| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lươn thời 'tái cơ cấu'

Thứ Tư 17/06/2015 , 06:11 (GMT+7)

Không chỉ có bà con trồng lúa mà các hộ làm kinh tế nông nghiệp khác cũng đang bắt đầu có những thay đổi từ tư duy đến cách làm để phù hợp với xu hướng phát triển mới.

Tái cơ cấu nông nghiệp, có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Đồng Tháp trong thời gian gần đây.

Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về chuyện tái cơ cấu. Trong đó, huyện vùng sâu Tam Nông được tỉnh chọn là nơi thí điểm để tái cơ cấu đối với ngành hàng lúa gạo.

Tuy nhiên, không chỉ có bà con trồng lúa mà các hộ làm kinh tế nông nghiệp khác cũng đang bắt đầu có những thay đổi từ tư duy đến cách làm để phù hợp với xu hướng phát triển mới.

Nhiều hộ dân đang chuyển dần từ hình thức kinh tế cá thể, đơn lẻ sang hình thức liên kết, tập hợp lại để cùng SX. Quan trọng hơn, mọi người cùng hợp tác trên tinh thần tự nguyện, cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Điều này chứng tỏ rằng, người dân đang dần thấy được những lợi ích của liên kết SX theo đúng như mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai.

Tổ hợp tác nuôi lươn tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông là một điển hình cho mô hình tự nguyện liên kết như vậy. Tuy mới thành lập từ đầu năm 2014 nhưng số thành viên của tổ đã lên đến 36 hộ. Đa phần các hộ này có nhà ở gần nhau, họ tận dụng những khoảng sân trống xung quanh nhà để xây những bể nuôi lươn.

Với diện tích mỗi bể từ 12 - 15 m2, cả tổ hợp tác có tất cả gần 200 bể, người nuôi nhiều nhất lên đến 20 bể, người nuôi ít thì 1 - 2 bể, sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm lên đến hơn 40 tấn lươn thương phẩm.

Đặc biệt, tất cả đều nuôi lươn theo mô hình tận dụng thân cây bắp làm giá thể, đây là mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Theo ông Phan Văn Chuối, Tổ trưởng tổ hợp tác, tổ được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ nuôi.

Trước đây, khi chưa liên kết lại, người nuôi khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước do nuôi nhỏ lẻ, không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, người nuôi cũng không được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi do không tập trung đủ số lượng.

Quan trọng nhất là do không liên kết với nhau nên người nuôi dễ bị thương lái ép giá, phân loại kích cỡ thương phẩm không hợp lý, thiếu kinh nghiệm nuôi, dẫn đến thua lỗ.

Xuất phát từ tình hình đó, kết hợp với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, bà con nuôi lươn tại xã Phú Thành A đã chủ động liên kết lại thành lập Tổ hợp tác, bầu ra Tổ trưởng, Tổ phó để điều hành hoạt động của tổ.

Những lợi ích bước đầu của người nuôi khi tham gia vào tổ hợp tác là rất đáng khích lệ.

Lợi ích lớn nhất là thông qua Tổ hợp tác, sự đoàn kết của người dân được thắt chặt, người nuôi giỏi, nhiều kinh nghiệm tận tình hướng dẫn chia sẻ cho những người mới bắt đầu, nhờ vậy đa phần các thành viên của tổ đều đạt lợi nhuận cao.

Đầu tiên, phải nói đến việc các thành viên của tổ đã được Hội Nông dân tỉnh thẩm định và cho vay ưu đãi, không cần thế chấp với tổng số tiền lên đến 300 triệu, trong đó hộ được vay nhiều nhất là 30 triệu đồng, với lãi suất 0,7%/tháng và trả vào mỗi quý.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong năm 2015 Tổ hợp tác còn được Trạm Thủy sản huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật mới, đồng thời luôn có cán bộ kỹ thuật theo dõi, giúp đỡ bà con khi có dịch bệnh xảy ra.

Không còn cảnh cạnh tranh mua bán không lành mạnh, thương lái cũng không thể ép giá khi mà người nuôi đã có Tổ hợp tác làm đại diện. Thấy được lợi ích thiết thực khi cùng nhau liên kết SX, dự kiến số lượng thành viên của tổ sẽ ngày càng tăng...

Từ ngày thành lập tổ, cuộc sống của bà con nơi đây thay đổi rõ rệt. Cuộc sống nhiều gia đình trở nên sung túc hơn, có công việc ổn định, tệ nạn xã hội cũng giảm đáng kể. Nhà nào cũng tranh thủ đất trống xây vài bể nuôi, thậm chí có hộ tận dụng sàn nhà để làm bể.

Có thể thấy rằng, đây là một mô hình kinh tế hộ phù hợp với người dân địa phương, những người không có đất canh tác. Không chỉ tận dụng được phụ phẩm từ cây bắp, tận dụng thời gian nhàn rỗi mà đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nếu mỗi xã đều hình thành được một tổ hợp tác như vậy thì trong tương lai không xa, việc hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến thị trường đối với con lươn Tam Nông sẽ sớm trở thành hiện thực.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất