| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ cao: Lo ngay ngáy

Thứ Hai 23/03/2015 , 06:11 (GMT+7)

Bỏ ra 30 tỷ đồng để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) công nghệ cao, kết quả SX rất khả quan, nhưng nhiều tác động bất lợi bên ngoài đã khiến đơn vị đầu tư không khỏi lo lắng.

Quy trình nuôi chẳng giống ai

Từ năm 2013 đến nay, Cty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản Xanh đã đầu 30 tỷ đồng xây dựng khu nuôi TTCT thương phẩm công nghệ cao tại thôn Tân Thắng thuộc xã Cát Hải (Phù Cát, Bình Định).

Không giống bất kỳ vùng nuôi tôm nào khác, khu nuôi tôm công nghệ cao (CNC) rộng 9 ha của Cty được bao bọc bởi tường rào kiên cố, có gắn hệ thống camera giám sát chung quanh.

Chỉ mới vào cổng thôi mà người và phương tiện ra vào đều phải được tiêu độc, khử trùng. Nhà điều hành nằm cách cổng ra vào khu vực nuôi tôm khoảng 100 m được trang bị máy móc hiện đại phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát toàn bộ khu vực nuôi tôm.

Hỏi ra thì biết, việc đầu tư xây dựng các hồ nuôi tôm CNC cao cũng có sự khác biệt lớn so với nuôi tôm trên cát hay nuôi tôm bán thâm canh tại các vùng nuôi tôm khác tại Bình Định.

Chúng tôi nhận thấy 7 hồ tôm, trong đó có 1 hồ chuyên chứa nước, mỗi hồ rộng 2.600 m2, sâu từ 2 - 2,6 m đều nằm trong nhà kín. Hồ tôm xây dựng bằng bê tông xi măng và được phủ 1 lớp bạt bằng cao phân tử.

Mỗi hồ được trang bị 4 máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nhiệt độ nước luôn ổn định 28 độ C. Các tầng nước trong hồ đều cùng 1 nhiệt độ. Các trang thiết bị nói trên có thể di chuyển đến vị trí thích hợp hoặc nâng cao, hạ thấp thấp tùy thuộc vào người điều khiển.

Ông Phan Đức Huy, GĐ Cty cho biết: “Trước khi thả tôm giống hơn 1 tháng, chúng tôi cho nước biển vào hồ để xử lý và bổ sung vi sinh vật có lợi vào nước. Song song, chúng tôi tiến hành nuôi vi sinh vật, đảm bảo được mật độ thích hợp. Đến khi tất cả đều ổn chúng tôi mới thả tôm vào nuôi”.

Theo ông Huy, nước trong hồ luôn phải có màu đỏ úa và có rất nhiều hạt floc trôi lơ lửng, Nhìn lên mặt nước, những hạt này trông rất phản cảm nhưng với con tôm rất hữu dụng. Tôm được thả với mật độ 400 con/m2, tỷ lệ tôm sống đạt 98%, cao rất nhiều lần so với mật độ thả tôm nuôi thông thường.

Ông Huy lý giải: "Trong ao nuôi tôm, thay vì nuôi tảo, người nuôi tôm ở đây tạo môi trường nuôi với các vi khuẩn dị dưỡng có lợi, phân hủy chất thải trong ao nuôi thành cơ chất làm thức ăn cho tôm; không tạo thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Bởi vậy ao nuôi luôn hiện diện vi khuẩn dị dưỡng, chúng có khả năng đồng hóa chất thải hữu cơ, trong đó có thức ăn và chất thải tôm nuôi, chuyển thành sinh khối của vi khuẩn rất giàu protein trong thời gian rất ngắn mà không cần ánh sáng như các loại tảo.

Các vi khuẩn dị dưỡng luôn được giữ lơ lửng liên tục trong nước, khi đã đạt mật độ nhất định, chúng sẽ kết dính với nhau thành những hạt nhỏ, gọi là hạt floc. Mỗi hạt floc có từ 2 - 20% tế bào sống và 60 - 70% là chất hữu cơ.

2095853977
Ông Phan Đức Huy, GĐ Cty TNHH Nuôi trồng chế biến thủy sản xanh đang kiểm tra chất lượng nước

Trên hạt floc, ngoài các vi khuẩn dị dưỡng, còn có nhiều sinh vật khác như: Nấm, tảo, động vật phù du. Vì thế, các hạt floc này có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn tốt cho tôm. Nhờ đó, riêng chi phí thức ăn đã được giảm khoảng 30% mỗi ngày, góp phần giảm phí đầu tư.

“Bình Định đang quy hoạch một số khu nuôi tôm CNC và khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường. Tuy vậy, để thu hút đầu tư, tỉnh phải quy khu nuôi tôm xa khu dân cư và giải quyết triệt để những vấn đề mà Cty chúng tôi đang lo ngại”, ông Huy kiến nghị.

“Vấn đề quan trọng là chúng tôi luôn phải giám sát và luôn cho máy sục khí, máy làm lạnh nước hoạt động liên tục không cho các hạt floc đứng yên, đồng thời xử lý tất cả các yếu tố bất lợi, như nhiệt độ, chất lượng nước, nhằm đảm bảo môi trường nước tốt nhất. Sau 2 tháng thả nuôi, chúng tôi sẽ tỉa thưa những con tôm chậm lớn để bán. Sản lượng tôm tỉa thưa từ 30 - 40% tổng lượng tôm đang thả nuôi. Việc tỉa thưa này vừa đảm bảo tôm trong hồ phát triển tốt nhất, vừa có bổ sung vốn để chi phí thức ăn, tiền điện…”.

1 tháng sau khi tỉa thưa, người nuôi sẽ tháo hết nước từ hồ tôm sang hồ chuyên chứa nước để thu hoạch toàn bộ số tôm trong ao. Sau đó lại đưa nước trở lại hồ cũ để thả nuôi vụ mới.

“Chỉ cần sau 3 ngày thu hoạch là có thể thả nuôi vụ mới và hoàn toàn không dùng nước ngọt để nuôi tôm. Sở dĩ chúng tôi không thải nước ra môi trường vì nguồn nước cũ rất có giá trị. Với cách nuôi này, vấn đề môi trường xanh, sạch luôn được đảm bảo, tôm nuôi rất an toàn”, ông Huy khẳng định.

Nhiều mối lo

Theo ông Phan Đức Huy, khu nuôi tôm CNC của Cty nằm gần biển, cơ sở hạ tầng ở xã Cát Hải khá hoàn chỉnh là điều kiện thuận lợi để công ty phát triển hoạt động. Năm 2014, Cty đã thu được 18 tấn/hồ, bán cho 1 đối tác nước ngoài với giá 160.000 đ/kg, bình quân 56 con/kg. Vụ đầu tiên năm 2015, tôm nuôi phát triển rất tốt, dự kiến sản lượng đạt trên 18 tấn, doanh thu từ 2,2 - 2,5 tỷ đồng/hồ. Tuy vậy, hiện nay có nhiều vần đề bất cập ít nhiều tác động xấu đến hoạt động SX của đơn vị này.

“Khu nuôi tôm của chúng tôi đang đầu tư nằm gần khu dân cư, tình trạng người dân xả nước thải và rác chất thải bừa bãi ra môi trường khu vực nuôi tôm của công ty, gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ dịch bệnh tôm nuôi. Dù Cty đã xây dựng tường rào cổng ngõ kiên cố, nhưng không thể ngăn cản nổi tình trạng người dân chung quanh thả gia súc xâm nhập khu vực nuôi tôm.

Hơn nữa, cách khu vực nuôi tôm của Cty không xa là khu nuôi tôm của nhiều tổ chức, cá nhân khác. Điều đáng quan ngại là nước thải, chất thải trong các hồ tôm kia được các chủ hồ tôm thải trưc tiếp ra môi trường chung quanh, khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn”, ông Huy than thở.

Để đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi tôm, 22 nhân viên của Cty vừa phải thường xuyên chăm lo kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong các hồ tôm; vừa phải tìm cách phòng chống các yếu tố bất lợi từ bên ngoài xâm nhập vào.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.