| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm thời công nghệ số

Chủ Nhật 15/12/2019 , 17:12 (GMT+7)

Vượt qua những sóng gió thị trường song hành cùng dịch bệnh tôm đe dọa, người nuôi tôm ở ĐBSCL dần tìm ra cách xoay xở “tiến - thoái” hiệu quả.

Trong các biện pháp, dấu ấn ứng dụng công nghệ số hóa thành điểm sáng ảo diệu mở ra con đường ngắn nhất đi tới thành công. 

Giải pháp công nghệ mới

Rynan Mekong – Smart Agriculture Network mở App Store cài đặt Smart phone, đăng nhập, ứng dụng. Dân nuôi tôm hay làm ruộng vườn có thể cập nhật qua màn hình điện thoại thông minh trong lòng bàn tay. Các Icon hiển thị về quan trắc nước, quản lý thiết bị, quản lý nước canh tác, giám sát sâu rầy, bảng màu lá lúa, thương mại điện tử, giá cả thị trường…

Tôi thử chạm vào Icon mạng lưới quan trắc xem chi tiết tại một trạm quan trắc. Tại điểm Vàm Trà Vinh, vào lúc giờ - ngày - tháng - năm: Độ mặn bao nhiêu g/L, pH, mực nước, độ kiềm hay thời tiết trong ngày đều hiện rõ các chỉ số.

Một ngày cuối năm 2019, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP RYNAN Smart Fertilizers (Trà Vinh) – một Việt kiều Canada nổi tiếng sở hữu 200 bằng sáng chế, về trường Đại học Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học “Quản lý đất và Sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp”.

16-48-54_ts_nguyen_thnh_my_phi_-_td_myln_group_chuyen_gio_pho_qun_trc_o_tinh_tr_vinh_-_nh_ct
TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) - Mylan Group chuyển giao phao quan trắc ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông trình bày Ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác nông nghiệp như mối quan tâm nhiệt thành mà ông bày tỏ khi trở về quê hương mình. Quan sát về hệ thống canh tác nông nghiệp, TS Mỹ hướng góc nhìn mới, thông qua giải pháp công nghệ ứng dụng để không chỉ giúp nông dân Trà Vinh quê ông, nông dân nội vùng ĐBSCL mà ước muốn mở rộng phạm vi địa lý rộng lớn với nhiều lĩnh vực đa ngành.

Gặp tôi, ông cười tươi kể lại ứng dụng Rynan Technologies chứng minh thành công nhất là được ngày càng nhiều nông dân dễ dàng cập nhật, ứng dụng.

Sau khi công ty của ông trao tặng, lắp đặt 2 phao quan trắc đầu tiên đặt trên sông thử nghiệm ở Trà Vinh đã góp phần giúp chính quyền địa phương và người dân nuôi tôm hay canh tác lúa, bảo vệ vườn cây trong mùa hạn - mặn gay gắt. Số lượng phao quan trắc đặt hàng và chuyển giao về các địa phương vùng ven biển.

Riêng tỉnh Trà Vinh - nơi “đại bản doanh” của Tập đoàn Mylan Group của TS Mỹ, được bố trí lắp đặt mạng lưới phao quan trắc tăng lên gần 20 phao để đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Nhớ ngày đầu “trình làng” Rynan Technologies - giải pháp mới “Ứng dụng công nghệ 4.0” sáng tạo của TS Nguyễn Thanh Mỹ được các nhà chuyên môn đánh giá là một trong các sản phẩm công nghệ rất cao.

Rynan Technologies tạo ra từ ứng dụng trên smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông để cho bà con nông dân ở vùng cửa sông bị xâm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH…, thông tin được gửi lên hệ thống đám mây và báo kết quả cho nông dân có thể biết được khi nào độ mặn giảm đúng theo chỉ số yêu cầu để bơm nước vào ao nuôi tôm hay độ mặn giảm hơn dưới mức cho phép để bơm lấy nước ngọt bơm tưới cho cây trồng. 

Những điểm sáng

Trong những năm gần đây một số trại tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu tiên phong tự lực đầu tư phòng nghiên cứu bệnh tôm, phòng Lab phân tích bệnh học, phân tích, giám sát các chỉ số nước, áp dụng qui trình kỹ thuật ghi chép sổ tay quản lý tôm giống, nước cấp - ao nuôi – ao lắng lọc và xử lý nước thải.

Hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch… Nhờ đó kết quả thu hoạch các vụ tôm gần đây đạt cao hơn, đồng thời tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh giảm đến mức thấp nhất.

Ba năm nay, người dân Sóc Trăng trúng mùa tôm liên tiếp nhờ ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Một trong những điểm tạo dấu ấn chính là an toàn sinh học áp dụng triệt để trong hệ thống ao nuôi. Nghề nuôi tôm hiện còn mang tính rủi ro rất cao trước những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp. Khó khăn nhất là nuôi tôm vụ 2 thường gặp thời tiết bất lợi do mùa mưa.

Tuy nhiên, các trại nuôi tôm đã chủ động ứng phó bằng cách sử dụng vi sinh để làm sạch đáy ao. Đây là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao luôn sạch, tiết kiệm được năng lượng, tăng ô xy hòa tan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm, đồng thời đảm bảo cấp đủ nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi.

Trên thực tế từ những năm qua công nghệ nuôi tôm 4.0 của Tập đoàn Việt Úc đang trở thành điểm sáng. Hội đủ các điều kiện về tiềm lực vốn và chủ động hai yếu tố “sạch” tiên quyết – Là nhà sản xuất tôm giống sạch hàng đầu cùng với giải pháp kiểm soát nguồn nước tốt nhất. Việt Úc tâm huyết ứng dụng CNC vào sản xuất, thiết lập chuỗi giá trị nuôi tôm, với tham vọng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu phức hợp nuôi tôm CNC ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại thủ phủ tôm Bạc Liêu, Việt Úc là công ty đầu tiên đầu tư khu nuôi tôm trong nhà màng (nhà kính) với quy mô lớn khoảng 315ha. Mỗi nhà màng rộng 1ha, bao trùm bởi khung nhà kính không gian nhịp lớn và chứa trong đó 10 ao nuôi tôm. Chính giải pháp kỹ thuật nhà màng đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát môi trường ổn định và an toàn về mặt sinh học. Tôm nuôi không bị sốc nhiệt đồng thời ngăn ngừa các dịch bệnh.

Bên cạnh đó một hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước bảo đảm nguồn cấp nước sạch vừa đủ nuôi tôm không hao phí. Hơn nữa Việt Úc còn đầu tư hệ thống tự động cho tôm ăn với các cảm biến, máy tính theo dõi biết mỗi khi tôm đói sẽ tự động đưa lượng thức ăn hợp lý, ưu điểm không tốn phí thức ăn thừa.

Việt Úc tự tin đầu tư khu phức hợp nuôi tôm đạt chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bắt đầu từ nền tảng căn bản con tôm bố mẹ tạo ra tôm giống sạch. Mỗi nhà màng giá trị đầu tư 7 tỷ đồng kỳ vọng thành công nuôi tôm công nghệ cao đạt tỷ lệ 80 - 100%. Theo mô hình này có thể thả nuôi tôm mật độ khá dày, chỉ 3 tháng là có thể thu hoạch và một năm nuôi được 3 vụ, với năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.

Tập đoàn Việt Úc đang dự trù kế hoạch triển khai mô hình nuôi tôm CNC tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ninh, với mục tiêu hướng tới hình thành một vùng nuôi tôm rộng lớn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tạo ra sản phẩm tôm tốt nhất của Việt Nam.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm