| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà quân tử

Chủ Nhật 15/09/2019 , 07:10 (GMT+7)

Buổi sáng, tiếng của 50 con gà đá dưới chân cầu Cồn Tiên (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đồng loạt cất tiếng gáy. Chủ nhân của bầy gà chọi này là hai Hùng, 53 tuổi, có thâm niên hơn 40 năm nuôi gà chọi.

Bấy nhiêu năm “ăn ngủ” với nghề gà, hai Hùng khuyên dân chơi nếu máu me cờ bạc thì chỉ có chết. Nói về người bạn thân thiết của mình là gà, hai Hùng rút ra kết luận, gà đá là loại “chơi” quân tử nhất.
 

Đánh răng, lau mặt... gà

Pháp luật ở Việt Nam cấm trò chơi đá gà độ tiền và xếp trò chơi này vào diện cờ bạc đỏ đen. Nhưng ở các tỉnh phía Nam thì người chơi gà lách luật, sang Campuchia, vào các casino ầm ĩ tiếng hò reo trong những trận đá gà.

13-34-54_1_hi_hung_dnh_rng_g
Hai Hùng đang súc miệng cho gà chọi.

Nhiều người vẫn còn nghiện đá gà, vì trước năm 1975, xứ miền Tây sông nước có rất nhiều trường gà và trường gà nổi tiếng nằm ở vùng Sầm Giang tỉnh Kiên Giang. Những tay chơi gà là giới nhà giàu, ăn mặc bảnh bao, phì phèo thuốc Martell. Tại Sài Gòn cũng có nhiều trường gà, trong đó có trường gà của tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ tọa lạc cạnh căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.

Tiếng bầy gà vang dội dưới chân cầu Cồn Tiên đã làm vùng sông nước thêm phần huyền ảo, xa xăm và thú vị. Gà chọi ở vùng sông nước này khác với gà chọi ở các tỉnh miền Trung. Đó là loại gà có mào to, lông đuôi, cánh rực rỡ và đẹp mắt, giống như hình ảnh gà chọi được chạm khắc trong tranh dân gian Đông Hồ. Còn gà chọi ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi là gà trục, càng ít lông và mào càng nhỏ càng tốt. Vì lông nhiều sẽ bị đối thủ mổ bách phát bách trúng, kẹp chặt lông vào mỏ rồi tung giò đá vào ngực. Gà trục ở miền Trung thắng nhau vì dai đòn, còn gà chọi ở miền sông nước được gắn thêm cựa sắt vào chân. Cú đá móng vuốt sắt gây ra đòn nốc ao.

Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới và hai Hùng bắt đầu bắt tay vào công việc bận túi bụi với bầy gà chọi. “Tui nuôi gà hơn bốn chục năm rồi. Nuôi gà chọi bây giờ vẫn sướng hơn thời xưa nhiều lắm. Hồi xưa phải hớt lông, tắm cho gà, sáng nấu nước nóng, pha trà cho gà, tối thì 11 tới 12 giờ phải cho ăn uống. Còn nuôi gà chọi bây giờ thì chỉ lau mặt, chà giò, súc miệng chứ không tắm nữa” – hai Hùng cho biết.

Câu chuyện của hai Hùng về cách nuôi gà chọi, hóa ra cách thức nuôi gà chọi ở vùng sông nước khác với nuôi gà chọi ở ngoài miền Trung. Khi trời vừa sáng bạch, 2 người làm công đến để thực hiện khâu chăm sóc gà. Do đã quen gần người và được “đánh răng rửa mặt” vào mỗi buổi sáng, nên các chú gà đều ngoan ngoãn chờ bắt ra khỏi lồng. Những người làm công lấy nước lau mặt, bàn chải đánh răng thì chà rửa sạch chân. Màu nghệ vàng trôi theo dòng nước, chứng tỏ mỗi chú gà đều được bôi nghệ vào cặp giò trước giờ “lên giường” ngủ. Cách móc dãi gà để làm sạch miệng cũng được thực hiện khéo léo bằng chiếc khăn vải màn.

Hai Hùng châm điếu thuốc, rít một hơi, ngồi ngắm dòng sông trôi chầm chậm dưới cầu, sau đó lẳng lặng bắt gà ra “súc miệng”. Đến lúc đó thì tôi mới tự ồ lên ngạc nhiên, vì cách súc miệng gà của dân có tay nghề khác với người làm công. Ngón tay trỏ của hai Hùng gõ nhẹ phía dưới cổ gà làm phát ra âm thanh lách cách rất đều. Sau khi gõ hàng chục cái rất đúng nhịp, chú gà được lắc nhẹ đầu, cho súc miệng bằng nước sông. Có lẽ động tác massages mỏ gà của hai Hùng quá êm nên chú gà nào cũng lim dim mắt, nằm im trên tay cho đến khi xong thủ tục rửa mặt, súc mỏ, lau chân.

13-34-54_3_ch_chn_g
Gà được chà chân, rửa mặt và súc miệng.

Vùng sông nước khá nhiều muỗi, vì vậy bầy gà ban đêm được mắc mùng để ngủ ngon. Do bầy gà quá đông nên phân nửa gà được cho vào vỏ thùng thuốc lá và đậy nắp. Vùng sông nước suốt ngày lạch xạch tiếng máy của tàu bè xuôi ngược trên sông, vì vậy chú gà nào được luân phiên ngủ trong thùng thì được xem như có chỗ ngủ V.I.P, ít bị đánh thức bất ngờ mỗi khi những chiếc xà lan công suất lớn chở lúa nổ tiếng máy vang rền cả mặt sông.
 

Cho gà, cầm gà

Báo chí thường sử dụng những lời lẽ cay nghiệt đối với những tay chọi gà và xem đó là máu đỏ đen, mờ mắt vì tiền. Hai Hùng ban đầu có vẻ ngại kể câu chuyện về nghề nuôi gà với nhà báo, vì nghề nuôi gà chọi trong mắt người khác chưa chắc đã là nghề đẹp.

Thú chơi chọi gà ở Việt Nam đã được lưu truyền từ hàng trăm năm trước, được in trên các bức tranh dân gian, trở thành trò tiêu khiển đẩy kỷ niệm của những người thuộc thế hệ 50 X. Cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép Công ty TNHH TM DV Vinh Sang được phép tổ chức đá gà nghệ thuật vào dịp lễ, tết để thu hút khách tham quan. Quyết định này đã nhận được những ý kiến bày tỏ sự lo ngại.

Trong công văn nêu rõ, đá gà là loại hình trò chơi dân gian có từ lâu đời, nhằm mục đích vui chơi giải trí trong cộng đồng xã hội sau những giờ lao động sản xuất. Theo thời gian, loại hình trò chơi dân gian này dần bị mai một, biến tướng và có nguy cơ thất truyền trong xã hội ngày nay. Việc khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật của môn đá gà dân gian, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách là việc làm cần thiết. Mỗi năm đơn vị này được tổ chức đá gà trong thời gian 23 ngày.

Đàn gà chọi gáy vang một góc vùng sông nước.

Lướt qua những chú gà có bộ lông đẹp đang cất tiếng gáy trong lồng, tôi gạn hỏi “bí quyết gì để biết đâu là gà đá tốt”. Hai Hùng cho biết, “dô tay, bợ nó lên là biết”. Dô tay có nghĩa là thò tay dưới lườn để nhấc chú gà lên, nếu con gà chắc thịt và khỏe mạnh thì được bàn tay cảm nhận. Còn bí quyết để nuôi thành gà đá hay thì hai Hùng chỉ nói vắn tắt rằng, trước tiên mình phải tự làm bác sĩ thú y cái đã, nếu không thì bỏ của, nói chung là phải biết con gà đau ốm thì sử dụng thuốc gì, nuôi nhốt riêng và cho ăn ra sao, vì mỗi con gà bình thường đã có giá 4-5 triệu, nếu chết một con là lỗ.

Một số tay chuyên đá gà cho biết, hai Hùng chăm sóc gà chọi hàng ngày còn hơn chăm sóc người. Mỗi bữa ăn được thay đổi khẩu phần, lúa ngon trộn thịt bò, lươn, rồi sò huyết loại đắt tiền…ngày cho ăn đủ bữa, có lúc trước khi đi đá thì cho ăn thêm bữa tối. Hai Hùng cho biết, chuyện nuôi gà giỏi, chọi đâu thắng đó là hổng thiệt, gà chọi mang cựa sắt thỉ rất may rủi, có khi con gà trị giá chăm chiêu (trăm triệu) nhưng lại thua một con gà dở, gà bễ, vì cựa sắt vô tình, trúng một cái là hộc máu nằm giãy.

Ở miền Trung, các võ sư thường có sở thích giống nhau, đó là nuôi gà trục để chọi vào ngày tết, nhớ kỷ niệm xưa, mỗi khi ngắm gà thì kể chuyện ngày tết pháo nổ, rồi chuyện học các thế đá của gà để biến thành đòn thế võ thuật. Còn hai Hùng, tay chơi gà chọi ở miền sông nước thì không kể nhiều về chuyện thắng thua khi mang gà đi thi đấu, mà nói nhiều về tính cách của con gà. Hai Hùng nhìn ra dòng sông và thả giọng trầm ngâm: “Con gà không giống người ta, gặp đối thủ mạnh thì sợ sệt, mà gà có tính cách cứ thi đấu là lao vô chứ không sợ chết, nó là loài vật quân tử nhất luôn”.

Nói về nghề đá gà độ, hai Hùng nói, “ai lâm vô cờ bạc thì chỉ có từ chết cho tới chết chứ không sống được. Vì anh sắm con gà 5 triệu, đi đá thua 10 triệu, cứ ôm gà đi đá thì đường thua đã là 50% rồi. Vì vậy nếu thích đá thì thỉnh thoảng chơi một chút cho vui, may ra anh có đường sống”.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm