| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà lấy trứng ấp, mở mắt đã lượm tiền

Thứ Ba 04/06/2019 , 10:00 (GMT+7)

Đang thắng lớn khi nuôi gà siêu trứng, anh Lưu Trần Đình Châu (39 tuổi) ở xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn, Bình Định) bỗng phá chuồng, làm chuồng mới chuyển sang nuôi gà lấy trứng giống.

Bà con trong nghề chăn nuôi ở địa phương ai cũng lấy làm lạ, và tiếc rẻ cho cuộc chăn nuôi của anh Châu đang ăn nên làm ra.

Bây giờ anh Châu bắt đầu thu trứng giống bán được giá cao, trong khi trứng gà thương phẩm trên thị trường tuột giá mạnh, ai nấy đều khâm phục bước chuyển ngoạn mục.

Nhạy cảm với thị trường

Anh Lưu Trần Đình Châu vốn ở xã Nhơn Thọ, là người rất say mê chăn nuôi. Nhưng ngặt nỗi nhà không có đất nên năm 2010 anh qua xã láng giềng là xã Nhơn Lộc thuê 5.000m2 đất để khởi nghiệp.

3.000 gà mái và 300 gà trống được thả nuôi chung trong 1 dãy chuồng

Trên đất mới, Châu nuôi luôn một lèo 4.000 con gà thịt. Thời điểm ấy gà thịt có giá rất cao, luôn ổn định trên 60.000đ/kg, mỗi con gà khoảng 1,7kg bán được 110.000đ. Mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, giá gà thịt ổn định kéo dài đến cuối năm 2015, sau khi trừ tất tần tật chi phí, mỗi con gà còn lãi ròng 30.000đ, vị chi lứa gà ấy anh bỏ vào “hầu bao” số tiền 120 triệu đồng.

Tháng 8/2017, thời điểm giá gà thịt hạ thấp, dao động từ 35.000 – 50.000đ/kg, lời lãi chẳng còn bao nhiêu, Châu lại chuyển sang nuôi 1.000 con gà siêu trứng. Đàn gà bắt đầu cho trứng đúng lúc trứng gà trên thị trường đang có giá cao.

Thắng to. Cuối năm 2017 Châu tăng đàn thêm 1.000 con nữa. Từ khi Châu bắt đầu nuôi gà siêu trứng đến cuối năm 2018 giá trứng luôn ổn định ở mức cao, 1.950 đ/quả, sau hạ còn 1.700 đ/quả, mức giá “ăn ngon” này kéo dài đến cuối năm.

Những chú gà trống đang ve vãn lũ gà mái để “đạp” phối giống

Không “ngủ quên trong chiến thắng”, anh Châu nghe ngóng thị trường và quyết định chuyển sang liên kết với 1 cơ sở sản xuất gà giống để nuôi gà lấy trứng giống.

Lúc Châu bán xác đàn gà siêu trứng chuyển sang nuôi gà lấy trứng giống đang trong lúc trứng gà thương phẩm trên thị trường đứng ở mức 1.700đ, rất ngon ăn, người chăn nuôi ở địa phương ai nấy đều “há hốc” ngạc nhiên.

Họ không hiểu vì sao anh chàng này lại từ chối “lượm tiền” từ đàn gà siêu trứng, mà lại chuyển sang nuôi gà lấy trứng giống, một nghề nuôi khá mới đối với người dân địa phương.

Chẳng bao lâu sau, giá trứng gà trên thị trường tuột dốc chỉ còn 1.350đ/trứng, đến khi ấy người chăn nuôi ở địa phương mới khâm phục sự nhạy cảm với thị trường của anh Châu.

Mở mắt ra là lượm tiền

Trước khi chấm dứt nuôi gà siêu trứng, Lưu Trần Đình Châu đã liên kết làm ăn với cơ sở sản xuất gà giống Ngụy Tân ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định).

Sau khi đạt thỏa thuận, anh Châu dỡ phá hết những dãy chuồng tầng trước đây nuôi gà siêu trứng, đầu tư thêm 300 triệu đồng để xây dựng dãy chuồng trệt có mái che kiên cố.

“Nuôi gà siêu trứng có thể làm chuồng tầng nên cần ít diện tích, còn nuôi gà lấy trứng giống gà trống phải đập mái trực tiếp nên phải làm chuồng trệt để lũ gà phối giống”, Châu cho biết.

Nhân công đang làm vệ sinh chuồng gà của anh Châu

Phương thức kiên kết giữa anh Châu với cơ sở sản xuất gà giống Ngụy Tân là nơi cung cấp cho anh 3.000 con gà mái và 300 con gà trống 1 ngày tuổi, mỗi con gà giống được tính giá 12.000đ/con. Trong quá trình nuôi, cơ sở có trách nhiệm cung ứng cho anh thức ăn chăn nuôi trong suốt chu kỳ.

Theo anh Châu, gà lấy trứng giống chịu nóng tốt hơn gà siêu trứng, nên dù thời tiết rất nắng nóng nhưng chúng vẫn phát triển tốt, ít bệnh vặt.

"Gà mái và gà trống được thả nuôi chung, mỗi con gà trống chịu trách nhiệm “đạp” 10 con gà mái, đó là theo phân bổ, chứ con trống nào khỏe thì “đạp” thoải mái, trứng đẻ ra vẫn bảo đảm có cồ", anh Châu chia sẻ.

“Nuôi gà lấy trứng giống không phải lo đầu ra, bởi cơ sở sẽ bao tiêu hết trứng giống để mang về ấp ra gà giống cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh. Giá lại cao và đầu ra cực kỳ ổn định. Hiện trứng giống được cơ sở thu với giá 4.500đ/trứng. Sau khi thu trứng, cơ sở sẽ trừ dần tiền con giống và thức ăn chăn nuôi mà cơ sở đã cung cấp.

Chu kỳ đẻ của gà mái kéo dài đến 12 tháng, tỷ lệ đẻ bình quân từ giai đoạn đẻ mạnh đến thời điểm đẻ yếu dần là 50%, nghĩa là 3.000 gà mái đẻ mỗi ngày 1.500 trứng, vị chi mỗi ngày tôi thu vào 6.750.000đ.

Chu kỳ đẻ của chúng là 365 ngày (12 tháng), tôi cầm chắc sẽ thu được số tiền là gần 2,5 tỷ đồng. Ước tính tiền giống, tiền thuốc thú y và tiền thức ăn cả chu kỳ cho lũ gà mất khoảng 1,5 tỷ đồng thì tôi cũng còn lãi 1 tỷ đồng/năm”, anh Châu tính toán.

“Sau khi lũ gà hết chu kỳ đẻ trứng, cơ sở còn cho mình hưởng trọn 3.000 con gà xác. Khi ấy, mỗi con gà xác đạt trọng lượng 2,5kg/con. Giá gà xác bao giờ cũng cao hơn gà thịt, bởi gà già nên thịt của chúng ngon hơn, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện gà xác có giá hơn 60 ngàn đồng/kg. Nếu đến lúc xả đàn gà mà gà xác còn đứng ở mức giá này, thì ngoài khoản lãi từ trứng giống, mỗi con gà xác tôi sẽ bán được 150.000đ, với đàn gà 3.000 con tôi sẽ có thêm được khoản tiền 450 triệu đồng nữa”, anh Châu phấn khởi cho biết thêm.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm