| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ghép tôm + cá rô phi, giảm thiểu tôm chết sớm

Thứ Hai 01/07/2013 , 10:03 (GMT+7)

Trong một hệ thống nuôi ghép, sẽ có nhiều dòng vi khuẩn Vibrio không gây bệnh tôm chết sớm. Những dòng vi khuẩn này sẽ lấn át dòng vi khuẩn Vibrio gây bệnh.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã tổ chức hội thảo về bệnh tôm chết sớm, diễn giả là TS Donald Lighter (ĐH Arizona, Mỹ) - Trưởng nhóm nghiên cứu đầu tiên đã xác định được nguyên nhân gây nên bệnh tôm chết sớm hoành hành ở VN và nhiều nước khác.

Trước đây, do chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng tôm chết sớm, nên người ta gọi hiện tượng này là Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Năm 2011, dựa trên bệnh tích cấp tích của EMS, một tên mới được đề nghị là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS). Nay, do đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, nên TS Donald Lighter đề nghị bỏ từ “hội chứng”, thay bằng từ “bệnh”.

Theo TS Donald Lighter, bệnh tôm chết sớm là bệnh lây nhiễm, do 1 dòng của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Vi khuẩn lây qua đường miệng, khu trú trong đường tiêu hóa, tạo ra độc tố làm hoại tử gan tụy.

Nghiên cứu sinh (NCS) Trần Hữu Lộc - thành viên người Việt duy nhất trong nhóm của TS Donald Lighter, nhận định: “Việc xác định được nguyên nhân gây bệnh tôm chết sớm, mới chỉ là phát hiện ra phần nổi của tảng băng. Bởi làm sao để khống chế được căn bệnh nguy hiểm này, vẫn đang là một câu hỏi lớn. Vì thế, nhóm nghiên cứu của chúng tôi sẽ còn phải giải quyết nhiều vấn đề như làm rõ cơ chế nào khiến cho vi khuẩn tiết độc tố, làm sao để chẩn đoán nhanh và chính xác căn bệnh này...”.

Dầu vậy, nhóm nghiên cứu của TS Donald Lighter đã có một số khuyến cáo giúp cho người nuôi tôm vừa có thể giảm thiểu thiệt hại bởi bệnh tôm chết sớm, vừa giúp tôm VN vẫn xuất khẩu tốt. Theo đó, dù một số loại kháng sinh có thể có tác dụng nhất định với dòng vi khuẩn gây bệnh, nhưng TS Donald Lighter cho rằng người nuôi tôm không nên dùng kháng sinh bởi sẽ gây ra nguy cơ bị các thị trường nhập khẩu cảnh báo về dư lượng kháng sinh trong tôm thành phẩm xuất khẩu. Thay vào đó, có thể sử dụng các biện pháp sinh học, trong đó có một biện pháp rất đáng chú ý là nuôi ghép tôm với cá rô phi.

Theo NCS Trần Hữu Lộc, việc nuôi ghép cá rô phi với tôm có thể làm giảm thiểu nguy cơ bệnh tôm chết sớm. Bởi trong một hệ thống nuôi ghép, sẽ có nhiều dòng vi khuẩn Vibrio không gây bệnh tôm chết sớm. Những dòng vi khuẩn này sẽ lấn át dòng vi khuẩn Vibrio gây bệnh tôm chết sớm, qua đó làm giảm thiểu nguy cơ bùng phát căn bệnh này. Trong hệ thống nuôi ghép, cũng xuất hiện nhiều tảo lục có tác dụng hỗ trợ cho các dòng vi khuẩn vibrio không gây bệnh tôm chết sớm để ức chế dòng vi khuẩn gây bệnh.

Vì sao lại chọn cá rô phi mà không phải là một loài cá nào khác trong mô hình nuôi ghép này? Ông Lộc lý giải, thực ra không chỉ có cá rô phi, mà các loài cá khác như măng, đối, cũng có thể nuôi ghép với tôm. Nhưng cá măng thì không thể kiếm ra ở ĐBSCL, cá đối cũng phải ngoài Bắc mới có. Trong khi đó, cá rô phi rất dễ tìm, lại rẻ tiền.

Từ tháng 7 năm ngoái, khi còn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh tôm chết sớm, NCS Trần Hữu Lộc đã cùng một giáo sư người Mỹ về vùng nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) để hướng dẫn, vận động một số nông dân thử nghiệm nuôi ghép tôm với cá rô phi.

Kết quả cho thấy mô hình này đã giúp giảm mạnh căn bệnh tôm chết sớm ở đây. Chỉ có một vấn đề cần phải khắc phục là cá rô phi nuôi ghép trong ao có ăn một phần nhỏ thức ăn của tôm và cũng ăn một lượng nhỏ tôm nuôi trong ao.

Từ mô hình trên, một số DN cũng đã mạnh dạn ứng dụng mô hình nuôi ghép tôm với cá rô phi để phòng chống bệnh tôm chết sớm. Ông Lê văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú cho biết, năm ngoái tập đoàn này đã mất tới 110 tỷ đồng do tôm lăn ra chết như ngả rạ bởi bệnh chết sớm. Đầu năm nay, Minh Phú quyết định nuôi tôm ghép với cá rô phi trên 200 ao, mỗi ao 5.000 m2.

Kết quả rất khả quan khi tỷ lệ bệnh rất thấp. Đến nay, các ao đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhưng Minh Phú cũng gặp phải vấn đề như những hộ nuôi ghép tôm với cá rô phi ở Mỹ Thanh là tôm nuôi có hao hụt nhỏ do bị cá rô phi ăn. Một phần thức ăn tôm cũng bị cá ăn mất.

Dù vậy, ông Quang cho biết Minh Phú đã nghiên cứu và đã tìm ra biện pháp khiến cho cá rô phi không ăn thức ăn của tôm và không ăn con tôm trong ao. Tuy nhiên, ông Quang từ chối tiết lộ bí quyết này.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.

Bình luận mới nhất