| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn bằng thức ăn sinh học

Thứ Sáu 05/12/2014 , 08:00 (GMT+7)

Mô hình chăn nuôi thịt lợn sạch bằng thức ăn sinh học đang bước đầu mang lại hiệu quả ở Phúc Thọ, Hà Nội.

Với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi thịt lợn sạch bằng thức ăn sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt bằng thức ăn sinh học trên địa bàn huyện Phúc Thọ được thực hiện thí điểm tại 3 hộ trong xã Thọ Lộc gồm hộ ông Nguyễn Hưng Thỉnh, Nguyễn Duy Kỷ và Nguyễn Văn Sơn. Mỗi hộ nuôi thí điểm 30 con, được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hỗ trợ 100% chi phí về giống, 30% chi phí thức ăn và các kỹ thuật chăn nuôi. Thời gian triển khai mô hình là 90 ngày, từ tháng 8 đến tháng 11/2014.

Trên cơ sở thành công bước đầu, thời gian tới huyện Phúc Thọ sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi bằng thức ăn sinh học ra các xã khác trên địa bàn để cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường, tạo việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn, bởi đây là hướng đi đúng đắn nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp các xã thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Điểm khác biệt nhất ở mô hình nuôi lợn bằng thức ăn sinh học là thức ăn cho lợn đều bằng cám tinh nên tuyệt đối không tồn dư kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, chuồng trại không có mùi hôi từ chất thải… nên chất lượng thịt lợn rất ngon, giá bán luôn cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Đến thăm đàn lợn của anh Nguyễn Văn Sơn, xã Thọ Lộc nhiều người trong chúng tôi không khỏi bất ngờ vì khu chuồng trại chăn nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi thối, đàn lợn phát triển khỏe mạnh... Theo anh Sơn, thức ăn hằng ngày được sử dụng các thực phẩm sạch như lúa, ngô, đậu tương… được ủ bằng công nghệ lên men vi sinh.

Anh Sơn cho biết, nuôi lợn bằng phương pháp này giảm công chăm sóc và chuồng trại không có mùi hôi thối. Khi lấy mẫu thịt lợn đi kiểm tra, các thông số vệ sinh an toàn thực phẩm đều đạt chất lượng, lợn có tỷ lệ nạc cao, có mùi vị thơm ngon, nên hiện tại anh rất tin tưởng vào sự thành công mô hình.

Còn theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh, sau khi triển khai mô hình nuôi lợn bằng thức ăn sinh học, ông nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm nổi bật: Giảm mùi hôi so với lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, phân lợn thải ra khô ráo, chất thải lỏng, trong và không có mùi khai.

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo, có 2 yếu tố quan trọng khi nuôi lợn bằng thức ăn sinh học đó là giống và thức ăn. Giống tốt là có trọng lượng trung bình từ 20 - 25 kg/con, đồng đều cao về trọng lượng và độ tuổi. Sử dụng thức ăn sinh học dạng chế phẩm (không có nguồn gốc động vật, không có chất kích thích và chất tạo nạc).

Đàn lợn nuôi theo mô hình đúng kỹ thuật, có tốc độ sinh trưởng ổn định, bình quân từ 25 - 28 kg/tháng. Tính toán hiệu quả kinh tế, từ khi nuôi đến 90 ngày, chi phí bình quân cho 1 kg tăng trọng là 46.000 đ/kg; tiền lãi bình quân khoảng từ 600.000 - 700.000 đ/con.

Ông Tạ Văn Tường, GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chia sẻ: "Sau 3 tháng triển khai mô hình trên địa bàn, theo đánh giá của trung tâm, đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Rất phù hợp với xu thế phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững, tạo thực phẩm an toàn, chất lượng và có nguồn gốc cho người tiêu dùng".

Để khuyến khích người dân các xã tham gia vào mô hình chăn nuôi bằng thức ăn sinh học, ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ  cho biết, đã mời chuyên gia về tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đồng thời, huyện phối hợp với các đơn vị, DN có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Liên hệ với công ty các siêu thị, nhà hàng và các trường học về bao tiêu sản phẩm...

Huyện cũng đề nghị Sở NN-PTNT, các cơ quan, đơn vị, DN hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi để hình thành chuỗi liên kết từ khâu SX đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tạo sự bền vững trong chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất