| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trồng thủy sản trên đầm Nha Phu: Tiếc thuở vàng son

Thứ Năm 11/03/2010 , 10:28 (GMT+7)

Đã hơn 1 năm nay, kể tháng 2/2009, khi vẹm xanh trên đầm Nha Phu chết hàng loạt với tỷ lệ đến 95%,, thì hầu như con vẹm xanh đã không thể hồi sinh ở khu vực này...

Nhổ mạnh cái cọc nuôi vẹm cắm giữa đầm Nha Phu lên, ông Phạm À, thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) rầu rầu: “Nhìn coi, cả một cọc dài 2 mét, chỉ còn đôi ba con vẹm nhỏ. Số vẹm con này rồi cũng chỉ lớn được bằng đầu ngón tay cái là “rụng đáy”, chết thôi…”.

Đã hơn 1 năm nay, kể tháng 2/2009, khi vẹm xanh trên đầm Nha Phu chết hàng loạt, với tỷ lệ chết đến 95%, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng, thì hầu như con vẹm xanh đã không thể hồi sinh ở vùng đầm vốn nổi tiếng về tính đa dạng sinh học biển này…

Ngồi buồn trên bờ đầm Nha Phu, nhìn ra mặt đầm mênh mông nước, lô nhô những cọc vẹm, ông Phạm À “ôn cố”: Từ năm 2002, ông là một trong 3 người đầu tiên góp phần gầy dựng nên phong trào nuôi vẹm xanh ở đây. Ngày đó, Viện Hải dương học Nha Trang bắt đầu triển khai mô hình phát triển nguồn lợi vẹm xanh trên đầm Nha Phu, bằng việc đưa về đây 240kg giống lấy từ Thừa Thiên Huế để vận động bà con nuôi và nhân giống. Được cán bộ Trung tâm khuyến ngư tỉnh vận động, ông Phạm À đã làm tổ trưởng của tổ tiên phong gồm 3 người đi đầu nuôi và nhân giống vẹm xanh ở đầm Nha Phu. Sau một năm nuôi vẹm, cả tổ thu lãi 30 triệu đồng, mỗi người được chia 10 triệu. Từ số vẹm ban đầu này, giống vẹm đã được nhân ra và phát triển thành nghề nuôi trồng thủy sản giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân thuộc các xã Ninh Ích, Ninh Phú, Ninh Lộc (huyện Ninh Hòa)…

Nghề nuôi vẹm nhanh chóng được nhân rộng do rất dễ làm, ai ai cũng có thể thành công. Chẳng cần đầu tư, chăm sóc gì nhiều, chỉ cần mua ít giống, cắm trụ xuống đầm, vẹm tự lớn và hàng năm đến kỳ là thu hoạch. Từ chỉ vài hộ ban đầu, đến thời kỳ đỉnh điểm trên đầm Nha Phu đã có tới hàng trăm hộ nuôi vẹm với hơn 60.000 trụ. Mỗi trụ thu về từ 10 – 15kg, sản lượng hàng năm ước khoảng 800 – 900 tấn. Giá vẹm lúc ấy chỉ khoảng 5.000 – 7.000đồng/kg nhưng có những hộ nuôi lớn, thu về hàng trăm triệu đồng. Vậy rồi, đúng vào ngày 30 Tết Kỷ Sửu, lẽ ra với 2.000 trụ vẹm, gia đình ông À sẽ thu lãi về khoảng 50 triệu đồng. Nhưng ông và hàng trăm hộ khác phải khóc ròng, đón một cái Tết buồn vì vẹm chết hàng loạt… Cho đến nay, nguyên nhân vẫn chỉ được xác định là mật độ nuôi dày, ô nhiễm môi trường nước và chưa có cách nào khôi phục.

Ông Võ Đình Long, cán bộ phụ trách kinh tế xã Ninh Ích cho biết: Hiện nay, trên đầm Nha Phu vẫn còn khoảng 30.000 trụ vẹm dân chưa nhổ bỏ. Vài tháng trở lại đây, tại những trụ vẹm này đã bắt đầu thấy vẹm xanh xuất hiện. Nhưng sản lượng vẹm thu về rất ít, chỉ vẻn vẹn 5 - 10con/cọc (trước đây là 10 – 15kg/cọc) và giá trị kinh tế chẳng còn được bao nhiêu do vẹm chết từ khi còn quá nhỏ…

Thua vẹm, nhiều hộ dính nợ nần chồng chất do đã bỏ tiền đúc trụ xi măng đầu tư cho nghề vẹm. Họ đành quay về với nghề biển, nhưng đầm Nha Phu nổi tiếng trù phú về nguồn lợi thủy sản dường như chỉ còn trong ký ức. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đáy đầm giờ đây bị ngập bùn sâu gần cả mét nên chẳng còn mấy hải sản mà khai thác.

Ngồi trên mạn thuyền, bập bềnh trên mặt đầm Nha Phu mênh mang nước, nhiều cọc nhọn, nhiều dàn cây và nhiều những lều che, ông Phạm À buồn bã: “Tui cũng vừa tham gia nuôi thử nghiệm một giống hàu mới, đề tài của một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 thực hiện, nhưng lại thất bại hoàn toàn. Con vẹm dễ sống, dễ nuôi đến vậy mà còn không chịu được, giống hải sản quý như hàu thì làm sau phát triển nổi, phải không?…”.

Không chỉ vẹm xanh “rớt đáy” và sò lông, sò huyết, sò điệp, tôm, cua… đều ngày một vắng bóng. Nhiều hộ cố xoay xở chuyển sang nuôi tôm hùm lồng, tính đến nay trên mặt đầm đã có khoảng 225 lồng tôm với khoảng 18.000 con nhưng vừa rồi lại cũng lao đao, thất bát vì “dính” bệnh sữa. Tại khu vực thôn Tân Thành, khoảng 30 – 40 hộ xoay sang làm dàn và nhà chòi trên mặt đầm. Họ treo những trụ san hô đã được đục lỗ nhỏ xung quanh dàn để nhử tôm hùm con. Vài năm trước, mỗi con tôm giống chỉ bằng đầu tăm có giá hơn 150.000 đồng/con, đến mùa, có hộ thu về hàng chục đến trăm triệu đồng. Nhưng chẳng hiểu sao, năm nay cũng thất bại hoàn toàn. Đã qua mùa thu bắt tôm hùm giống và chẳng có mấy con chịu vào dàn…

Cách thành phố Nha Trang 18km về phía Bắc, đầm Nha Phu rộng 1.500 ha, vốn được cung cấp nước ngọt từ nhiều con sông, trở thành một vùng nước phù hợp cho nhiều thủy hải sản nảy nở, sinh sôi, từng tạo ra nhiều nguồn lợi cho cư dân nơi đây. Nhưng, đến đầm Nha Phu vào những ngày này, chỉ còn có nắng, gió và những đống vỏ vẹm chết ngày nào còn chất đống trên bờ. Chẳng còn thấy đâu không khí rộn ràng thu hoạch, mua bán hải sản ngày nào.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.