| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà nòi bán Tết

Thứ Sáu 23/12/2011 , 13:03 (GMT+7)

Nông dân Đặng Văn Kiển (Út Kiển), một trong những người đầu tiên ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, thành công trong việc lai tạo và nuôi ấp nở gà nòi lai...

Nông dân Đặng Văn Kiển (Út Kiển), một trong những người đầu tiên ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, thành công trong việc lai tạo và nuôi ấp nở gà nòi lai, chuyên cung cấp con giống và gà thương phẩm cho thị trường Tết.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Văn Kiển, chủ trang trại cho biết, trước đây gia đình có truyền thống cấy lúa, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Nghe nhiều người nói “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, anh chuyển qua đào ao nuôi cá, nuôi heo, nhưng vẫn chưa thấy khá lên được. Năm 2009 anh tiếp tục nuôi thêm gà thả vườn, trong suốt quá trình nuôi gà, thấy dáng cũng to, màu sắc đẹp, nhưng vẫn còn hạn chế như: khi làm thịt để ăn thì thịt chưa săn, chưa được thơm ngon lắm, không đáp ứng được nhu cầu sành ăn của nhiều “thượng đế”. Đêm về anh cứ trằn trọc suy nghĩ mãi và trong đầu lóe lên một ý tưởng phải lai tạo giống.

Ngay sáng hôm sau anh lặn lội lên huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tuyển mua được một số gà trống nòi (gà chọi) nặng 3,8 – 4 kg, mang về nuôi dưỡng và cho phối với giống gà mái của địa phương. Qua lai tạo và nuôi thử nghiệm, trại của Út Kiển cho ra đời thế hệ giống gà mới, có tính kháng bệnh cao, gà mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi. Nếu chăm sóc tốt, nuôi 3 tháng gà đạt từ 1,8 – 2 kg/con, màu sắc rất đẹp, đặc biệt chất lượng thịt gà rất thơm ngon, bán giá cao (giá bán gà thương phẩm thường cao hơn gà ta từ 15.000 – 20.000đ/kg). Nếu gà địa phương bán giá từ 70.000 – 80.000đ/kg thì gà nòi lai bán từ 100.000 – 120.000đ/kg. Đặc biệt gà nòi già, bán cho các nhà hàng để chế biến các món ăn đặc sản như: Gà nòi giả cầy, gà nòi nướng, gà nòi quay… với giá rất cao từ 120.000 – 160.000đ/kg.

Anh Kiển tâm sự: “Giống gà nòi này rất to khỏe, sức đề kháng tốt, ít bệnh, dễ nuôi lắm, từ khi nuôi chưa thấy bị bệnh gì. Ở dưới quê đất rộng, gà chạy nhảy vận động nhiều, gà mau lớn, thịt săn chắc lắm. Tết năm rồi, khách tới nhà chơi tôi chiêu đãi món thịt gà nòi lai, mọi người đều tấm tắc khen ngon”. Có cầu ắt có cung, thế là Út Kiển trở thành người chuyên cung cấp gà giống, gà thương phẩm. Ngoài việc nuôi gà thịt, anh Kiển cũng rất chú trọng sản xuất giống gà con, anh đã mua 2 máy ấp trứng với công suất 4.000 trứng/mẻ. Hiện nay, mỗi tháng anh cung cấp từ 4.000 - 5.000 con gà giống, bán với giá 14.000 – 15.000đ/con. Anh chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi gà nòi lai như sau:

Chuồng trại: Với lợi thế xung quanh là ao thả cá, ở chính giữa là khu đất trống trên 2.000m2 chỉ việc rào lưới B 40 và làm nhà lợp lá dừa cho gà trú ẩn lúc mưa nắng. Nền đất cao ráo, bên trên trải một lớp cát để tiện cho việc vệ sinh, xung quanh vườn có thể trồng bụi tre, cây me hay cây mít, hoặc cây dừa để tạo bóng mát, gà tha hồ chạy nhảy.

Thức ăn: Chủ yếu là lúa, cám gạo, cá biển, để bên cạnh những bình nước sạch. Có thể cho ăn thêm cám viên, trùn quế, để tăng năng suất trứng… Hiện nay trại của anh có 50 con gà trống nòi, để phối giống cho cả 1.000 con gà mái (vừa gà đẻ, gà hậu bị).

Cách lai tạo: Lấy gà trống nòi đã trưởng thành (gà chọi), chọn những con to khỏe, chân to, cao, tiếng gáy vang, da đỏ tươi, không bị dị tật, cho phối với gà ta của địa phương đã được chọn lọc để cho ra đời thế hệ gà mới có nhiều ưu điểm nổi trội. Gà con to khỏe, sạch bệnh, nuôi mau lớn, thịt thơm ngon.

Phòng trị bệnh: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện tốt chương trình tiêm phòng cho gà. Trước khi gà giống xuất chuồng đều được chích ngừa cẩn thận.

Để chuẩn bị số lượng gà thương phẩm bán trong dịp Tết Nhâm Thìn, cách đây mấy tháng anh đã chuẩn bị ấp nở gà giống, xây dựng một số vệ tinh, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng như phòng trị một số bệnh đơn giản, thu mua sản phẩm…

Anh Đặng Văn Chọn, người cùng ấp với anh Kiển cho hay: “Phải đăng ký mãi tôi mới mua được 200 con gà nòi lai, qua thời gian nuôi tôi thấy giống gà này mau lớn, thịt ngon, giá bán gà thịt rất cao, nuôi được con nào, mối tới tận nhà cân, không phải mang đi đâu hết”.

Tuy nhiên nếu muốn tăng đàn, thì lại gặp khó khăn về con giống, bởi vì tỉnh Long An mới có mình anh Kiển là người đầu tiên lai tạo con giống này, trong khi nhu cầu người nuôi rất lớn, cho nên chưa đáp ứng kịp. Tương tự, chị Nguyễn Thị Bốn, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, cho hay: “Tôi đặt hàng từ đầu năm ngoái, chạy tới chạy lui mãi cũng mua được 300 con gà nòi lai. Trước đây tôi đã từng nuôi gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, từ khi chuyển qua nuôi giống gà nòi lai thấy hiệu quả, mối lái vô tận chuồng để bắt gà mang giao cho các nhà hàng ở TPHCM”.

Ông Phạm Văn Mỹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quê Mỹ Thạnh, cho biết: “Trang trại nuôi ấp gà nòi lai của hội viên Đặng Văn Kiển là một mô hình mới, làm ăn rất hiệu quả, cần được nhân rộng. Hiện nay nhu cầu nuôi loại gà này của người dân địa phương rất lớn. Con giống sản xuất ra không đủ cung cấp cho các hộ nuôi ở trong xã. Do còn khó khăn về vốn cho nên muốn mở rộng quy mô sản xuất, thời gian tới rất cần các nguồn vốn hỗ trợ của địa phương”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm