ruộng của Việt Nam từ xưa tới nay. Tuy nhiên, những năm gần đây do sự phát triển của xã hội, do các biện pháp canh tác mới trong nông nghiệp cũng như sự phát triển của các làng nghề đã làm cạn kiệt các loài này ngoài tự nhiên, làm cho chúng trở nên khan hiếm. Việc nuôi cua chạch sẽ mở ra một hướng làm ăn mới. Mật độ thả cua nên 5 con/m2, chạch 20 con/m2 với thức ăn hàng ngày là thức ăn tinh bột (bột ngô, cám gạo...) bằng 1% khối lượng giống thả ngoài ra mỗi tuần bổ sung 2 - 3 lần đạm động vật như ốc bươu vàng, cá tạp, tôm tép...

Định kỳ mỗi tháng 2 lần sử dụng chế phẩm sinh học EMC để xử lý môi trường nước với lượng 2lít/1.000m3 nước. Điều lưu ý là trong nuôi cua phải tạo những bờ đất để cua làm hang chú ẩn trong quá trình lột xác sinh trưởng, hệ thống mương xung quanh ruộng thả các loại thuỷ sinh như bèo tây, rau muống... để hỗ trợ xử lý môi trường nước cũng như che mát cho cua, chạch trong quá trình nuôi.

Cái hay của mô hình nuôi cua, chạch đồng ngoài đầu ra vô cùng thuận lợi còn có ưu điểm chỉ đầu tư giống ban đầu do cua chạch đều có khả sinh sản khá dễ dàng, nếu có thả giống vụ sau cũng chỉ bổ sung thêm số lượng không đáng kể. Cái hay nữa là ruộng nuôi cua vụ mùa, vụ xuân cấy lúa ít phải bón phân bởi ruộng đã được cua chạch sục bùn, bởi dư lượng chất thải của chúng bồi dưỡng thêm độ màu mỡ…

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm