| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học ở Hải Phòng

Thứ Ba 11/02/2014 , 12:27 (GMT+7)

Phương thức này mở ra nhiều triển vọng cho mô hình chăn nuôi hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Đây là phương thức chăn nuôi mới, phù hợp với điều kiện chăn nuôi gà (cả quy mô nông hộ và trang trại) ở Hải Phòng. Phương thức này mở ra nhiều triển vọng cho mô hình chăn nuôi hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH) là nuôi trên nền chuồng được lót bằng các nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát) và chứa các vi sinh vật có hoạt tính cao giúp tiêu hủy hoàn toàn chất thải của vật nuôi. Từ 2 năm qua, Trung tâm KN-KN Hải Phòng đã nghiên cứu, thực hiện mô hình nuôi gà thịt trên nền ĐLSH tại nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên. Đến nay, mô hình triển khai rất thành công và được bà con nông dân đánh giá cao.

Bà Trịnh Thị Kim Anh, Phó GĐ Trung tâm KN-KN Hải Phòng cho biết, các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng tiêu chí cao, quy mô ổn định, chuồng trại thông thoáng, đầy đủ thiết bị chăn nuôi chuyên biệt, chuồng nuôi xa khu dân cư, cao ráo, có hàng rào ngăn cách, vệ sinh thú y, phòng bệnh bằng tiêm vacxin và thực hiện tốt việc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu chăn nuôi.

Giống sử dụng trong mô hình là giống gà ri lai thương phẩm. Đây là giống gà được nuôi phổ biến trong nông hộ ở Hải Phòng, có sức kháng bệnh tốt, thịt ngon, thơm, ngoại hình phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Hào (thôn Kim Ngân, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo) tham gia mô hình cho biết, kỹ thuật làm đệm lót cho chuồng nuôi gà “dễ như luộc nồi rau”. Cách làm chế phẩm men như sau: Đem 2 kg chế phẩm BALASA N01 trộn đều với 15 kg bột ngô, cho thêm hơn 5 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm, ủ trong 2 - 3 ngày, và số lượng này dùng trên 50 m2 nền chuồng nuôi. Ở chuồng rộng 90 m2 rải đều lớp trấu dày từ 10 - 15 cm lên nền chuồng, sau đó thả gà vào nuôi.

Khi gà được 10 ngày tuổi, nền chuồng có một lớp phân mỏng, anh sử dụng 0,5 kg men Balasa đã ủ trộn với 1 kg bột ngô rắc đều lên 15 m2 nền chuồng. Khi gà được 20 ngày tuổi, anh lấy 1 kg men + 1 kg bột ngô rắc cho 30 m2 đệm lót. Khi gà được 30 ngày tuổi, sử dụng 1 kg men + 1 kg bột ngô rắc đều lên diện tích đệm lót còn lại. Đồng thời trộn chế phẩm này vào thức ăn cho gà.

Trong quá trình sử dụng đệm lót, khi trời mưa nhiều, nền chuồng ẩm ướt phải thường xuyên cày xới chất độn chuồng. Việc này giúp cho men phát triển mạnh, phân gà nhanh chóng bị tiêu hủy.

Gia đình anh Hào thường duy trì nuôi 350 - 400 gà/lứa. Anh Hào phấn khởi cho biết, sử dụng ĐLSH đơn giản lại mang lại nhiều lợi ích đáng kể, tiết kiệm công lao động, tiết kiệm đến 70% lượng trấu so với trước đây. Chuồng không có mùi hôi thối, nền chuồng luôn tơi xốp, khô ráo, gà lớn nhanh, đồng đều, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%. Gà ít mắc bệnh đường tiêu hóa, hô hấp như tiêu chảy, cầu trùng, hen. Những lứa gà của anh xuất bán có hình thức đẹp, thịt thơm ngon, đảm bảo APVSTP, được thị trường ưa chuộng. Mỗi con gà nuôi 90 ngày tuổi ăn hết 5 kg cám hỗn hợp hoàn chỉnh, đạt trọng lượng bình quân 1,8 kg/con. Với giá bán buôn 70.000 đ/con, anh còn lãi 47.000 đ/con.

Anh Vũ Văn Nể ở thôn 3, xã Giang Biên kể, trước đây gia đình anh nuôi gà ri với quy mô từ 1.000 - 1.500 con/lứa. Mặc dù thức ăn, con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng và uy tín nhưng năng suất đàn gà không cao, lại tốn nhiều công chăm sóc, thuốc thú y, chuồng nuôi lại luôn luôn bốc lên mùi hôi thối, gây khó chịu không chỉ cho gia đình anh mà còn cho bà con xung quanh. Từ khi áp dụng ĐLSH cho chuồng nuôi, gà lớn nhanh hơn phương pháp nuôi thông thường từ 1,5 - 2 lạng/con/100 ngày nuôi và tỷ lệ chết cũng giảm 2 - 3%. Chi phí mua thuốc thú y giảm 1.500 đ/con.

Đặc biệt, anh Nể không phải thường xuyên thay chất độn chuồng như trước kia, mà chuồng nuôi không còn mùi hôi thối, phân gà được men tiêu hủy hết hoàn toàn. Mặt khác, nguyên liệu làm đệm lót sau 1 lứa gà chỉ cần ủ 7 - 10 ngày là có thể dùng làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Anh Nể hào hứng nói: “Qua hạch toán, tôi thấy khi áp dụng mô hình này, gia đình tôi tiết kiệm được 7 - 8 triệu đ/lứa so với trước đây không dùng đệm lót”.

Tuy nhiên, chăn nuôi gà trên nền ĐLSH cũng gặp phải một số hạn chế nhất định. Anh Nguyễn Bá Thiện (xã Đông Hưng, Tiên Lãng) cho hay, đệm lót luôn sinh nhiệt nên nền chuồng luôn nóng. Điều này tốt cho vật nuôi về mùa lạnh nhưng vào mùa hè cần có hệ thống chống nóng tốt như sử dụng quạt điện, hệ thống phun sương làm mát, chuồng nuôi phải thông thoáng, giảm bớt mật độ nuôi, làm đệm lót mỏng đi… Nếu không có hệ thống chống nóng tốt thì gà lớn chậm, đặc biệt là trong giai đoạn vỗ béo. Và đầu tư cho hệ thống chống nóng này khá tốn kém, khoảng 6,5 triệu đồng cho 20 m2 chuồng nuôi.

Theo ông Nguyễn Quang Vị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Bảo, UBND huyện đã có kế hoạch triển khai mô hình ĐLSH trong chăn nuôi với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững trong khu dân cư, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nông dân. UBND huyện có kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí năm 2013 cho bà con thực hiện mô hình tiên tiến này.

Ông Vị cho biết, hiện số lượng gia súc, gia cầm nuôi trong khu dân cư của Vĩnh Bảo vẫn chiếm tỷ lệ lớn (70%). Chăn nuôi càng phát triển thì chất thải chăn nuôi ngày càng lớn, ô nhiễm môi trường càng tăng. Mô hình chăn nuôi trên nền ĐLSH giải quyết hiệu quả vấn đề này. Mô hình được triển khai từ năm 2011 tại 20 xã với 340 hộ trên địa bàn huyện.

Ông Vị nói: “Qua nghiên cứu và phân tích mô hình, chúng tôi nhận thấy nếu triển khai rộng rãi mô hình trong chăn nuôi sẽ giúp giảm công lao động, giảm chi phí, đưa chăn nuôi của huyện phát triển bền vững, thân thiện môi trường, duy trì hình thức chăn nuôi trong khu dân cư. Bên cạnh đó, tạo điều kiện ứng dụng TBKT về giống, thức ăn, thú y, xử lý môi trường, chất lượng hàng hóa cao…”.

Bà Trịnh Thị Kim Anh khẳng định, nuôi gà trên nền ĐLSH tỷ lệ gà sống tương đối cao (96,42%); chi phí thức ăn giảm 10% trong khi tốc độ tăng trưởng của gà nhanh hơn 6 - 7% phương thức chăn nuôi thông thường. Với cùng một chế độ chăm sóc nuôi dưỡng như nhau, cùng một giống và thức ăn, khi nuôi gà trên nền đệm lót, mức tiêu tốn thức ăn lúc 10 tuần tuổi đạt 2,68 kg, tiết kiệm hơn so với phương pháp nuôi thông thường 0,11 kg thức ăn/kg tăng trọng.

Đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, xuất thịt 10 tuần tuổi cho tỷ lệ nuôi sống cao, đạt 97 - 98%, khối lượng xuất chuồng bình quân đạt 1,78 kg/con, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng lượng là 2,8 kg. Suốt quá trình nuôi không xuất hiện bệnh nguy hiểm. Về hiệu quả kinh tế, trong cùng một điều kiện chăn nuôi (giống gà ri, cùng thức ăn, thời gian nuôi, chế độ chăm sóc…), nuôi gà trên nền ĐLSH cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi trên nền trấu thường từ 15.000 - 16.000 đ/con. Sau gần 4 tháng nuôi gà, một hộ nuôi 600 con gà thịt sẽ cho lãi gần 35 triệu đồng. Ngoài ra, nuôi gà theo phương thức thông thường ở nông hộ phải mất gấp đôi công cho gà uống thuốc, tiêm, vệ sinh chuồng trại hàng ngày.

Với những ưu điểm rõ rệt, mô hình chăn nuôi trên nền ĐLSH đang phát triển khắp Hải Phòng. Đến nay, toàn TP có gần 1.000 hộ chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ này.

Ông Nguyễn Quang Vị đề nghị TP tiếp tục đánh giá mô hình một cách toàn diện để có cơ sở và hướng thực hiện trong thời gian tới. Để nhân rộng mô hình, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng. Cùng với đó, cần tập trung tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao TBKT.

Chế phẩm BALASA N01 làm ĐLSH là sản phẩm nghiên cứu của TS Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Chế phẩm gồm các tế bào sống của các chủng vi khuẩn, nấm men, nấm sợi, các enzym thủy phân các chất hữu cơ.

BALASA N01 giúp phân hủy chất thải của vật nuôi, giữ cho độ pH đệm lót chuồng nuôi ổn định, hạn chế vi sinh vật gây bệnh. Đồng thời, quá trình lên men phân hủy phân giúp cho nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, hạn chế được ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong mùa lạnh.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất