| Hotline: 0983.970.780

Nuôi đặc sản vùng Đông Bắc: Bài 3 - Kỳ tích từ con rươi

Thứ Năm 04/07/2019 , 10:47 (GMT+7)

Từ xa xưa cha ông quan niệm rươi đẻ từ đất. Đến mùa rươi nổi lên sinh sản dân vớt được coi đó là lộc trời. Nay, nuôi rươi từ giống sinh sản nhân tạo.

Cho rươi đẻ nhân tạo

Khi nhận đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống rươi thì anh Cao Văn Hạnh - Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Bộ NN-PTNT, quyết định xách ba lô về vùng rươi An Lão, Hải Phòng, lập một lán trại ven sông Văn Úc nằm vùng nghiên cứu xem con rươi sinh sản ra sao.

Rươi được coi là "lộc trời".

Qua một số tài liệu nghiên cứu sơ bộ trước đó cùng những ngày đêm dầm mình sông nước, lội khắp các ruộng rươi dân nuôi, Hạnh nhận ra quan niệm “rươi sinh từ đất” như trong dân gian lâu nay hoàn toàn sai.

Rươi có con đực con cái. Mùa sinh sản, “tháng chín đôi mươi tháng mười mùng năm”, rươi đực rươi cái đồng loạt nổi lên trôi về phía cửa biển nơi nước mặn hơn để sinh sản. Đoạn nổi lên chính là bộ phận sinh dục của chúng. Phần thân nằm lại phân hủy trong đất.

Thu hoạch rươi.

Rươi thụ tinh trong môi trường nước lợ. Ấu trùng rươi hình thành trôi theo sông nước vào sinh sống trong bùn đất bờ bãi các cửa sông, ruộng đồng. Người có kinh nghiệm nuôi rươi biết đón bọt nước chứa ấu trùng rươi tháo vào ruộng cho chúng sinh sống ở đấy chờ đến mùa rươi năm sau sẽ được thu hoạch.

Nuôi rươi bằng kinh nghiệm truyền thống như thế chỉ là may rủi, năm có năm không, làm sao biết được trong nước trùng rươi nhiều hay ít.

Hệ thống cống thu rươi.

Anh Hạnh nói nuôi rươi kể cả giỏi như dân vùng Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương vẫn thấy năng suất cứ ngày một kém dần. Lý do đơn giản rươi nay đã thành thực phẩm giá trị với giá bán rất đắt lên đến nửa triệu đồng một ký nên bị khai thác triệt để bằng đủ loại dụng cụ rất ít khi bỏ sót.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường, nhà máy xả thải càng khiến rươi tự nhiên khan hiếm. Mùa sinh sản rươi bị đánh bắt triệt hết lấy đâu ấu trùng cho những mùa sau. Chuyện rươi sinh ra từ đất chỉ là trong tưởng tượng.

Rươi nay đã thành thực phẩm giá trị với giá bán rất đắt lên đến nửa triệu đồng một ký.

Hạnh và các cộng sự lọ mọ cùng con rươi nhiều tháng liền. Từ phân biệt rươi bố mẹ, thu tinh thu trứng thụ tinh nhân tạo trong các điều kiện nhiệt độ và độ mặn, quan sát các giai đoạn phân chia tế bào cho đến lúc phân râu phân nang nở thành ấu trùng với hàng nghìn mẫu ảnh được chụp qua kính hiển vi.

Đúc kết quan trọng rươi sinh sản hữu tính khá hoàn chỉnh và nhóm nghiên cứu đã có thể chủ động sinh sản nhân tạo.

Thế mà đêm nằm nghĩ Hạnh vẫn chưa tự tin lắm, sợ thí nghiệm với nguồn nước tự nhiên có thể sai số lớn. Anh và cộng sự lại mang rươi bố mẹ về thẳng Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc ở quận Dương Kinh – Hải Phòng, nơi không phải là vùng phân bố tự nhiên của rươi, tiếp tục làm lại các thí nghiệm ban đầu. Đến lúc ấy mới khẳng định thành công. Đó là năm 2015.

200 mẫu rươi từ một cơ duyên

Anh là Vũ Văn Lưỡng, xã Toàn Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng. Người mà khi tôi gặp, lục tìm trí nhớ rồi tra cứu thì đúng chính xác là anh, một cao thủ rươi.

Cuối năm 2016, trong một bài viết về rươi trên báo Nông nghiệp Việt Nam, có một bạn đọc comment dưới bài viết nói các anh nuôi rươi rất thành công, muốn hợp tác với tất cả bà con nuôi rươi, nếu không thành công thì sẽ đền. Ký tên: Vũ Văn Lưỡng, ĐT: 0934342766 và 0913515776.

Giờ thì tôi ngồi trước anh đây, ngay tại nhà anh, cùng với anh Cao Văn Hạnh, tác giả đề tài sinh sản rươi nhân tạo, uống rượu nếp cái hoa vàng nhấm cùng các món rươi rán rươi xào, nồi canh rạm vừa bắt dưới ruộng rươi lên. Tôi đùa rằng cao thủ gặp nhau, nhà khoa học bắt gặp nông dân giỏi.

Ruộng nuôi rươi.

Lưỡng kể, anh quá mê rươi, khắp miền Bắc này nghe nói ở đâu nuôi rươi là anh tìm đến, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tứ Kỳ - Hải Dương, sang Nam Định, Thái Bình, tận Nghệ An, Thanh Hóa anh cũng tìm vào xem họ khai thác hoặc nuôi rươi thế nào.

Một lần tình cờ nghe nói có một nhóm khoa học đang nghiên cứu con rươi ở bên An Lão, anh tìm đến tận nơi. Đó chính là nhóm của anh Cao Văn Hạnh - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, họ đang nghiên cứu đề tài cấp Bộ về rươi. Một người lăn lộn về rươi như anh Lưỡng, thế mà giờ mới được tận mắt biết thế nào rươi đực rươi cái, ấp nở ra sao, con ấu trùng thế nào, thả nuôi, cách thức cho ăn cùng các loại thức ăn…

“Tôi sướng quá, bảo các chú về nhà tôi ở tha hồ nghiên cứu chứ ở đây làm gì cho khổ. Cơm nước mọi thứ tôi lo hết”, anh Lưỡng vui vẻ kể lại.

Lỗ rươi.

Thế rồi cuộc gặp giữa anh Lưỡng và anh Hạnh thành một cơ duyên, cho cả hai. Anh Lưỡng đồng ý thả giống (ấu trùng) rươi, quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của nhóm nhà khoa học cho trên 12 mẫu ruộng ngoài đê bao của mình. Kết quả thu mẻ rươi đầu tiên anh Lưỡng nằm mơ cũng không thể tin nổi: 4,8 tấn. Tổng thu vụ nuôi rươi năm 2016 đó đạt 6 tấn. Rươi thu đến đâu thương lái chờ sẵn trên bờ xỉa luôn tiền tươi đến đấy. Tổng được 2,5 tỷ đồng. Kết quả vượt gấp quá xa cách nuôi truyền thống của anh, mỗi vụ được lắm cũng chỉ vài tạ.

Năm 2017 anh Lưỡng cải tạo lại khu ruộng thành 14 mẫu mặt nước, tiếp tục thả giống rươi, cuối vụ lại bất ngờ tiếp: thu 8,7 tấn rươi, bán 4 tỷ.

Tương tự, cũng chỗ ruộng đó, năm 2018 anh lại thả giống rươi, thu hoạch sản lượng không bằng năm trước nhưng vẫn đạt trên 7 tấn rươi thương phẩm.

Rươi chờ xuất bán.

“Vẫn là sản lượng trong mơ”, anh Lưỡng nói và cho biết do 2018 anh dành thời gian quá nhiều cho việc đi thuê đất và mở mang làm ăn nên chăm sóc không tốt, còn năm nay, qua khám các lỗ rươi thì khẳng định vụ này có thể đạt sản lượng cao nhất.

“Kinh nghiệm với tôi là không được bảo thủ mà hãy lắng nghe. Làm nhiều thì vỡ ra nhưng mấu chốt là phải học hỏi. Nuôi con rươi cũng như con lợn con gà, phải có hướng dẫn chứ đừng làm mò”, anh Lưỡng đúc kết.

Cấy một vụ lúa (đông xuân, bỏ vụ mùa tạo môi trường tốt hơn) kết hợp thả giống rươi, vụ rươi 2019 nhóm anh Lưỡng đã mở rộng được gần 200 mẫu rươi khắp vùng Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Uông Bí (Quảng Ninh)…

Họ trở thành những chuyên gia hướng dẫn, mời gọi nông dân khắp nơi cùng nhau nuôi rươi.
 

Lan tỏa

Anh Lưỡng đưa tôi đi thăm cánh đồng rươi 6ha ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, đầu năm nay ông Đoàn Văn Vươn nhượng lại cho họ làm rươi lấy làm mô hình học hỏi.

Ông Vươn nổi tiếng trong một vụ cưỡng chế đất trước kia ở Tiên Lãng, Hải Phòng, con người chịu khó, quai đê lấn biển mở mang đất đai, thả cá trồng cây và nuôi vịt biển.

Đất ruộng đã có rươi trưởng thành.

Đất đai vùng bờ bãi của gia đình ông nhiều mênh mông nhưng hiệu quả chưa tương đồng. Hạnh nói đất vùng ngoài đê các huyện ven biển Hải Phòng vô cùng nhiều nhưng hầu hết khai thác chưa hiệu quả nên nuôi rươi sẽ là một hướng đi mà các anh đang cố gây dựng mô hình.

Xã Vinh Quang nơi chúng tôi đến, từ lãnh đạo xã đến các chủ ruộng như các ông Đỏ, Khánh, Bìa, Vinh, Hùng Anh… đều chú ý học hỏi và bắt đầu thả giống nuôi rươi.

Cách tập huấn cũng lạ, họ tập trung về nhà anh Lưỡng, khi các nhà khoa học dạy nhà nông nuôi rươi thì anh Lưỡng thịt gà, xào rươi, chuẩn bị rượu để buổi tập huấn thêm phần vui vẻ…

Đầm nuôi rươi do anh Lưỡng thuê đất của ông Đoàn Văn Vươn.

Chất lượng rươi nuôi tốt hơn rươi tự nhiên

Thức ăn tự nhiên của rươi là mùn bã hữu cơ và nhóm vi khuẩn cố định đạm trong đất.

Rươi nuôi

Nuôi rươi cần bổ sung thức ăn hỗn hợp với đầy đủ thành phần dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển được chế biến thành viên bón ngấm vào đất.

Rươi nuôi chất lượng hơn rươi tự nhiên nhờ được ăn thức ăn bổ sung sẽ có được sản phẩm sinh dục tốt hơn, đây chính là phần thu để làm thực phẩm.


>>Nuôi đặc sản vùng Đông Bắc: Bài 2 - Nuôi con bảo vệ môi trường biển

>>Nuôi đặc sản vùng Đông Bắc: Bài 1 - Miệt mài cùng con cá nhụ

>>Nuôi cá tầm lãi 2 triệu đồng/m3/vụ

>>Nuôi cá chẽm cửa biển Quảng Trị

>>Thử nghiệm nuôi tôm hùm... trên bờ

>>Làng nuôi cá lồng đổi đời!

>>Sự thống trị của con cá mú lai

>>Nuôi cá bớp 'đớp' tiền

>>Nuôi ốc hương công nghiệp mật độ siêu dày

>>Sản xuất nhân tạo giống hải sâm quý

>>Cặp đôi hoàn hảo ốc hương, hải sâm

>>Đột phá nhân tạo giống cá song vua

>>Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Ảnh: Tùng Đinh

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm