| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trắm đen vớ bẫm

Thứ Tư 02/11/2011 , 10:22 (GMT+7)

Nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp thịt vẫn thơm ngon, ít dịch bệnh và thị trường tiêu thụ lớn...

Thu hoạch cá trắm đen
Cá trắm đen được nuôi phổ biến trên địa bàn huyện Lâm Thao (Phú Thọ) trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do đặc thù thức ăn của trắm đen chủ yếu là ốc, trai nên tỷ lệ nuôi ghép rất thấp khoảng 10-20 con/ha tuỳ theo lượng ốc, trai có trong ao hồ. Những ao hồ ít ốc, trai, cá trắm đen kích cỡ thương phẩm nhỏ, chất lượng thịt thấp...

Ông Hà Ngọc Giang, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao cho biết: Năm 2010, đi tham quan mô hình tại Hà Nội chúng tôi biết được cá trắm đen nuôi ở đây không chỉ ăn ốc mà chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp. Sau chuyến đi ấy, Trạm Khuyến nông hỗ trợ 30% tiền giống và chuyển giao kỹ thuật phối hợp cùng gia đình anh Nguyễn Văn Vịnh ở khu 3A, xã Xuân Huy triển khai nuôi cá trắm đen thương phẩm với quy mô 1 ha.

Số lượng cá giống thả 1.200 con. Thời gian nuôi bắt đầu từ tháng 5/2010 đến 4/2011. Với kích cỡ giống ban đầu là 250-350 gam/con. Thức ăn sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp viên nổi dành cho thuỷ sản có hàm lượng đạm từ 30-40% tùy theo giai đoạn phát triển của cá.

Sau hai tháng, khi cá đạt trọng lượng 700 gam/con trở lên mới cho cá ăn thêm ốc, trai. Kết quả cho thấy, nuôi theo hình thức này cá lớn nhanh, chất lượng cá thương phẩm tốt, môi trường ao nuôi luôn trong sạch, hạn chế được dịch bệnh và thời gian quay vòng vốn nhanh. Chỉ trong vòng một năm, 60% lượng cá đạt kích cỡ thương phẩm từ 2-3 kg/con, 20% số cá đạt trên 3-4 kg/con, 10% lượng cá có trọng lượng trên 4 kg/con, cá biệt có những con trên 5 kg và loại cá nhỏ hơn 2 kg trở xuống chỉ chiếm 10%.

Huyện Lâm Thao có gần 500ha mặt nước, trong đó chuyển đổi được 153 ha sang nuôi thả cá. Nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp thịt vẫn thơm ngon, ít dịch bệnh và thị trường tiêu thụ lớn. Đây sẽ là đối tượng nuôi theo hướng thâm canh sản xuất lớn ở Lâm Thao thời gian tới.

Bước đầu thực hiện mô hình thắng lợi, anh Nguyễn Văn Vịnh vui mừng: Tổng số thức ăn đã tiêu thụ là 2.500 kg cám công nghiệp và gần 50 tấn ốc. Tổng chi phí cho toàn bộ mô hình là 110 triệu đồng. Sản lượng ước tính đạt 1,7 tấn cá với giá trung bình 110.000 đ/kg thì lãi sau một năm thu được trên 80 triệu đồng, cao gấp gần 4 lần so với nuôi các loại cá truyền thống.

Theo anh Vịnh, từ trước đến nay gia đình anh cùng nhiều hộ dân nuôi cá ở Lâm Thao thường chỉ nuôi trắm, trôi, mè, chép… Những loại cá này khi bán ra thị trường rất hay ế ẩm, nhiều khi bị ép giá nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nhưng bây giờ đã khác, với giống cá trắm đen, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp nên rất dễ nuôi. Ngoài ra thị trường tiêu thụ cá trắm đen rất lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chung niềm phấn khởi với anh Vịnh, ông Hà Ngọc Giang khẳng định: “Đây là mô hình thâm canh cá trắm đen đầu tiên ở huyện Lâm Thao cũng như trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Từ kết quả của mô hình này UBND huyện đã tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan đầu bờ cho nông dân học tập, áp dụng nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện trong thời gian tới”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.