| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ngan lấy gan

Thứ Ba 19/03/2013 , 08:49 (GMT+7)

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, sau nhiều thất bại, ông Ngô Văn Thuấn, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã thành công với mô hình nuôi ngan lấy gan.

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, sau nhiều thất bại, ông Ngô Văn Thuấn, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã thành công với mô hình nuôi ngan lấy gan.

Cơ hội ngàn vàng

Năm 2003, ông Thuấn được người anh trai của mình là Ngô Văn Vĩnh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên giới thiệu về mô hình nuôi ngan lấy gan của người Pháp. Đây là mô hình hoàn toàn mới lạ, mục đích là nuôi ngan lấy gan, bán cho thực khách là người Pháp ở Việt Nam.

“Gan béo” là một từ rất xa lạ ở Việt Nam, nhưng nó lại là một món ăn rất quen thuộc và được ưa chuộng ở các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp. Một lá gan béo có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn hẳn gan thông thường. Gan béo có thể chế biến thành nhiều món ăn, có thể ăn cùng bánh mì nướng hay chế biến món pa tê đặc biệt. Để tạo được những con ngan cho gan béo thì phải có một phương pháp nuôi đặc biệt, với tỉ lệ hàm lượng thức ăn cụ thể. 1 con ngan trung bình có thể có lá gan nặng từ 700 - 1.200 gr với giá thành trung bình 60 USD/kg.


Lá gan ngan 800 gr

Sau khi được anh trai hướng dẫn cụ thể về phương pháp nuôi ngan, với bản lĩnh và sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, ông Thuấn đã bắt tay vào nuôi ngan để lấy gan béo.

Mua điều hòa cho ngan

Có lẽ cái duyên làm giàu chưa đến, trong suốt 3 năm (2003 - 2005), dịch cúm gia cầm hoành hành khiến gia đình ông Thuấn thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Không từ bỏ, ông tiếp tục quyết định vay vốn đầu tư nuôi ngan lấy gan, vì ông biết rằng đây sẽ là mô hình có hiệu quả kinh tế rất cao.

Thời gian đầu, vợ chồng ông Thuấn phải mày mò làm theo tài liệu đã hướng dẫn. Mấu chốt là làm sao để 1 con ngan bình thường lại có được bộ gan nặng tới 1 kg, theo ông thì bí quyết ở khâu “nhồi” gan. Đây là một phương pháp cho ngan ăn theo một chế độ đặc biệt, thời gian khoa học và hàm lượng chất dinh dưỡng phù hợp. Thời gian từ 1 - 20 ngày tuổi, ngan phải được nhồi với hỗn hợp thức ăn gồm hạt ngô luộc, nước muối Bicar FCC, dầu thực vật và một số vitamin chuyên dụng nhập từ Pháp.

Trung bình 1 con ngan ăn hết 600 g/bữa. Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, mỗi bữa cách nhau 12 giờ. Như vậy mới đảm bảo cho thức ăn được tiêu hóa hết. Sau 20 ngày "nhồi", chúng sẽ được nuôi như những con ngan bình thường khác. Việc nhồi cho ngan ăn như vậy sẽ giúp kích thích lá gan phát triển và hàm lượng chất dinh dưỡng trong gan cũng hơn nhiều lần so với ngan nuôi thông thường.

Lúc đầu, do thiếu kinh nghiệm, ông Thuấn tiến hành nhồi gan bình thường. Nhưng chỉ 2 - 3 ngày sau, một số con bắt đầu ốm rồi chết. Sau đó, với sự tìm tòi của mình ông đã phát hiện ra thời gian nhồi gan cho ngan phải có nhiệt độ thích hợp (khoảng 15 độ C). Để khắc phục điều này ông đã mua điều hòa nhiệt độ để đảm bảo nhiệt độ cho ngan trong thời kỳ nhồi, nhờ vậy mà đàn ngan vẫn phát triển bình thường và cho hiệu quả như mong muốn.


Thao tác nhồi ngan lấy gan béo của ông Thuấn

Dụng cụ để nhồi cho ngan ăn là những vật dụng do chính tay ông Thuấn thiết kế sao cho phù hợp chứ không có ngoài thị trường. Để tiết kiệm chi phí cho việc nhập giống ngan Pháp, ông Thuấn đã thụ tinh nhân tạo cho ngan để có giống chất lượng và năng suất gan cao, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với việc mua giống của trung tâm. Cứ 100 con ngan gia đình lại tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng.

Gan sạch ra thị trường

Khi ngan đã lớn, một khó khăn nữa đặt ra với ông Thuấn lúc này chính là thị trường tiêu thụ. “Thị trường tiêu thụ rất hạn chế vì nhiều người chưa biết đến gan béo, họ chưa biết đến món ăn này, tôi chủ yếu bán cho thị trường miền Nam là một số người Pháp định cư ở đó” ông Thuấn chia sẻ.

Ngày 17/9/2010, sản phẩm gan ngan của ông Thuấn đã được Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia (Bộ Y tế) chứng nhận là sản phẩm sạch. Phiếu chứng nhận này đã khẳng định sản phẩm gan ngan của gia đình ông Thuấn hoàn toàn không có dư lượng kháng sinh và an toàn với người tiêu dùng. Điều này đã giúp cho nhiều người biết đến và tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm gan ngan của ông.

Không phải loay hoay tìm đầu ra, ông Thuấn ngày càng nhận được nhiều hợp đồng đặt hàng với số lượng lớn, không kể việc bán lẻ cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện mỗi năm gia đình ông Thuấn SX gần 4 tạ gan mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều người chăn nuôi đã tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm.

“Tất cả mọi người đến đây tham quan, tôi đều chia sẻ hết những gì mình biết. Khi nuôi rồi mà gặp khó khăn, có người gọi điện, tôi còn chạy đến tận nơi làm chân "kỹ sư" bất đắc dĩ”, ông Thuấn hồ hởi.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm