| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trồng thủy sản: Chật vật vay vốn

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:37 (GMT+7)

Các DN, nông dân nuôi trồng thủy sản đang rất chật vật mới vay được vốn do ngân hàng lo ngại ngành này rủi ro cao.

* Người nuôi nói một đằng, ngân hàng bảo một nẻo!

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn, đặc biệt là nuôi theo hình thức công nghiệp. Vì vậy, nếu không có nguồn vốn vay từ ngân hàng người nuôi không thể kham nổi. Thế nhưng, hiện nay các DN, nông dân NTTS lại rất chật vật mới vay được vốn do ngân hàng lo ngại ngành này rủi ro cao.

>> Khó tiếp cận vốn, kinh tế sẽ vẫn ''đóng''
>> ĐBSCL khát vốn!
>> Cá tra vẫn khốn đốn vì đói vốn
>> DN thủy sản cần vốn khẩn cấp

DN, người nuôi: Vay vốn quá khó

Nuôi tôm, nuôi cá tra công nghiệp được xem là nghề của nhà giàu vì đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Chỉ cần đầu tư nuôi 1, 2 ao vài ngàn m2 thôi số vốn đã lên đến tiền tỷ. Ông Nguyễn Danh Hiện, Giám đốc Cty TNHH Thủy hải sản Minh Phú (xã Hòa Điền, Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết, mỗi ha nuôi tôm công nghiệp hiện nay cần vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Đó là chỉ tính chi phí đầu tư trực tiếp từ lúc thả cho tới lúc thu hoạch, không tính tiền mua đất, đầu tư xây dựng ban đầu. Ông Hiện nhẩm tính: “Với 1 ao nuôi 5.000 m2 riêng tiền hóa chất xử lý nguồn nước thôi đã mất đứt 100 triệu đồng, tiền con giống, thức ăn, điện chạy quạt trong mấy tháng nuôi cũng phải tốn thêm từ 350-400 triệu đồng nữa.


Thiếu vốn khiến nhiều ao tôm bị bỏ không

Trong bối cảnh lãi suất cao, lại khó vay được vốn mà người nuôi cứ trông chờ vào ngân hàng thì coi như chết là cái chắc. Cũng may chúng tôi là DN lớn, đã nuôi tôm nhiều năm nên nguồn vốn tự có tương đối chứ với gần 200 ha thả nuôi, cần vốn đầu tư vài trăm tỷ đồng khó mà đi gõ cửa ngân hàng được”.

Đại gia, ông lớn còn vậy, những người dân nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn hơn nhiều. Ông Trần Văn Đạt, có 2 ha nuôi tôm công nghiệp ở xã Dương Hòa, Kiên Lương, Kiên Giang than: “Đầu tư nuôi tôm công nghiệp mỗi ha cần vốn lên đến vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay vài chục triệu đồng/ha là cao vì tài sản thế chấp là đất nông nghiệp. Thậm chí ngân hàng còn không muốn cho vay, sợ nuôi tôm rủi ro”.

Tại Cà Mau, theo lộ trình quy hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp ở địa phương này đến năm 2015 đạt 10.000 ha, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5 tỉ USD. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua nông dân Cà Mau đã quá ngán ngẩm với nghề nuôi tôm vì thời tiết bất thường, dịch bệnh liên miên khiến tôm nuôi chết hàng loạt, ngân hàng ngán ngại cho nông dân vay… Thực tế những năm gần đây nông dân Cà Mau quá khó tiếp cận thậm chí gần như không tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng do đã có nợ từ trước. Ông Trần Văn Kiếm, xã Hòa Mỹ, Cái Nước, Cà Mau cho biết, gia đình có 4 ao tôm công nghiệp nhưng thời gian qua gặp vô số khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư. Theo ông Kiếm, nông dân muốn vay được vốn ngân hàng ngoài việc phải có tài sản thế chấp thì ao nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của chính quyền địa phương. Tương tự, hộ ông Dương Văn Thạnh, ở xã Tân Duyệt, Đầm Dơi, Cà Mau cũng gặp khó trong nuôi tôm do không vay được vốn.

