| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học ở Tuyên Quang

Thứ Tư 08/01/2014 , 10:42 (GMT+7)

Sử dụng mô hình này, người chăn nuôi sẽ tiết kiệm được tiền điện, nước, nhân công lao động và cả tiền thức ăn.

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với các Trạm Khuyến nông các huyện Hàm Yên, Sơn Dương triển khai thực hiện mô hình thử nghiệm chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học tại xã Bằng Cốc (Hàm Yên) xã Đại Phú (Sơn Dương) cho 16 hộ (mỗi xã 8 hộ), bước đầu thực hiện đã cho hiệu quả thiết thực.

Ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thịt nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học. Thông qua đó tiết kiệm chi phí SX, giảm khoảng 80% lượng nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng để rửa chuồng và tắm cho lợn, giảm khoảng 50% nhân công lao động do không giảm công dọn, rửa chuồng trại.

Đặc biệt tiết kiệm khoảng 10% thức ăn do khả năng tiêu hóa hấp thụ của vật nuôi tốt hơn nhờ vào lượng vi sinh vật có lợi từ đệm lót do không có mùi hôi nên ruồi, muỗi cũng rất ít; đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi lợn.


Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm

Gia đình anh Lại Hợp Lân, thôn Thái Sơn Đông, xã Đại Phú đã có hơn 10 năm chăn nuôi lợn thịt và lợn sinh sản với số lượng hàng năm từ 75 - 80 con lợn thịt và từ 5 - 6 con lợn nái theo cách truyền thống. Dù đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Năm qua, gia đình anh được chọn tham gia mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, được tập huấn và hỗ trợ kinh phí mua vật tư để thực hiện nên anh tiến hành cải tạo chuồng trại, áp dụng ngay theo hướng dẫn.

Trên nền 10 m2 chuồng cũ anh để lại 1/3 diện tích mặt nền láng xi măng, còn lại 2/3 diện tích anh đào sâu 60 cm dưới đất để phủ thêm lớp đệm lót sinh học dày 60 cm gồm hỗn hợp mùn cưa, trấu được tưới dung dịch vi sinh BALASA N01 ủ với cám ngô lên men và thả nuôi 8 con lợn thịt.

Anh Lân cho biết: Sử dụng mô hình này, người chăn nuôi sẽ tiết kiệm được tiền điện, nước, nhân công lao động, do không phải tắm cho lợn và giảm đáng kể công quét dọn rửa chuồng. Thông thường, từ 3 - 4 ngày mới phải đảo chuồng một lần để vi sinh vật phân huỷ phân, nước tiểu gia súc. Thời gian tới anh sẽ tiếp tục cải tạo nền chuồng nuôi toàn bộ đàn lợn, gà còn lại theo phương pháp mới để giữ gìn môi trường trong lành.

Cùng thực hiện mô hình với anh Lân, gia đình bà bà Hoàng Thị Nhung, thôn 4, xã Bằng Cốc mỗi năm nuôi từ 45 - 50 con lợn, xuất chuồng từ 3 - 4 lứa. Trước đây, gia đình bà phải dành nhiều thời gian dọn vệ sinh chuồng nuôi, tắm cho lợn, nhưng sau gần 3 tháng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn áp dụng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học nên đã giảm hẳn được thời gian dọn và vệ sinh chuồng; tiết kiệm được tiền điện, nước. Khu chuồng nuôi không còn mùi hôi thối như trước, ruồi muỗi ít nên lợn khỏe mạnh và lớn nhanh…

Anh Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ khuyến nông huyện Sơn Dương cho biết: Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học khá phù hợp với điều kiện chăn nuôi của những hộ dân ở khu dân cư vì xử lý tốt vấn đề môi trường trong chăn nuôi, chi phí không cao.

Trung bình mỗi mét vuông chuồng tốn 70.000 đồng nguyên liệu làm đệm lót, sau khi tưới trộn hỗn hợp dịch men ủ từ 5 - 7 ngày là có thể thả lợn vào nuôi. Nếu bảo dưỡng tốt đệm lót sẽ có thời hạn sử dụng từ 3 - 4 năm, chất thải đệm lót được sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Qua mô hình nuôi thử nghiệm lợn thịt trên nền đệm lót sinh học tại các huyện Hàm Yên và Sơn Dương, bước đầu cho thấy đây giải pháp hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, tăng năng suất vật nuôi.

Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nhất là khu đông dân cư, áp dụng mô hình trên nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất