| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ốc càng xanh

Thứ Ba 15/06/2010 , 10:48 (GMT+7)

Ốc càng xanh để làm thức ăn cho tôm sú bố mẹ. Tôm giống sẽ không bị bệnh. Sản xuất ốc càng xanh không sử dụng bất cứ loại thuốc bệnh gì cả...

Tôi được ông Phù Trung Anh - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, bật mí: “Ở xã Bình Thuận có hộ nuôi “ốc gửi” hay “ốc mượn hồn” gì đấy. Chú tìm hiểu xem sao”.

Tôi lập tức về xã Bình Thuận của huyện Bình Sơn để dò hỏi người nuôi “ốc lạ” này. May mắn của chúng tôi là gặp được ông Bí thư xã Bình Thuận Dương Đình Tam, khi tôi hỏi, giải thích, diễn tả loại ốc lạ thì ông Tam hiểu ngay, tận tình chỉ dẫn.

Vừa gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tin (40 tuổi) ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận - chủ hồ ốc đã vui miệng: “Không phải người mua ốc rồi, hình như nhà báo thì phải”. Chỉ tay về phía vùng hồ trước nhà, chị Tin nói: “Vùng đất đó trước kia là đồng muối của 30 hộ dân thôn Tuyết Diêm 2. Muối thường mất mùa, rớt giá. Đến năm 1999, các hộ dân chuyển sang nuôi tôm sú. Được vài năm thì tôm bị dịch bệnh xảy ra triền miên. Nhiều hộ đành bỏ hoang mà không biết nên nuôi trồng loại gì... Năm 2004, tôi may mắn gặp anh Thịnh ở Nha Trang hướng dẫn cho cách nuôi ốc càng xanh và từ đó tôi đã đầu tư nuôi ốc trên diện tích mặt hồ 3.600m2”.

Chị Tin cho biết, để nuôi được loại ốc này, phải dẫn nước từ vùng triều vào (còn gọi là nước chè hai) ao có nền cát. Mua ốc giống càng xanh ở các nơi như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Bình Định về thả xuống cùng với ốc hút mua ở tỉnh Quảng Nam (đã để cho chết thối - thường là 2 tháng), sau đó cho ăn bằng cá các loại và khoai lang, sau 1 ngày là có thể thu hoạch ốc càng xanh để bán.

Thường tỉ lệ thả là 10 kg ốc giống càng xanh (giá 45.000 đồng/kg) và 10 kg ốc hút (giá 4.000 đồng/kg) là thu được 12 kg ốc càng xanh thương phẩm (giá 55.000 đồng/kg). Như vậy, để sản xuất 12 kg ốc càng xanh thương phẩm phải chi phí 450.000 đồng tiền ốc giống càng xanh và 40.000 đồng ốc hút và 5.000 đồng thức ăn, 70.000 đồng tiền công thu hoạch và vận chuyển; tổng cộng là 565.000 đồng. Bù lại, thu được là 660.000 đồng, trừ chi phí, lãi 95.000 đồng. Hạch toán chi tiết, mỗi kg ốc càng xanh thương phẩm lãi 8.000 đồng.

Giống ốc càng xanh mua được nhiều hay ít phải dựa theo con nước triều, thường các ngày 15 và 30 âm lịch thì mua được vài ba tạ, còn ngày thường thì chỉ mua được vài ba chục kg. Còn ốc hút thì phải mua trữ vài ba tấn, thường để khoảng 2 tháng là ốc hút sẽ chết rồi mới thả được. Nếu ốc hút vừa mua về mà đã có giống ốc càng xanh thì phải đem ốc hút luộc chín trước khi thả vào ao. Sau khi thả ốc giống càng xanh, cho ăn bằng cá băm nhỏ và khoai lang thì ốc càng xanh sẽ lớn lên và không chui vào lại vỏ của nó được mà phải tìm sang vỏ ốc hút để chui vào. Chỉ sau một ngày là có thể thu hoạch để bán cho các hộ nuôi tôm sú bố mẹ ở tỉnh Cà Mau.

Mỗi năm chị Tin sản xuất và bán ốc càng xanh cho các hộ nuôi tôm sú bố mẹ ở tỉnh Cà Mau khoảng 25 tấn, thu về gần 1,4 tỷ đồng, lãi 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn giải quyết thường xuyên cho 7 lao động nữ ở địa phương làm công việc chăm sóc và thu hoạch ốc càng xanh.

“Ốc càng xanh để làm thức ăn cho tôm sú bố mẹ. Tôm giống sẽ không bị bệnh. Sản xuất ốc càng xanh không sử dụng bất cứ loại thuốc bệnh gì cả. Để sản xuất ốc càng xanh thì đáy ao phải là cát chứ bùn thì không được. Khi thu hoạch lên thì phải để khô, nếu bỏ vào nước thì ốc càng xanh sẽ bò ra khỏi vỏ ốc hút và sẽ chết” - chị Tin cho biết.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Bắc Giang làm mô hình trồng dẻ Trùng Khánh

Dẻ Trùng Khánh hay còn gọi dẻ ván Cao Bằng cho hạt to, giá trị kinh tế cao, khác hẳn với loại dẻ thóc vốn mọc nhiều ở Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.