| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn rừng "cắp nách" an toàn dịch bệnh, lãi đều như vắt chanh

Thứ Tư 31/07/2019 , 11:01 (GMT+7)

Anh Phan Văn Quynh, chủ hộ chăn nuôi lợn rừng lai “cắp nách" ở xã Hà Tân, Hà Trung (Thanh Hóa) mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu.

Tò mò hỏi anh có bí quyết gì chăng? Anh cười, chia sẻ: Tôi "bắt mạch" được thị trường "cầu" lớn gấp nhiều lần so với "cung", hơn nữa lợn rừng là món ăn khoái khẩu của số đông người tiêu dùng, thịt thơm, chủ yếu là nạc, ít mỡ, da dày (nấu chín). Vì thế tôi mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nuôi heo rừng lai "cắp nách" (trọng lượng nhỏ nhẹ), dễ bán".

Giống lợn bố (đực giống) và giống lợn mẹ (lợn nái) gốc lai, ban đầu anh Quynh mua về từ cơ sở có uy tín ở Xuân Mai, Hà Nội và phát triển đàn từ đó đến nay.

Lợn rừng lai “cắp nách” trong gia trại của anh Phan Văn Quynh.

Mỗi năm, gia đình anh Quynh xuất bán lợn thương phẩm ra thị trường tới 140 con heo rừng lai "cắp nách", mỗi con bình quân nặng 25 kg (con nặng nhất 30 - 35 kg) với giá bán ổn định 1 kg lợn hơi là 120.000 đồng (giá thị trường hiện 140.000 đ/kg trở lên).

Thứ khan hiếm, lại là lợn sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, người chăn nuôi có giấy chứng nhận nguồn gốc giống lợn rừng lai. Vậy nên không ai bảo ai, hễ "tăm" được thông tin là khách hàng năm hẹn bảy hẹn rồi cả đàn heo rừng lai "cắp nách" của gia đình anh về theo người mua, chuồng lại trống rỗng chỉ trong chốc lát...

Tại khu đồi rừng thôn Tân Sơn, xã Hà Tân, anh Quynh nhận đấu thầu 1 ha để làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh chọn địa điểm xây dựng chuồng chăn nuôi lợn trên diện tích 300 m2. Vật liệu đơn giản, chỉ là xây tường bằng gạch không nung, sàn bê tông láng nhẵn, độ cao, mái chuồng phù hợp, vừa che nắng che mưa, vừa lấy gió, ánh sáng, thoáng mát...

“Gia đình ông Quynh thật chịu khó, cần mẫn lao động, làm thế chả mấy lúc giàu to! Bỏ vốn chăn nuôi con “đặc sản” này mới 4 năm nay, bây giờ gia đình đã khá giả, trong cái xóm vườn đồi này khối người theo cũng không kịp”, nhiều người nói về anh như vậy!

Học hỏi một vài nơi và chịu khó nghiên cứu tìm tòi, anh áp dụng chế độ chăm sóc đàn lợn khá tốt. Lợn mẹ ăn 2 lần/ngày, thức ăn là cám gạo, bã bia, bánh quy loại thải, trộn lẫn với nhau cho mỗi con ăn 3kg/con, thời gian cho ăn vào lúc 8 giờ sáng và 16 giờ chiều.

Còn lợn con, sau khi đẻ ra bú sữa mẹ khoảng 1,5 tháng, sau đó thả ra vườn đồi được khoanh vùng giới hạn, tận dụng lợi thế môi trường tự nhiên trên một không gian rộng.

Cho lợn con ăn thức ăn phối trộn cũng giống như lợn mẹ, với lượng thức ăn 0,4 kg/con. Khi lợn con nặng chừng 1,5 kg/con thì chuyển sang cho ăn thức ăn gia đình phối trộn, gồm có cám gạo, bã bia, bánh quy loại thải và cho mỗi con ăn mức 2 kg/con/ngày, bổ sung thêm thức ăn bằng rau xanh như cỏ voi, thân cây chuối thái nhỏ, trộn lẫn cho ăn.

Nguồn nước sạch lấy từ giếng khoan đủ để vệ sinh khu vực chuồng trại, cho lợn tắm rửa, uống hàng ngày, nước trộn cùng với thức ăn pha loãng, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.

Để phòng dịch bệnh cho đàn lợn, mặt sàn, tường, phía trong và ngoài chuồng nuôi, dụng cụ đựng thức ăn, máng cho ăn, nước uống thường xuyên được kiểm tra, quét dọn, rửa sạch trước và sau khi cho lợn ăn; hàng tháng, phun thuốc, rải vôi bột mức vừa đủ để sát khuẩn, khử trùng chuồng trại, giúp cho lợn khỏe, mau lớn và phòng dịch bệnh. Riêng lợn con sau khi đẻ ra 2 - 4 ngày, cho uống thuốc sắt (VitaminB12) để phòng bệnh phân trắng.

Trên diện tích 300 m2 ao, anh thả nuôi các loại cá chim trắng, trê lai, cá trắm... tận dụng lá chuối, cám thừa của lợn để nuôi cá; đồng thời cấy 1 vụ lúa lấy gạo ăn.

Nhằm hỗ trợ cùng với gia đình, anh thuê 1 lao động thường xuyên làm công việc chăn nuôi và trả tiền công thuê 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình anh còn chăn nuôi 150 con gà thịt, 50 gà đẻ lấy trứng để bán, một phần để sử dụng trong gia đình. 

Lợi thế đồi rừng cạnh nhà, gia đình anh nhận thầu 8 ha đất cây rừng - cây thông nhựa. Lượng nhựa khai thác mỗi năm khoảng 3.000 kg, nhập nhựa thông thô cho Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp với giá 14.000 đồng/kg. Mỗi năm, thuê 2 lao động thời vụ khai thác nhựa thông và trả tiền khoán công với giá 12.000 đồng/kg.

"Mình biết tận dụng thời gian, lợi thế tự nhiên, nhu cầu thị hiếu, thông tin cập nhật, mạnh dạn đầu tư và đem lại hiệu quả. Với các khoản chi phí đầu tư 500 triệu đồng mỗi năm, lợi nhuận thu được trên 200 đồng/năm cũng thỏa đáng", và “nếu không như vậy thì suốt đời nghèo” , anh khiêm tốn chia sẻ.

Xem thêm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đặc biệt tập trung phòng chống bệnh cúm gia cầm và dại

Chiều 12/4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác quý II lĩnh vực thú y. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị.

Mưa đá 'tàn phá' 80ha mận hậu Sơn La

Mưa đá kèm gió mạnh làm thiệt hại hơn 80ha mận hậu đang chuẩn bị cho thu hoạch của người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La).

Tưới tiết kiệm: Cái khó bó cái khôn

Tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích mà bản thân nông dân hiểu rất rõ, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.