Các DN, nông dân nuôi cá tra cũng gặp tình cảnh tương tự. Theo lãnh đạo một DN chuyên nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp, khủng hoảng kinh tế kéo dài đã làm tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Hầu hết DN đều thiếu vốn đầu tư theo phương án sản xuất. Về phía ngân hàng, gần như họ chỉ cho vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Đặc thù hoạt động kinh doanh của DN thủy sản là theo quy trình khép kín từ khâu: nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu, thu được tiền hàng phải mất thời gian ít nhất 13 tháng (không kể thời gian dự trữ hàng tồn kho).


Khó khăn về nguồn vốn đã làm diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm rất nhiều

Vì vậy, thời gian vay vốn ngắn sẽ không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Trong khi đó áp lực trả nợ, lãi suất vay ở mức cao nên các DN rất muốn giải phóng hàng nhanh để thu hồi vốn. Nắm bắt được điều này, các nhà nhập khẩu luôn trả giá ở mức thấp khiến cho DN càng khó hơn, vì bán thì lỗ mà ôm thì không trụ nổi.

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp,  ước tính có hơn 80% số người nuôi cá tra nguyên liệu trong tỉnh gặp khó khăn về vốn vì lãi suất quá cao, khó vay.

Ngân hàng: Tiền dồi dào, chờ nông dân vay

Ông Phạm Văn Quang, PGĐ Ngân hàng NN-PTNT Kiên Giang cho biết trong khoảng 6.000 tỷ đồng dư nợ hiện nay của ngân hàng thì 70% là cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, khi hỏi về tình trạng DN nông nghiệp than khó tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, ông Quang cho rằng: “Tình trạng DN hiện nay không vay được vốn là có nhưng không phải tất cả. Những DN này chủ yếu là do làm ăn thua lỗ, nợ tồn đọng kéo dài nên không thể cho vay tiếp. Đối với những DN tình hình tài chính lành mạnh nhưng gặp khó khăn do hàng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều thì ngân hàng sẵn sàng khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho vay thêm, giúp DN có điều kiện vượt qua khó khăn”.

+ Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp: Hiện nay Đồng Tháp có 1.038ha nuôi cá tra, trong đó 77 ha đang treo ao. Với giá cá đạt sai XK hiện ở mức 22.000 đồng/kg, nông dân lỗ ít nhất 500-1.000 đồng/kg.

+ Ông Trương Minh Giàu, Phó TGĐ Cty CP Việt An (An Giang): Tình hình nuôi cá tra ở An Giang đang rất khó khăn, giá cá bán ra chỉ bằng hoặc thấp hơn so với giá đầu tư khiến nông dân bị lỗ nặng nề, treo ao hầm rất nhiều. Các DN nhỏ hiện quá khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng nên chỉ hoạt động cầm chừng chỉ để giữ chân công nhân. 

Trao đổi với NNVN xoay quanh vấn đề vốn cho người NTTS, ông Lý Nam Hải, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nguồn vốn của đơn vị rất dồi dào, đang chờ nông dân đến vay. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ không vay được vốn là do còn thiếu nợ cũ chưa trả hoặc không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên…

Theo ông Hải, thủ tục để người dân vay vốn khá đơn giản, nếu người đã vay rồi muốn vay thêm cũng được, nhưng phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Còn đối với người vay mới chỉ cần đến gặp cán bộ tín dụng của ngân hàng để được hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ cần thiết, sau đó đem về địa phương xác nhận là có thể giải ngân trong ngày. Bên cạnh đó lãi suất cho người NTTS vay cũng đã giảm xuống ở mức 15% và hiện nay ngân hàng đang thảo luận hạ thấp mức lãi suất xuống còn 14%.

Ông Võ Ngọc Diệp, GĐ ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay ngân hàng thực hiện vốn vay cho lĩnh vực nuôi trồng, thu mua chế biến thủy sản đạt trên 822 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 27% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Mức lãi suất hiện nay cũng đã giảm nhiều, xuống chỉ còn 15%/năm, đặc biệt là đối với các hợp đồng ký kết đầu tháng 5 cho đến nay đối với các DN nông nghiệp chỉ còn 14%/năm, giảm bớt khó khăn cho DN.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.