| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dê - Từ 'đóng thế' thành kinh tế chủ lực

Thứ Ba 02/06/2020 , 10:16 (GMT+7)

Phong trào nuôi dê ở Bình Phước đang phát triển mạnh mẽ và là công cụ xây dựng kinh tế bền vững của nhiều hộ gia đình...

Đi dọc theo tuyến đường Quốc lộ 13 tiếp nối đoạn đường ĐT 759B thuộc địa phận tỉnh Bình Phước, phóng tầm mắt, xen lẫn giữa đại ngàn rừng cao su thẳng tắp, vườn tiêu xanh mướt, thấp thoáng là những chuồng dê to, nhỏ nằm rải rác khắp nơi…

Đến với xã biên giới huyện Bù Đốp, ai cũng biết về trang trại nuôi dê của ông Nguyễn Chí Tiến ngụ thôn 10, xã Thiện Hưng bởi ông là một trong những người đầu tiên đem con dê về địa phương để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Tiến ổn định kinh tế từ đàn dê của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Chí Tiến ổn định kinh tế từ đàn dê của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tiến quê ở tỉnh Ninh Bình, vào Bình Phước lập nghiệp mang theo hành trang “tha hương cầu thực” là nghề nuôi dê núi. Sau nhiều năm làm thuê, làm mướn ông đã tích lũy được số vốn. Năm 2000 ông quyết định về quê đem dê vào Nam nuôi thử nghiệm. Không ngờ con dê lại bén duyên với đất Bình Phước. Bất kỳ cỏ, cây gì có trong vườn dê đều ăn được, nhất là cây keo, cẩm lai dùng làm trụ sống để trồng tiêu đều là món ăn khoái khẩu của dê.

Do thích nghi với khí hậu Bình Phước nên dê sinh sản cũng rất nhanh. Từ 2 cặp giống ban đầu, sau 3 năm, ông Tiến đã có đàn dê hàng chục con. Để duy trì sản xuất, dê đực ông bán đi, dê cái đẹp giữ lại, hiện số lượng dê trong chuồng của ông lúc nào cũng có trên 50 con.

Theo ông Tiến, hiện giá dê (hơi) dao động 70.000 đến 80.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 130.000 đồng/kg, với đàn dê 50 con thường xuyên có trong chuồng, mỗi năm ông thu lãi trên 200 triệu đồng. “Chưa thấy con vật nuôi nào mà “ăn cỏ lại đẻ ra tiền” nhanh như con dê!”, ông Tiến dí dỏm nói.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng, Phạm Đình Thoại cho biết: Thiện Hưng là xã biên giới khó khăn, từ hiệu quả con dê, địa phương phát động phong trào giúp nhau giảm nghèo. Theo đó, hộ nhiều dê cho hộ khó khăn mượn giống, sau 2 năm lấy lại dê mẹ, đến nay, toàn xã có gần 1.000 hộ nuôi dê, số hộ thoát nghèo từ dê cũng năm sau cao hơn năm trước...

Ông Nguyễn Tuấn Thiện -  Phó Giám đốc  HTX dê Thanh Phú giới thiệu mô hình dê của HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Tuấn Thiện -  Phó Giám đốc  HTX dê Thanh Phú giới thiệu mô hình dê của HTX. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ ở các huyện biên giới, phong trào nuôi dê còn lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đơn cử tại thị xã Bình Long, chỉ tính riêng ở 2 xã Thanh Lương, Thanh Phú đã có hơn 500 hộ nuôi dê.

Xuất phát từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn tới việc bị thương lái ép giá, các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn xã Thanh Phú (Bình Long) đã tập hợp, đoàn kết lại, từ đó cho ra đời HTX Chăn nuôi dê Thanh Phú với 16 thành viên, tổng đàn dê hơn 320 con.

Chị Nguyễn Thị Kiên, xã viên HTX dê Thanh Phú chăm đàn dê của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Chị Nguyễn Thị Kiên, xã viên HTX dê Thanh Phú chăm đàn dê của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Hơn 3 năm trở lại đây, gia đình xã viên Nguyễn Thị Kiên ngụ xã Thanh Phú đã khá lên từ nuôi dê. Từng là hộ nghèo của xã, công việc chính là đi làm thuê làm mướn, với số vốn dành dụm được, ban đầu chị chỉ nuôi 2 con dê cái sinh sản, việc phối giống phải nhờ dê đực của anh em trong HTX. Nhờ học tập kinh nghiệm của các xã viên đi trước, đồng thời, qua bàn tay khéo léo, chịu khó chăm sóc. Với 8 con dê sinh sản, 1 dê đực giống, mỗi năm chị bán ra thị trường 20 dê thịt đem lại thu nhập không dưới 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Thiện, Phó Giám đốc HTX dê Thanh Phú chia sẻ, tham gia vào HTX lợi ích trước hết là thành viên trong HTX được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc HTX và bản thân ông theo dõi, nắm tình hình giá cả và nhu cầu thị trường, rồi thông tin cho các thành viên để tính toán hợp lý chu kỳ xuất chuồng và giữ vững ổn định sản lượng hiện có từng hộ.

Thức ăn dành cho dê đều tận dụng từ nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Thức ăn dành cho dê đều tận dụng từ nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang rơi vào khó khăn, việc xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi được cho là giải pháp ổn định và lâu dài.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước mô hình này vẫn còn thiếu và yếu, cần được đầu tư thúc đẩy phát triển. Xác định hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi nói chung và ngành nuôi dê nói riêng, tỉnh Bình Phước đã có chính sách đầu tư, thúc đẩy chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc tạo ra sản phẩm an toàn, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch góp phần gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 20% so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi.

Theo bà Tuyết, cùng với ban hành cơ chế, chính sách, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động của chuỗi như hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm của chuỗi liên kết….

Xem thêm
Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất