| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dê trên... thuyền

Thứ Ba 17/11/2015 , 07:14 (GMT+7)

Thoạt nghe chuyện nuôi dê trên thuyền như là chuyện…bịa, chuyện hài hước. Nhưng đó là chuyện thật 100%.

Nó đang trở thành mô hình kinh tế mới ở khu vực hồ Thác Bà (Yên Bái) để tận thu nguồn cỏ vô cùng dồi dào ở 1.300 đảo…

Hồ Thác Bà rộng 23.400 ha nằm trên hai huyện Yên Bình và Lục Yên, phần bụng hồ nằm chủ yếu ở huyện Yên Bình. Những trái núi sau khi bị ngập nước đã trở thành những hòn đảo trên mặt hồ mênh mông, với tổng diện tích chừng 4.300 ha.

Trên các đảo, trước đây là rừng, vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, người dân phá rừng làm nương rẫy, biến những cánh rừng xanh tốt thành đất trống đồi núi trọc, các đảo nổi giống như đầu ông sư trọc lốc nổi lênh trên mặt nước.

Sau này kinh tế đồi rừng phát triển, người dân trồng rừng trên các đảo hồ, họ trồng chủ yếu là cây nguyên liệu giấy: Keo, mỡ, bồ đề, bạch đàn. Dưới tán rừng trồng là nguồn cỏ dồi dào. Nhiều hộ dân mang trâu, bò, dê ra thả trên các đảo hồ đó. Nhưng ngặt một nỗi, do nước hồ chia cắt, các đảo độc lập nên mỗi đảo chỉ nuôi được một số gia súc tùy theo diện tích của đảo, khó phát triển thành đàn lớn.

Người đầu tiên nghĩ việc di chuyển đàn gia súc từ đảo này sang các đảo khác bằng thuyền là ông Cao Văn Vượng, tổ 18, thị trấn Yên Bình. Mới đầu ông lùa đàn gia súc lên thuyền chở sang các đảo khác, tối lại lùa chúng lên thuyền chở về đảo hồ của gia đình mình, làm thế thì bất tiện quá.

09-51-16_1
Ông Cao Văn Vượng ngồi chờ nắng để lùa dê lên đồi

Ông nghĩ: Nên biến chiếc thuyền thành chuồng nhốt dê, vừa tiện lại vừa chủ động, không mất công lùa chúng lên thuyền, xuống thuyền mà chở đi lúc nào cũng được. Nghĩ vậy nên ông đóng sàn và hàn khung sắt, giăng lưới mắt cáo… biến chiếc thuyền thành chuồng nuôi dê.

Để huấn luyện chúng trở về thuyền đúng giờ, hàng ngày ông đặt muối vào các ống nứa cho chúng liếm mỗi khi trở về chuồng. Từ đó đã tạo ra thói quen ăn muối cho đàn dê, nên không phải chạy khắp đồi xua đuổi cho mệt thân.

Mỗi đảo hồ chăn thả vài ba ngày, hết cỏ ông lại chở chúng sang đảo hồ khác. Cứ thế chiếc thuyền nuôi dê của ông ngao du khắp các đảo hồ, đàn dê sinh sôi mạnh và lớn nhanh không ngờ. Nhưng do dê cỏ tầm vóc nhỏ bán không được giá nên ông đưa giống dê lai về lai tạo, để cải tạo tầm vóc cho đàn dê.

09-51-16_2
Con dê để lai tạo đàn dê nhà ông Cao Văn Vượng

Ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT Yên Bình chia sẻ: "Với trên 1.300 hòn đảo, rất thuận tiện cho việc phát triển đàn dê du mục trên thuyền. Số dê đang nuôi trên các đảo hồ ước trên 4.000 con, nếu tận dụng hết nguồn cỏ thì nuôi được khoảng 10.000 con.
Hiện chỉ có 5 gia đình nuôi dê trên thuyền, trong tương lai huyện sẽ hỗ trợ để phát triển nghề này nhằm tận dụng nguồn cỏ tự nhiên sẵn có trên các đảo…".

Thuyền nuôi dê của gia đình ông hiện có gần 100 con, có khách gọi ông lại chở đàn dê cập bến bán 5-10 con, tính ra mỗi năm ông thu chừng 75-80 triệu đồng từ tiền bán dê, chưa kể tiền kinh doanh đồi rừng.

Sau cơn mưa đầu đông chúng tôi đến thăm ông Vượng trên hồ Thác Bà, ông đang ngồi hút thuốc lào trên thuyền, hỏi sao đã hơn 8 giờ sáng mà sao ông chưa lùa dê lên đồi, ông Vượng thủng tẳng đáp: "Đất đồi đang ướt, trời lại lạnh cho chúng đi ăn sớm như thế này thì thối hết móng chân…".

Từ thuyền nuôi dê của ông Vượng nhiều hộ khác học theo, họ cũng đóng thuyền làm chuồng nuôi dê. Ông Lương Quốc Bình ở tổ 8 đóng chiếc thuyền sắt 160 triệu, nuôi dê được 6 năm rồi, nay khấu hao chỉ còn 60 triệu.

Ông cho hay: "Thuyền của gia đình tôi nuôi được gần 200 dê, hiện trong chuồng có 130 con, hàng ngày chỉ có việc mở cửa và bắc cầu cho chúng lên đảo, chiều bắc cầu cho chúng trở về thuyền, thời gian còn lại tôi chăm sóc hơn 10 ha rừng trồng…

Tiền bán dê mỗi năm trừ hết chi phí: Xăng dầu chạy máy, khấu hao…còn được gần 100 triệu, tiền bán cây rừng là để làm những việc lớn trong nhà. Tội cái, sống ở trên hồ một mình với đàn dê thì buồn quá. Hôm nay chủ nhật lũ trẻ được nghỉ học nên bà xã ra đây chăn dê với tôi nên cũng vui…".

09-51-16_3
Thuyền dê của gia đình ông Lương Quốc Bình

Nói rồi ông Bình cười khích khích bắc cầu mở cửa chuồng cho đàn dê lên đồi. Nhìn đàn dê mỡ màng nối đuôi nhau leo đồi, chúng kêu be be ầm ĩ nghe rất sướng tai.

Ông Bình cho biết: "Các anh nhìn đàn dê của gia đình tôi con nào cũng béo như thế kia, nên khách hàng rất thích. Hễ họ "a lô" là có ngay. Giá dê nhà tôi lúc nào cũng 130.000 đ/kg, không mặc cả…".

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm