| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm "né" thời tiết xấu

Thứ Năm 13/02/2014 , 11:04 (GMT+7)

Ông Trần Văn Vinh ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã tận dụng trang thiết bị có sẵn ở trại SX nghêu giống để nuôi tôm trong nhà, "né" thời tiết xấu.

Ông Trần Văn Vinh (Bảy Vinh) ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã tận dụng trang thiết bị có sẵn ở trại SX nghêu giống để nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà, "né" thời tiết bất lợi.

Nuôi trong nhà mái tôn

Ở vùng nước mặn ven biển Gò Công, hầu như người dân có đất đai không gắn bó với nghề nuôi nghêu thì cũng chọn nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Nghề SX nghêu giống đã từng đem lại cho ông Bảy Vinh hàng tỷ đồng những năm trước đây với danh hiệu “vua nghêu” thì nay không còn mang lại hiệu quả nữa. Vì thế ông nghĩ ngay đến việc nuôi tôm trong chính trại SX nghêu giống diện tích 10.000 m2 của mình với suy nghĩ tận dụng những trang thiết bị, dụng cụ sẵn có để tiết giảm chi phí.

Tuy nhiên, nuôi tôm những năm gần đây là một nghề rủi ro rất cao do dịch bệnh nhiều, nhiều hộ nuôi phải mất trắng, lâm cảnh nợ nần. Để bắt đầu vào nghề nuôi tôm, ông Bảy Vinh đã phải tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều về đặc điểm sinh học, sinh trưởng phát triển của con tôm và ông đã rút ra kết luận: “Với quy trình nuôi tôm hiện nay thì mọi yếu tố ảnh hưởng đến tôm nuôi đều có thể kiểm soát tốt, duy chỉ có điều kiện thời tiết như nhiệt độ, mưa bão, nắng hạn… và địch hại từ trên không trung (chim, cò) là chưa chủ động được và đây là nguyên nhân khiến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh, mức độ rủi ro cao”.


Hệ thống ao nuôi tôm trong nhà của ông Bảy Vinh

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy tôm nuôi 1 tháng tuổi có tỷ lệ hao hụt rất cao, dịch bệnh xảy ra phổ biến nhất trong giai đoạn này. Chưa hết, với điều kiện diện tích đất không lớn (chỉ 1 ha) nên việc sử dụng ao nuôi hợp lý là yêu cầu đặt ra để đạt năng suất tôm nuôi cao nhất. Hơn nữa, muốn thả tôm với mật độ cao để nâng cao năng suất tôm thì điều trở ngại là hàm lượng oxy khi sử dụng bằng quạt nước thông thường kết hợp với sử dụng máy sục khí cũng không đáp ứng được yêu cầu của tôm nuôi.

Để giải quyết những khó khăn này, ông Bảy Vinh đã xây dựng quy trình nuôi tôm qua 2 giai đoạn nuôi (giai đoạn 1 nuôi khoảng 1 tháng). Trong đó, giai đoạn 1 tôm được bố trí nuôi trong hệ thống bể xi măng bố trí trong nhà có mái che kín bằng tôn để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thời tiết lên tôm nuôi. Bên cạnh đó, máy thổi nước phối trộn với khí theo công nghệ châu Âu được sử dụng thay cho cánh quạt nước thông thường để đảm bảo hàm lượng oxy hoà tan trong nước, đáp ứng nhu cầu của tôm.

Lúc này, hệ thống nuôi tôm giai đoạn 1 của ông Bảy Vinh gồm 2 bể xi măng trong nhà có mái che kín diện tích 100 m2/bể, mực nước được duy trì khi nuôi là 1 m; hệ thống ao nuôi cấp 2 gồm 4 ao nổi lót bạt hoàn toàn ngoài trời, trong đó có 2 ao diện tích 500 m2/ao và 2 ao diện tích 1.000 m2/ao. Ngoài ra, trại nuôi tôm còn được trang bị 8 máy đẩy nước phối trộn với khí và 4 máy cho tôm ăn tự động.

Hiệu quả bất ngờ

Trong mô hình nuôi tôm của ông Bảy Vinh, tất cả các khâu cải tạo ao, lấy nước, xử lý nước ao, gây màu… đều tương tự đối với các mô hình nuôi tôm thông thường. Tuy nhiên, việc hạn chế đến mức thấp nhất liều lượng dùng các loại hóa chất xử lý nước được đặc biệt chú ý.

Ông Bảy Vinh cho biết, để tận dụng triệt để mặt nước ao nuôi tôm, trong giai đoạn 1 (1 tháng đầu tiên sau khi thả giống), tôm thẻ chân trắng giống được thả nuôi với mật độ 1.000 con/m2. Kết thúc giai đoạn cấp 1, tôm đạt cỡ 900 - 1.000 con/kg, sau đó tôm được kéo lưới chuyển qua hệ thống ao nuôi cấp 2 với ba mật độ khác nhau và tất cả các đợt nuôi này đều thành công.

Đối với mật độ nuôi 60 con/m2, sau 65 - 67 ngày nuôi, bình quân các ao tôm đạt năng suất 1 tấn/công (10 tấn/ha), cỡ tôm thu hoạch 55 con/kg. Với giá bán 140 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí SX khoảng 80 ngàn đ/kg, lợi nhuận vụ tôm này đạt 70 triệu đ/1.000 m2. Đối với mật độ thả nuôi 150 con/m2, sau thời gian nuôi khoảng 60 - 65 ngày, tôm nuôi đạt cỡ bình quân 50 - 55 con/kg, năng suất tôm đạt 1,5 tấn/1.000 m2 (15 tấn/ha). Giá thành SX cho vụ này bình quân 75 ngàn đ/kg, tôm bán được với giá 145 ngàn đ/kg, tính ra lợi nhuận gần 100 triệu đ/1.000 m2.

Ở mật độ 200 con/m2, tôm nuôi cũng phát triển bình thường đến 45 ngày tuổi nhưng do sản lượng tôm quá lớn trong khi hệ thống đẩy nước phối trộn với khí không đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho tôm nên vụ tôm này chỉ thu hoạch sau 45 ngày thả giống. Tuy nhiên, tôm nuôi vẫn đạt cỡ 100 con/kg, năng suất tôm thu hoạch đạt 2 tấn/1.000 m2 (20 tấn/ha), cao gấp đôi so với nuôi thông thường với tỷ lệ sống gần 100%, giá thành SX 65 ngàn đ/kg. Với giá bán 110 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí vẫn còn lời 90 triệu đ/1.000 m2. Tính ra, tổng lợi nhuận các vụ nuôi nuôi của ông Bảy Vinh trong năm 2013 hơn 1 tỷ đồng trên diện tích mặt nước ao nuôi hơn 3.000 m2 với tỷ lệ rủi ro thấp.

Mới đây, ông Bảy Vinh đã thử nghiệm nuôi đối chứng ao tôm nuôi 2 giai đoạn trong nhà kín với ao tôm hoàn toàn nằm ngoài trời với cùng một lô giống, cùng kỹ thuật xử lý và quản lý môi trường nước. Kết quả, tôm trong ao ngoài trời đã bị bệnh chết ở 20 ngày tuổi trong khi tôm nuôi trong mô hình nuôi theo 2 giai đoạn trong nhà kín đến nay vẫn phát triển bình thường. Điều này cho thấy, nuôi tôm theo mô hình của ông Bảy Vinh có rủi ro thấp hơn rất nhiều so với cách nuôi thông thường.

Tiếp tục hoàn thiện

Theo ông Bảy Vinh, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng mô hình nuôi tôm theo 2 giai đoạn đã thực hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, rủi ro trong nuôi tôm vẫn có thể xảy ra, bởi hiện nay tôm phải trên 40 ngày tuổi mới đảm bảo có lãi, trong khi giai đoạn 1 của mô hình chỉ có thể nuôi trong 30 ngày.

Do đó, hiện ông Bảy Vinh đang hoàn chỉnh hệ thống nuôi theo 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn cách nhau 20 - 25 ngày), trong đó hệ thống nuôi giai đoạn 1 gồm 2 bể xi măng trong nhà có mái che kín bằng tôn diện tích 100 m2/bể; hệ thống nuôi giai đoạn 2 gồm 2 ao nổi lót bạt hoàn toàn trong nhà có mái che kín bằng tôn diện tích 250 m2/bể, và hệ thống ao nuôi cấp 3 gồm có 2 ao lót bạc hoàn toàn ngoài trời diện tích 1.000 m2/ao. Bên cạnh đó, ông Bảy Vinh cũng đang nghiên cứu, thiết kế hệ thống vận chuyển tôm giữa các ao tự động theo đường ống để tôm không bị mất sức và tiết giảm chi phí.

Theo ông Bảy Vinh, tổng vốn đầu tư cho hệ thống nuôi gồm nhà tôn, bể xi măng, bể bạt, máy phối trộn nước với khí… của hệ thống nuôi 3 giai đoạn là hơn 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, có thể ông sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà lưới cho 2 ao nuôi tôm giai đoạn 3 để hệ thống nuôi hoàn thiện hơn.

Qua những kết quả đạt được từ mô hình nuôi tôm của ông Bảy Vinh, nhiều hộ SX, ương nghêu giống, nuôi tôm đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và SX bước đầu mang lại kết quả khả quan. Với những thành tích đạt được, năm 2013 ông Bảy Vinh đã được công nhận là gương điển hình lao động giỏi ngành thủy sản.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm